Từ tranh luận địa vị pháp lý của UBCKNN, 'ngó' mô hình UBCK ở các nước trên thế giới
Thanh Long -
15/08/2019 18:28 (GMT+7)
(VNF) - Bên cạnh mô hình trực thuộc Bộ Tài chính như các nước Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha, ủy ban chứng khoán (UBCK) ở nhiều quốc gia theo mô hình độc lập, trực thuộc Chính phủ, như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc... Riêng Vương quốc Anh theo mô hình UBCK không trực thuộc Chính phủ.
UBCKNN vẫn trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng tăng thêm quyền để sát với pháp luật của những nước có mô hình tương tự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã có phiên họp cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm chuẩn bị cho việc trình Quốc hội thảo luận và thông qua vào kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 10 tới.
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nhất là về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Về cơ bản, có 2 loại ý kiến của đại biểu Quốc hội như sau: 18/34 lượt ý kiến nhất trí mô hình UBCKNN độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế; 11/34 lượt ý kiến cho rằng mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động.
Một số ý kiến khác cho rằng dù theo mô hình nào cũng cần bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động để có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức quản lý và giám sát toàn diện đối với thị trường chứng khoán.
Về vấn đề này có 3 phương án như sau:
Phương án 1 là UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính. Đây là phương án như Chính phủ đã trình nhưng có chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ tại Quyết định 48/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính.
Phương án 2 là UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của UBCKNN và thẩm quyền của UBCKNN đối với Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TCTLK), sát với pháp luật của những nước có mô hình tương tự.
Cụ thể, UBCKNN thay Bộ Tài chính thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với SGDCK và TCTLK.
Cùng với đó, Chủ tịch UBCKNN phê duyệt Điều lệ của SGDCK và TCTLK; bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên) của SGDCK và TCTLK; phê duyệt việc Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Trưởng bộ phận giám sát giao dịch của SGDCK; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của TCTLK.
Ngoài ra, để nâng cao vị thế, trách nhiệm của UBCKNN và người đứng đầu, bảo đảm vị thế khi phối hợp làm việc với cơ quan, Bộ, ngành và trong hợp tác quốc tế (tương tự như quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại Luật Cạnh tranh), phương án này quy định:
“Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và toàn bộ hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục quy định như Luật Chứng khoán hiện hành về việc “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Chính phủ quy định”.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá, theo phương án này, UBCKNN tương đối bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán - IOSCO (nguyên tắc số 1, 2), khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính (như Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha) và giữ được ổn định, không làm xáo trộn về bộ máy tổ chức.
Phương án 3 là UBCKNN độc lập, trực thuộc Chính phủ. Theo phương án này, UBCKNN có quyền chủ động xây dựng chiến lược, đề xuất chính sách với Chính phủ về chứng khoán và TTCK; là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước của SGDCK và TCTLK, có đầy đủ quyền hạn quản lý và giám sát toàn diện thị trường, bảo đảm tính độc lập theo nguyên tắc của IOSCO, thực hiện được khuyến nghị của FSAP, phù hợp với thông lệ quốc tế.
"UBCKNN độc lập giúp cho việc quản lý thống nhất ban hành quy chế, chủ động về tổ chức nhân sự, ngân sách sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm của UBCKNN, nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của thị trường, góp phần quan trọng để nâng hạng TTCK Việt Nam. Việc UBCKNN trực thuộc Chính phủ bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay, tách bạch giữa chức năng của cơ quan quản lý tài chính nhà nước với chức năng của các tổ chức hoạt động trung gian tài chính", Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu.
Tuy nhiên, phương án này sẽ phát sinh thêm đầu mối trực thuộc Chính phủ.
Đa số Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án 2.
Mô hình UBCK ở các nước như thế nào?
Như Thường trực Ủy ban Kinh tế đề cập, một số nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính gồm Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha.
UBCK Bồ đào Nha (CMVM) được thành lập vào tháng 4/1991, thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính. CMVM độc lập về cấu trúc, chức năng và kỹ thuật; được trao các quyền về quản lý, tự chủ hành chính, tài chính và tài sản; quyền điều chỉnh các quy định, giám sát và xử lý vi phạm...
Bộ Tài chính Bồ Đào Nha được quyền phê duyệt kế hoạch hoạt động, báo cáo hoạt động, bổ nhiệm các thành viên của ủy ban giám sát... Đồng thời đề xuất với hội đồng bộ trưởng bổ nhiệm các thành viên của ban quản lý CMVM.
