TS. Nguyễn Đình Cung: Năm nào cũng có thách thức, vấn đề là dám đối mặt

Bảo Duy - 28/01/2017 22:27 (GMT+7)

Nhìn nhận về năm 2017, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), không muốn nói về thách thức, vì năm nào cũng sẽ có.

Ông Cung nói:

"Quan điểm của tôi là năm nào cũng sẽ có những thách thức riêng. Với nền kinh tế Việt Nam, có cả những thách thức mang tính nền tảng.

Bởi vậy, tôi không lo thách thức, mà lo có dám thay đổi, có muốn thay đổi để vượt qua những thách thức đó không.

Và chính bởi vậy, thách thức lớn nhất là chúng ta có muốn thay đổi không, có chủ động thay đổi không, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu.

Ví dụ, vẫn có quan điểm cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt kế hoạch là do sự sụt giảm của ngành khai khoáng, do cầu giảm, rồi phải tăng đầu tư, tín dụng…

Nhưng quan điểm của tôi là cách thức tăng trưởng của ta đã tới hạn, không còn dư địa cho cách thức điều hành cũ – dùng công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng. Năm vừa rồi tăng trưởng không đạt kế hoạch không phải chỉ do ngành khai khoáng!"

- Vậy, với quan điểm của ông, động lực nào cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong năm nay?

Ông Nguyễn Đình Cung: Đó là cải cách nền tảng vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng. Lâu nay, chúng ta ít nói đến điều này. Năm nay, động lực không phải là điều chỉnh kinh tế vĩ mô nữa mà phải là cải cách thị trường. Đó chính là trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế.

Bởi vậy, năm 2017, tôi muốn nói tới sự thay đổi chứ không muốn nói tới thành tích và những con số cụ thể.

Tôi cũng mong muốn giới chuyên gia kinh tế phân tích theo chiều hướng này nhiều hơn, chứ không chỉ nhìn vào những con số cụ thể.

- Năm nay, Chính phủ tiếp tục gửi đi thông điệp về một Chính phủ kiến tạo và hành động. Ông nhìn nhận thế nào về thông điệp này?

Quan điểm của tôi là các dịch vụ của nhà nước cung cấp có thể coi là hàng hóa, người dân và doanh nghiệp là khách hàng.

Trong mối quan hệ này, việc cung cấp dịch vụ phải tốt nhất, rẻ nhất. Để được như vậy, có thể nói dễ hiểu là áp dụng nguyên tắc quản lý của doanh nghiệp vào điều hành kinh tế.

Có nghĩa là quản lý nhà nước phải phục vụ sự phát triển, đáp ưng nhu cầu của sự phát triển của nền kinh tế, của người dân, doanh nghiệp. Làm được điều này, nhiều rào cản trong môi trường chính sách, đầu tư – kinh doanh sẽ được tháo. Và nhiều điểm nghẽn của tăng trưởng cũng sẽ được tháo. Doanh nghiệp là khách hàng thì sẽ được phục vụ, không còn "hành là chính" nữa. Nhà nước sẽ thành người phục vụ.

Trong mối quan hệ này, doanh nghiệp cũng sẽ nhìn vào hiệu quả, lựa chọn các quyết định đầu tư dựa trên hiệu quả chứ không phải dựa trên các yếu tố đầu vào. Khi đó, mọi việc của nhà nước cũng sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả. Nhà nước và doanh nghiệp sẽ cũng đồng hành trong giải quyết các vấn đề phát sinh, thay vì các cách áp đặt.

Đây là những triết lý mà tôi muốn áp dụng để giải nghĩa những ách tắc trong quản lý nhà nước của ta hiện nay.

Tôi đang đặt câu hỏi, đã có bộ trưởng, chủ tịch tỉnh nào thảo luận xem việc thực hiện Chính phủ kiến tạo như thế nào chưa? Nếu chưa thì đó là điều đáng tiếc, vì từ tuyên bố chính trị này tới thực tế vẫn còn xa.

Điều cần làm là phải tạo sức ép để các bộ trưởng hành động đúng như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng chuyên mục
Tin khác