Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Livestream (phát sóng trực tiếp) được phát triển trên mạng xã hội Facebook vào năm 2016 và trở nên phổ biến sau đó. Ít ai biết livestream thực ra đã được ứng dụng vào năm 2007 với tên gọi Upstream, dành cho binh lính Mỹ ở nước ngoài để nói chuyện trực tiếp với người thân. Như vậy, có thể thấy mục đích ban đầu của việc livestream là để kết nối, tăng tương tác giữa những người thân, người quen biết.
Khi livestream chính thức được áp dụng trên Facebook, người dùng mạng xã hội này chủ yếu dùng tính năng này để giao lưu, kết nối từ xa với mọi người thông qua hình thức phát sóng video trực tiếp và phản hồi những lời bình luận trong buổi phát sóng.
Dần dần, livestream đã được người dùng ứng dụng vào các hoạt động khác như kinh doanh bán hàng online, phát sóng trực tiếp sự kiện, dạy học, vui chơi giải trí,... Với sự phổ biến của smartphone (điện thoại thông minh), người dùng có thể dễ dàng livestream cũng như xem livestream khi tiện ích này được phát triển rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, TikTok hay các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada,…
Trong đó, ứng dụng livestream trong kinh doanh bán hàng được nhắc đến nhiều hơn cả so với các hoạt động khác vì độ phổ biến cũng như sức ảnh hưởng mà nó đem lại cho hoạt động này. Hoạt động kinh doanh bán hàng dưới hình thức livestream cũng được tiến hành trên cả nền tảng mạng xã hội lẫn thương mại điện tử.
Trước khi dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành vào năm 2020, hoạt động bán hàng qua livestream ở Việt Nam được nhắc đến nhiều như một hiện tượng bán hàng mới, đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận hiệu quả tương đương các hoạt động bán hàng truyền thống. Dù bán hàng online đã phổ biến từ nhiều năm nay với những hình thức bán hàng qua trang web, qua nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, tuy nhiên hình thức bán hàng qua livestream lại mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới khi khách hàng có thể lắng nghe những tư vấn, quảng cáo của người bán như được trực tiếp mua sắm tại cửa hàng chỉ qua màn hình điện thoại hay máy tính.
Hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành 2020-2021 là khoảng thời gian mà các hoạt động online từ xa như làm việc từ xa, thanh toán điện tử, mua bán hàng online, học từ xa,… lên ngôi. Trong đó, hoạt động kinh doanh qua hình thức livestream sau khi trở thành hiện tượng từ vài năm trở về trước đã bùng nổ trong giai đoạn này. Nhiều sàn thương mại điện tử cho biết tỷ lệ chốt đơn qua livestream tăng trưởng tính bằng lần hay hàng chục lần. Doanh thu của các thương hiệu và bên bán hàng qua livestream cũng ghi nhận mức tăng đến cả trăm lần.
Nhắc đến hoạt động bán hàng qua livestream không thể không kể tới quốc gia đi đầu và thành công nhất với hình thức này là Trung Quốc. Chỉ riêng trong lễ hội mua sắm trực tuyến Ngày Độc thân kéo dài từ cuối tháng 10 đến ngày 11/11, tổng giá trị hàng hoá của các sàn thương mại điện tử qua kênh bán hàng livestream đã đạt đến 131,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 18,9 tỷ USD). Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Trung Quốc iResearch Consulting ước tính doanh thu bán hàng qua kênh livestream ở quốc gia này năm 2022 có thể đạt 2.700 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 387 tỷ USD). Công ty tư vấn McKinsey dự báo doanh thu ngành livestream năm 2022 của Trung Quốc có thể đạt 423 tỷ USD, tăng gấp đôi mức định giá năm 2020.
Ngành công nghiệp “tỷ đô” này phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới cho người dân của quốc gia này. Theo đó, vào tháng 5/2020, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc đã liệt kê người bán hàng livestream trong danh sách 10 nghề nghiệp mới, cho thấy sự công nhận của Chính phủ quốc gia này đối với việc bán hàng livestream như 1 công việc chính thức. Số lượng streamers (người phát trực tiếp) ở Trung Quốc ngày càng nhiều lên và có thu nhập hàng tháng khoảng 8.000 – 15.000 nhân dân tệ (27 – 50 triệu đồng).
