TS. Nguyễn Quốc Việt: 'Lúng túng khi triển khai các gói kích thích kinh tế'

Trịnh Thu - 27/03/2022 18:28 (GMT+7)

(VNF) - TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá quý I/2022 vẫn cho thấy có những lúng túng nhất định từ phía nhà quản lý trong việc triển khai các gói kích thích phục hồi kinh tế, như: nhiều gói hỗ trợ chưa có sự thống nhất ban đầu; chưa có cơ chế giải quyết triệt để vấn đề xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản…

VNF
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá quý I/2022 vẫn cho thấy có những lúng túng nhất định từ phía nhà quản lý trong việc triển khai các gói kích thích phục hồi kinh tế.

- Với quan sát của một nhà nghiên cứu, ông nhận thấy kinh tế vĩ mô quý I/2022 có những điểm sáng nào ấn tượng?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Kinh tế quý I/2022 đã tận dụng được đà hồi phục tăng trưởng từ quý IV/2021, sau khi đã khống chế thành công dịch Covid-19 nhờ chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc. Điều quan trọng nhất là chúng ta vẫn duy trì ổn định các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Và cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhất là các bạn hàng, đối tác chiến lược của Việt Nam tăng trưởng khả quan, cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta đã nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo sản xuất kinh doanh. Có thể thấy sự phục hồi kinh tế trong quý I/2022 đến từ 2 yếu tố chính là sự phục hồi sản xuất công nghiệp và thương mại quốc tế.

Điểm sáng chính sách đáng kể nhất là ngoài việc công bố công khai, rộng rãi gói kích thích phục hồi tăng trưởng 350.000 tỷ đồng thì các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ đã tạo ra niềm tin vào quá trình củng cố các cải cách thể chế mạnh mẽ về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy giải phóng các nguồn lực tư nhân và đầu tư nước ngoài cho quá trình phục hồi nền kinh tế.

- Bên cạnh những điểm sáng, đâu là các vấn đề còn tồn tại mà chúng ta phải lưu ý sau 3 tháng đầu năm?

Vấn đề quan ngại nhất trong những tháng vừa rồi vẫn là khả năng quay trở lại của Covid-19 với các biến chủng mới. Ngay trong những tháng đầu năm, sự bùng nổ các ca nhiễm (với biến chủng Omicron là chủ yếu) đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sản xuất và kinh doanh bình thường của nhiều địa phương/doanh nghiệp, cục bộ xuất hiện hiện tượng thiếu lao động.

Vấn đề thứ hai là là áp lực lạm phát tăng cao trên thế giới và Việt Nam. Áp lực chi phí đẩy từ năm ngoái và đầu năm 2022 đang hiện thực hóa trong năm 2022, khiến giá cả leo thang ở hầu hết quốc gia trong khu vực ASEAN, đặc biệt những nước có sản xuất xuất khẩu lớn như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Do vậy, dự báo chung là năm nay, lạm phát trong khu vực sẽ tăng so với mức của năm 2021.

Ngoài ra, những diễn biến khó lường của tình hình địa chính trị trên thế giới cũng góp phần làm tăng áp lực lạm phát, kèm theo đó là nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng, vận tải/logistics trong cả năm 2022 – 2023. Chiến tranh Nga - Ukraine đã khiến các nước tăng mua tài sản bảo đảm và ngân hàng trung ương đứng trước lựa chọn tăng lãi suất để chống lạm phát đang lên rất cao ở Mỹ và Tây Âu. Các lệnh trừng phạt sẽ gây khó khăn hơn cho các hoạt động sản xuất và đầu tư quốc tế.

Về chính sách, tôi cho rằng vẫn có những lúng túng nhất định trong việc triển khai các gói kích thích phục hồi kinh tế. Trước tiên, Chính phủ cần làm rõ, công khai hóa cơ chế thực thi và triển khai các gói hỗ trợ. Nhiều gói hỗ trợ được thực thi bắt đầu từ tháng 2/2022 (giảm thuế VAT) nhưng vẫn có sự chưa thống nhất lúc ban đầu giữa các bộ/ngành/địa phương khiến việc vận dụng thực tế gặp khó khăn. Các gói đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ có ý nghĩa rất lớn nhưng nếu chậm trễ triển khai sẽ khiến chi phí tăng (do chi phí đầu vào tăng theo lạm phát), từ đó tác động lan tỏa sang những ngành/lĩnh vực khác cũng sẽ không đạt kỳ vọng.

Việc xuất khẩu (nhất là xuất khẩu nông sản) bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cạnh tranh quốc tế cũng như sự không chắc chắn từ thị trường truyền thống (Trung Quốc) đã xuất hiện từ cuối năm ngoái, nhưng vẫn chưa có cơ chế giải quyết triệt để, chủ yếu vẫn là giải pháp tình thế, gây ra sự bất ổn trong tất cả các khâu. Đây sẽ là một vấn đề lớn cần phải tìm cơ chế giải quyết trong năm nay.