Trong khi đó, UBCK Malaysia (SC) được thành lập vào tháng 3/1993, là một cơ quan theo luật định được giao trách nhiệm điều tiết và phát triển thị trường vốn tại Malaysia.
SC tuyên bố: "Nhiệm vụ của chúng tôi là thúc đẩy và duy trì thị trường chứng khoán và chứng khoán phái sinh công bằng, hiệu quả, an toàn và minh bạch; tạo điều kiện cho sự phát triển có trật tự của một thị trường vốn sáng tạo và cạnh tranh".
SC có trách nhiệm trực tiếp trong việc xây dựng quy tắc, thực thi các quy định liên quan đến thị trường vốn, đảm bảo tăng trưởng và phát triển thị trường bền vững, giám sát các hoạt động thị trường vốn và các tổ chức thị trường bao gồm trao đổi, thanh toán bù trừ và điều hành thị trường.
SC báo cáo các hoạt động và kết quả hoạt động với Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia.
Còn tại Bangladesh, cơ quan quản lý chứng khoán của nước này là Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Bangladesh (BSEC), bao gồm Sở giao dịch chứng khoán Dhaka (DSE) và Sở giao dịch chứng khoán Chittagong (CSE). BSEC được thành lập vào tháng 6/1993, là một cơ quan theo luật định và trực thuộc Bộ Tài chính Bangladesh.
BSEC có một Chủ tịch và bốn Ủy viên được Chính phủ bổ nhiệm toàn thời gian. Chủ tịch đóng vai trò là Giám đốc điều hành của ủy ban.
Bên cạnh mô hình trực thuộc Bộ Tài chính, nhiều quốc gia theo mô hình UBCK độc lập, trực thuộc Chính phủ.
Điển hình nhất cho mô hình trực thuộc Chính phủ là Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). SEC được điều hành bởi 5 Ủy viên được bổ nhiệm chính thức. Một trong số họ được Tổng thống chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban, cũng là giám đốc điều hành của SEC. Theo luật, không quá 3 trong số các Ủy viên thuộc cùng một đảng chính trị.
Nhiệm vụ của SEC là bảo vệ các nhà đầu tư, duy trì công bằng, trật tự, hiệu quả và tạo điều kiện cho việc phát triển thị trường vốn.
Từ thời kỳ đầu thành lập, SEC có 4 nhiệm vụ mà cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Đầu tiên và quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Thứ hai, về tính liêm chính, SEC đã phải loại bỏ những trò lừa đảo dựa trên thông tin giả mạo, các thiết bị lừa đảo và các kế hoạch làm giàu nhanh chóng vô căn cứ.
Thứ ba, quan trọng hơn nhiều so với các vụ lừa đảo, là SEC phải chấm dứt các cuộc thao túng cổ phiếu của lãnh đạo các tập đoàn lớn, các cuộc giao dịch nội gián.
Cuối cùng, SEC phải thiết lập một hệ thống mua - bán cho tất cả các chứng khoán được bán ở Mỹ, với bộ quy tắc, thời hạn và hướng dẫn rõ ràng mà mọi người phải tuân theo.
Một số nước có mô hình tương tự có thể kể đến như Nhật Bản với Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA), Ý với Ủy ban các công ty và sàn giao dịch Ý (CONSOB), Pháp với Cơ quan Tài chính Pháp (AMF), Trung Quốc với Ủy ban Giám quản Chứng khoán Trung Quốc (CSRC)...
Ngoài ra còn có Cơ quan giám sát tài chính Liên bang Đức (BaFin) trực thuộc Chính quyền Liên bang Đức, chịu sự giám sát của Bộ Tài chính Liên bang Đức; Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Brazil (CVM) trực thuộc Hội đồng tiền tệ Quốc gia, có liên kết điều hành với Bộ Tài chính Brazil; Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) trực thuộc Chính phủ Liên minh Ấn Độ, với các thành viên được đề cử từ Bộ Tài chính Liên minh, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ và các thành viên khác...
Trường hợp ở Singapore có sự khác biệt lớn khi gộp chức năng quản lý chứng khoán và chức năng ngân hàng trung ương vào cùng một cơ quan là Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS). MAS được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mô tả là "độc lập trực thuộc Chính phủ nhưng không chịu áp lực chính trị".
Mô hình UBCK không trực thuộc Chính phủ khá ít, tiêu biểu có Vương Quốc Anh. Cơ quan quản lý tài chính Anh (FCA) là cơ quan chịu trách nhiệm điều tiết ngành dịch vụ tài chính tại Vương quốc Anh. FCA hoạt động độc lập với chính phủ Vương quốc Anh.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone