Thị trường

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết lập Viet Bamboo Airways theo mô hình 'hybrid'

(VNF) - Tập đoàn FLC mới đây đã công bố nghị quyết về việc thành lập công ty con trong lĩnh vực hàng không với tên gọi là Hãng hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airways).

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết lập Viet Bamboo Airways theo mô hình 'hybrid'

Hàng không hybrid là khái niệm mới ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Tre Việt đã trả lời báo chí về kế hoạch này, trong đó hé lộ nhiều thông tin quan trọng về chiến lược kinh doanh. Theo ông Thắng, Viet Bamboo Airlines là công ty con có 100% vốn của Tập đoàn FLC, và sẽ là công ty sở hữu đối với hãng hàng không, với tên thương mại chính xác là Hãng hàng không Bamboo Airways. Sự ra đời công ty sở hữu là bước đệm cho việc thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways trong thời gian tới.

"Quyết định này của FLC xuất phát từ việc phân tích tình hình thực tiễn, trong quá trình chúng tôi triển khai và khai thác 6 khu quần thể nghỉ dưỡng trên toàn quốc. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn về nhu cầu đi lại của du khách cả trong nước và quốc tế, tới các điểm du lịch của Việt Nam, bao gồm các tỉnh có dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của FLC", ông Thắng nói.

Lãnh đạo này cũng cho rằng hiện các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác dịch vụ tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, mà chưa chú trọng nhiều tới các đường bay thẳng từ nước ngoài hoặc trong nước tới các điểm du lịch Việt Nam nói trên.

"Chúng tôi kỳ vọng khi Hãng hàng không Bamboo Airways ra đời sẽ kích thích phát triển hơn nữa ngành du lịch tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh còn nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác, nâng tầm hình ảnh của du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế, phù hợp với Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị trong việc xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn của đất nước", ông nói.

Về chiến lược kinh doanh, lãnh đạo này cho biết sẽ định vị Bamboo Airways là hãng hàng không "hybrid", một loại hình vận chuyển hàng không mới trên thế giới, bên cạnh hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ.

Loại hình dịch vụ mới này được lai ghép giữa hai loại hình kinh doanh đã tồn tại, nhằm hướng tới một dịch vụ đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách.

Bamboo Airways vẫn cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một hãng hàng không truyền thống, với giá cả hợp lý. Ngoài ra, hãng xác định một hướng khai thác khác biệt so với các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam.

Theo đó, thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã trong tình trạng quá tải, Bamboo Airways sẽ tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang…

"Chúng tôi ưu tiên vào việc đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch nhiều tiềm năng của Việt Nam, nhằm tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển của du khách, tránh cho họ phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết", ông Thắng cho biết.

Lãnh đạo Viet Bamboo Airways nói hãng sẽ hoạt động theo mô hình hybrid

Về vấn đề hạ tầng hàng không, theo quy hoạch tổng thể của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam sẽ phát triển đưa vào khai thác tổng cộng mạng lưới gồm 26 cảng hàng không trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa.

Hiện tại thì Việt Nam đang khai thác 21 cảng hàng không, trong đó chỉ tính riêng hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã chiếm tới gần 75% lưu lượng khách, cá biệt sân bay Tân Sơn Nhất đang phải hoạt động tới 110% công suất thiết kế.

Ngược lại, có một số sân bay địa phương có tiềm năng du lịch nhưng lại chưa được khai thác triệt để, như sân bay Phú Quốc mới chỉ hoạt động gần 38% công suất… Theo ông Thắng, "đây thực sự là một sự lãng phí rất lớn về hạ tầng".

Do đó, với các tuyến bay mới nhằm kết nối các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch với nhau, Bamboo Airways "không những không gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của những cảng hàng không đã quá tải, mà còn góp phần khai thác tối đa tiềm năng những địa điểm có hạ tầng hàng không chưa được tận dụng".

Lãnh đạo này cũng cho hay dự kiến trong tháng 6 này, sẽ đệ trình lên Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) để xin phê duyệt. Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý và các điều kiện thuận lợi cho phép, công ty kỳ vọng đến cuối năm 2018, Bamboo Airways sẽ bắt đầu khai thác bay thương mại, đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch của Việt Nam như Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Quốc...

Công ty cũng đã và đang làm việc với một loạt các đối tác lớn về việc mua sắm trang thiết bị và đã đi đến giai đoạn ký biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay. Số lượng máy bay cụ thể sẽ được trình Cục Hàng không phê duyệt trong tháng 6 này.

Về nhân sự và quản trị, Tre Việt đã xúc tiến xây dựng một bộ máy gồm nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không.

Tin mới lên