- Sự gia tăng về giá của các loại tài sản dường như cho thấy dòng tiền trong nền kinh tế vẫn chưa đi vào sản xuất. Ông có cho đây là dấu hiệu đáng lo cho nền kinh tế?

Trước những khó khăn do dịch bệnh, sự bất thuận về chuỗi cung ứng trên thế giới và sự thiếu hiệu quả trong hoạt động kinh doanh trong nước (như chi phí sản xuất kinh doanh và rủi ro tăng) thì tâm lý phòng thủ vào các tài sản có giá là đương nhiên. Việt Nam không ngoại lệ so với thế giới. Vì thế, để dòng vốn thật có thể chảy vào sản xuất - kinh doanh, Chính phủ có mấy việc cần làm.

Một là nhất quán chính sách bình thường mới. Mở cửa và sống chung với Covid-19 vẫn là điều kiện quan trọng nhất; đi kèm với đó là tiếp tục nghiên cứu bao phủ vắcxin mũi 4-5 đề phòng biến chủng mới và tăng năng lực y tế các cấp, tập trung hỗ trợ các nhóm nguy cơ.

Hai là đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và rào cản không đáng có cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để kéo lại niềm tin, thúc đẩy dòng vốn lành mạnh trở lại với hoạt động sản xuất, từ đó hạn chế các nguy cơ bong bóng giá tài sản, đặc biệt là bất động sản như thời gian qua.

Thứ 3, trong bối cảnh vừa chịu những khó khăn dịch bệnh, vừa chịu áp lực chi phí đầu vào tăng cao, để kích thích việc duy trì sản xuất kinh doanh, Chính phủ nên áp dụng thực chất các chính sách miễn, giãn, hoãn và cho vay ưu đãi với các nhóm ngành/doanh nghiệp có sản xuất thực ở trong nước, nhất là những ngành tạo giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu, hoặc ngành hàng có sản xuất trong nước có thể dần thay thế các mặt hàng nhập khẩu xa xỉ.

- Ông nhìn nhận triển vọng kinh tế quý II và cả năm 2022 sẽ thế nào? Phân tích của ông về các động lực tăng trưởng trong các quý tới?

Động lực tăng trưởng vẫn là khu vực sản xuất và xuất khẩu. Các gói đầu tư công vào cơ sở hạ tầng đương nhiên sẽ kích thích nhóm xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng mạnh trong những tháng còn lại của năm 2022, tất nhiên với điều kiện đẩy nhanh việc giải ngân, từ đó tạo tác động lan tỏa ra một số lĩnh vực có liên quan.

Cầu trong nước vẫn chưa thể cao ngay được do sức mua của dân còn yếu, nhưng sẽ dần được cải thiện với sự phục hồi từ nhóm du lịch trong nước sau khi bình thường hóa hoàn toàn hoạt động du lịch, vui chơi, ăn uống. Tiếc là với những bất ổn toàn cầu thì chưa chắc du khách quốc tế đã có những cú hích như kỳ vọng ban đầu. Do vậy một số ngành dịch vụ có thể phục hồi như hàng không, giao thông…

Việc triển khai thực thi các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới có thể tiếp tục tạo đà bùng nổ xuất khẩu tới các thị trường mới, đặc biệt tạo cơ hội cho các ngành hàng nông sản xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, qua đó cũng tránh được những bất trắc từ thị trường truyền thống.

- Vậy còn những trở ngại?

Áp lực lạm phát vẫn rất lớn, song có thể kiềm chế nếu có những giải pháp điều tiết giá nguyên vật liệu đầu vào và năng lượng hợp lý. Các nguy cơ khác có thể vẫn đến từ sự thiếu nhất quán trong áp dụng các chính sách hoặc hoạt động điều hành kinh tế gây nản lòng doanh nghiệp và làm mất niềm tin của các nhà đầu tư, nhất là khối ngoại. Một số báo cáo và kiến nghị cho thấy thời gian gần đây có hiện tượng quay trở lại của các chính sách quản lý gây phiền hà, tăng chi phí tuân thủ, không tạo thuận lợi kinh doanh. Có thể nói những trở ngại đến chính từ các yếu kém thể chế cố hữu vẫn rất đáng quan tâm trong giai đoạn hiện nay, chưa kể những yếu tố trục lợi chính sách có thể khiến các chính sách tốt không đi vào cuộc sống hoặc thậm chí bị méo mó khi áp dụng.

Và khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị gây trở ngại, thiếu chắc chắn và niềm tin, chịu nhiều rủi ro từ các yếu tố bên ngoài lẫn hệ thống cơ chế quản lý thì các hành vi kinh doanh ngắn hạn, đầu cơ tài sản sẽ thế chỗ và từ đó lại gây áp lực và các bất ổn vĩ mô.

- Khuyến nghị của ông đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế là gì?

Một là tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh bình đẳng, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ và tự do. Hai là tập trung vào xây dựng các thể chế và chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tự do hóa mạnh mẽ hơn các lĩnh vực dịch vụ trong nước, kể cả những lĩnh vực được coi là nhiều yếu tố nhạy cảm như y tế, giáo dục. Ba là cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đặc biệt là quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác