Vì sao giá vàng trong nước và thế giới chênh gần 9 triệu đồng/lượng?

Bích Thủy - 06/03/2021 14:47 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần qua, giá vàng trong nước đã giảm gần 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng giảm khoảng 35 USD/ounce. Nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức 8,2- 8,7 triệu đồng/lượng (tùy thương hiệu đơn vị bán).

VNF
Vì sao mức chênh giá vàng trong nước và thế giới lên gần 9 triệu đồng/lượng (ảnh minh họa)

Sau 12 giờ ngày 6/3, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra ở mức 55,1 – 55,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này cũng đang ở mức 1.700,6 USD/ounce.

So với ngày hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay giảm 270.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 170.000 đồng ở chiều bán ra. Giá vàng thế giới tăng nhẹ, nhích thêm khoảng 3 USD/ounce (khoảng 70.000 đồng).

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay được tăng thêm 100.000 đồng/lượng, với mức 500.000 đồng/lượng so với hôm qua 400.000 đồng/lượng.

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch phổ biến quanh 52,4 triệu đồng/lượng mua vào, 53 triệu đồng/lượng bán ra, giảm thêm 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Giá vàng trang sức giảm so với đà hồi phục của vàng SJC, giúp khoảng cách chênh lệch rút ngắn xuống còn 2,6 triệu đồng/lượng.

Độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn đang giữ trong mức kỷ lục cao. Tuy nhiên do hôm nay giá vàng thế giới nhích lên, giá vàng trong nước lại giảm nhẹ, làm giảm độ chênh. Quy đổi theo tỷ giá hiện tại, giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 8,3 triệu đồng/lượng.

Giao dịch trên thị trường thế giới ngày 5/3, giá vàng đã vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce. Sau đó, có thể giới đầu tư lo sợ giá vàng gặp khó khăn trước mức độ gia tăng của lãi suất trái phiếu và sức mạnh của đồng USD nên họ giao dịch có phần hạn chế. Theo đó, trong nhiều giờ liên tiếp, giá vàng chỉ tăng giảm vài USD/ounce.

Tiếp đến, sức mua trên thị trường bất ngờ khởi sắc giúp giá vàng bật tăng 25 USD/ounce, từ 1.690 USD/ounce lên 1.715 USD/ounce. Ở mức giá giá này, có lẽ giới đầu suy đoán lãi suất trái phiếu chưa đến thời điểm đi xuống, đồng USD chưa thể giảm giá nên họ mạnh tay bán ra. Giá vàng buộc phải đi xuống và đến đầu ngày 6/3 kết thúc giao dịch phiên cuối tuần tại 1.700 USD/ounce.

Như vậy, qua 5 ngày giao dịch của tuần lễ đầu tiên tháng 3/2021, giá vàng thế giới đã giảm tổng cộng 35 USD/ounce so với mức giá mở cửa ngày đầu tuần là 1.735 USD/ounce.

Trong hơn 1 tháng trở lại đây, giá vàng trong nước lên tục đắt hơn thế giới từ 6 đến gần 9 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, do không tự chủ được nguồn cung nên các doanh nghiệp bị động trong việc cân đối lượng vàng mua-bán trên thị trường, dẫn tới giá trong nước đắt hơn nhiều so với thế giới.

Đây cũng là mức chênh cao nhất từ trước đến nay, gấp 3-4 lần so với trước khi xảy ra COVID-19.

Theo các chuyên gia, có 4 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới. 

Thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam và thế giới không liên thông với nhau, cũng có lúc giá vàng trong nước thấp hơn thế giới nhưng phần lớn các thời điểm đều cao hơn.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng.

Thứ 3, có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi thấy nguồn cung không đủ.

Thứ 4, tại thời điểm này, một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, tỷ giá ổn định nên không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán tăng nóng nhưng lại khiến nhiều người e ngại.

Ngoài ra, giá vàng trong nước cao hơn thế giới còn do chi phí nhập khẩu, chi phí vận hành, chế tác... tại Việt Nam khá tốn kém. Việc nhập khẩu vàng chỉ có một đầu mối nên có thể dẫn đến tình trạng môt số chủ tiệm vàng hoặc các công ty kinh doanh có hiện tượng đầu cơ làm giá. Cộng thêm nhu cầu của khách hàng trước và sau "ngày vía Thần tài" vẫn có nhu cầu tăng cao so với các thời điểm khác trong năm.

Để chuẩn bị nguồn cung cho "ngày vía Thần tài" vừa qua, các doanh nghiệp đã phải mua vào lượng lớn vàng trước Tết với giá cao để làm sản phẩm. Ở thời điểm này, các doanh nghiệp không thể giảm giá bán xuống, nếu không sẽ dẫn tới thua lỗ dẫn tới giá bán hiện tại khó giảm sâu như thế giới.

Các chuyên gia khuyến cáo đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư để cất giữ với số lượng lớn.

Trong tuần qua, có thời điểm giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong gần chín tháng, trước áp lực từ sự gia tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.

Vàng còn đang bị chi phối mạnh bởi xu hướng bán tháo của các quỹ ETF vàng, đặc biệt là quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust. Kể từ cuối tháng 2, vàng liên tục bị bán tháo do nhà đầu tư cá nhân lo ngại giá vàng sẽ chịu áp lực giảm mạnh hơn khi các tổ chức đua nhau bán vàng.

Theo thông tin từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lượng vàng nắm giữ tại các quỹ ETF vàng đã giảm 84,7 tấn, tương đương 4,6 tỷ USD, trong tháng 2. Trong khi đó, lượng vàng nắm giữ tại quỹ SPDR Gold Trust lúc chốt phiên ngày 4/3 là 1.078,3 tấn, giảm 4,08 tấn so với đóng cửa phiên ngày 3/3.

Dự báo giá vàng tuần tới, trong 13 chuyên gia, nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát trên Wall Street, 8 người (tương đương 57%) cho biết không lạc quan về giá trong tuần tới, chỉ 4 nhà phân tích (29%) dự đoán giá tăng, 2 người (14%) cho ý kiến trung lập với kim loại quý này.

Về phía các nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong 1.482 người tham gia cuộc thăm dò trực tuyến trên Main Street, 595 người (tương đương 40%) dự báo vàng tăng giá, vẫn kém số người dự báo giảm là 657 người (44%), trong khi đó, 230 người (16%) cho ý kiến trung lập.

Nhìn chung, các chuyên gia tham gia khảo sát của Kitco News hiện đều chung quan điểm, USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu cao hơn tiếp tục chi phối giá vàng.

Cùng chuyên mục
Tin khác