Thậm chí, con số này còn có thể cao hơn rất nhiều khi những “ông hoàng, bà hoàng” trong giới livestream Trung Quốc bị phát hiện trốn thuế thu nhập cá nhân với số tiền “khủng”. Cụ thể, “nữ hoàng livestream” Vi Á đã bị phạt 1,3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 186 triệu USD) với cáo buộc trốn thuế khoảng 700 triệu nhân dân tệ (khoảng 100 triệu USD) từ năm 2019 đến năm 2020. Số tiền thuế phải nộp trong giai đoạn 1-2 năm của Vi Á cao gấp nhiều lần mức thu nhập trung bình của 1 streamer thông thường ở Trung Quốc, cho thấy thu nhập “trên trời” của những streamers có tiếng trong giới.
Đằng sau những streamers nổi tiếng là cả một ekip hùng hậu cũng như công ty quản lý. Nghề bán hàng qua livestream được đầu tư bài bản không thua kém những ngành nghề khác trong xã hội. Bên cạnh những streamers hoạt động độc lập, ở Trung Quốc hình thành cả các công ty chuyên quản lý một đội ngũ streamers với nhiều mức độ nổi tiếng. Các công ty này sẽ trực tiếp liên hệ và nhận liên hệ tới các nhãn hàng. Đáng chú ý, ở Trung Quốc, mọi thứ đều có thể bán qua livestream như hàng hoá thông thường (đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo,…), nông sản, thực phẩm, hay những sản phẩm du lịch như gói nghỉ dưỡng, vé máy bay, những sản phẩm tài chính như bảo hiểm… Thậm chí, một streamers nổi tiếng từng chốt đơn 1 quả tên lửa giá 5,6 triệu USD qua kênh livestream.
Là quốc gia hàng xóm với Trung Quốc, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về văn hoá, lối sống cũng như tư duy mua sắm của người tiêu dùng. Bán hàng qua livestream trong nhiều năm gần đây ở Việt Nam cũng gây chú ý trên thị trường khi đóng góp cho sự tăng trưởng doanh thu bán hàng của các sàn thương mại điện tử. Nhiều chủ cửa hàng, shop quần áo cũng cho biết bán hàng qua livestream giúp doanh số tăng nhiều so với các phương thức khác.
Các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada cũng đã tích hợp tính năng livestream trên nền tảng. Tại các buổi phát sóng trực tiếp, để kích thích sức mua sắm của người tiêu dùng, hàng trăm nghìn mã giảm giá đã được cung cấp cho người dùng. Các streamers tương tác trực tiếp với người tiêu dùng cùng những chiêu thức bán hàng được áp dụng ngay trên sóng livestream như tạo sự khan hiếm để người mua có tâm lý không muốn bỏ lỡ bằng cách đưa ra những khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn trong thời gian giới hạn.
Kênh bán hàng này đã tạo được chỗ đứng nhất định nhưng chưa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như ở Trung Quốc. Nói cách khác, bán hàng qua livestream ở Việt Nam mới chỉ là trợ lực cho hoạt động kinh doanh chứ chưa phải chủ lực. Hiện chưa có một báo cáo chính thức nào về doanh thu hay tổng giá trị hàng hoá qua livestream ở Việt Nam, cũng chưa có dự báo nào về một con số liên quan đến kết quả bán hàng livestream trong tương lai. Không ngoại trừ khả năng các con số này chưa đạt đến mức độ ấn tượng hay có sức ảnh hưởng như ở Trung Quốc. Do đó, các hoạt động qua kênh livestream chưa thể coi là một ngành công nghiệp mới ở Việt Nam vì chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô.
Tuy nhiên, dư địa của ngành công nghiệp livestream ở Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển với các yếu tổ hỗ trợ như dân số trẻ, mức độ thâm nhập ngày càng lớn của Internet vào cuộc sống, sự cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng livestream. Dù được nhắc đến nhiều ở kênh bán hàng nhưng livestream còn diễn ra ở nhiều hoạt động khác, trong đó livestream game đang ngày càng phổ biến và có sức hút mạnh mẽ tới giới trẻ. Nhiều công ty quản lý streamers ở Việt Nam cũng dần hình thành với xu hướng chiêu mộ các streamer game hơn là các streamer bán hàng.
Ông Phạm Ngọc Duy Liêm, CEO kiêm Nhà sáng lập Gostream từng chia với báo giới về 3 yếu tố để bán hàng qua kênh livestream trở thành ngành công nghiệp. Thứ nhất là hàng hoá, cần chất lượng, số lượng và giá cả cạnh tranh. Thứ hai là streamer, cần nhiều các ngôi sao bán hàng, biết nhuần nhuyễn giữa giải trí và bán hàng. Thứ ba là kỹ thuật để đủ khả năng phục vụ hàng chục triệu người xem đồng thời có những tương tác vượt trội trên sóng trực tiếp.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.