Từ phiên 'sập ATC' vừa qua, nhìn lại các phiên 'sập ATC' khiến nhà đầu tư ngao ngán

Thanh Long - 18/10/2023 10:30 (GMT+7)

(VNF) - Việc cổ phiếu giảm đột ngột trong phiên ATC từng là vấn đề "nóng" trên thị trường khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc, thậm chí đòi bỏ phiên ATC trên sàn HoSE. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ rất bị động trong phiên này, trong những trường hợp tiêu cực đành "khoanh tay đứng nhìn" giá cổ phiếu mà mình nắm giữ "bốc hơi".

VNF
Từ phiên 'sập ATC' vừa qua, nhìn lại các phiên 'sập ATC' khiến nhà đầu tư ngao ngán

Sau khi phiên 17/10/2023 kết thúc, trên khắp các hội nhóm, diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư tỏ ra ngao ngán, chán nản với diễn biến giá cổ phiếu trong phiên ATC. Cụ thể, trong phần lớn thời gian giao dịch, VN-Index giữ sắc xanh, tuy nhiên trước phiên ATC, chỉ số này có xu hướng lao dốc. Sau 5 phút diễn ra phiên ATC, VN-Index đã mất khoảng 7 điểm so với giá tham chiếu và kết phiên mất tới gần 20 điểm.

Việc cổ phiếu giảm đột ngột trong phiên ATC từng là vấn đề "nóng" trên thị trường khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc, thậm chí đòi bỏ phiên ATC trên sàn HoSE. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ rất bị động trong phiên này bởi không được phép khớp lệnh liên tục, trong những trường hợp tiêu cực đành "khoanh tay đứng nhìn" giá cổ phiếu mà mình nắm giữ "bốc hơi".

Nhìn lại quá khứ, không thiếu những phiên "sập ATC", dù mức độ giảm hiếm khi lớn như phiên 17/10/2023 vừa qua.

Có thể kể đến phiên 14/6/2023, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn bị ép xuống khiến VN-Index đang tăng 3,13 điểm thành giảm 5,04 điểm. Điểm giống với phiên 17/10/2023 là khối ngoại cũng đẩy mạnh việc mua vào trong phiên 14/6/2023.

Hoặc như phiên 29/12/2022, bối cảnh thanh khoản thấp trở thành điều kiện thuận lợi cho sự biến động có tính bất thường của VN-Index. Chỉ trong phiên ATC và hơn 10 phút trước đó, VN-Index đã mất tới 1,24% giá trị.

Phiên 17/6/2021 cũng chứng kiến sự sụt giảm đầy bất ngờ cuối phiên khi nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 đảo chiều từ tăng thành giảm so với giá tham chiếu. Đáng chú ý, đây là một phiên đáo hạn phái sinh. Trước đó, không ít ngày đáo hạn phái sinh ghi nhận biến động bất thường trong phiên ATC, điển hình như ngày 21/11/2019 hay ngày 19/4/2018 đều giảm rất mạnh.

Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải cho các cú sập ATC. Phổ biến nhất là thị trường bị chi phối để phục vụ cho hoạt động đáo hạn phái sinh. Nguyên nhân này phần lớn được giới đầu tư đồng thuận nếu phiên "sập ATC" diễn ra ngay trong ngày đáo hạn phái sinh.

Bên cạnh đó, cổ phiếu có thể bị "xả" trong phiên ATC bởi áp lực bán từ các tổ chức lớn. Chẳng hạn như hoạt động bán giải chấp cổ phiếu hoặc như trường hợp ngày 17/10/2023 lan truyền thông tin chưa kiểm chứng rằng các "kho" bán tháo cổ phiếu để tránh bị thanh tra.

Ngoài ra, giá cổ phiếu cũng dễ bị chi phối hơn trong các giai đoạn thị trường có thanh khoản thấp.

Trên thực tế, những biến động mang tính đột biến, ngắn hạn trên thị trường là "góc tối" của thị trường chứng khoán và trong nhiều trường hợp cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý có thẩm quyền mới có thể làm sáng tỏ cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dẫu vậy, trong hành trình đầu tư cá nhân, việc biết nguyên nhân dẫn đến biến động ngắn hạn không phải là điều quá quan trọng nếu đó không phải thuộc một xu hướng lớn, bởi các xu hướng lớn mới là thứ quyết định một thương vụ đầu tư thành công.

Dù thế, nhu cầu được minh bạch luôn là nhu cầu chính đáng của nhà đầu tư và đó mới là thứ tạo nên sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Cùng chuyên mục
Tin khác