Vì sao tín dụng chỉ tăng 14%?

Nguyễn Hoài - 07/01/2019 11:53 (GMT+7)

(VNF) - Vì sao mục tiêu tăng trưởng tín dụng đầu 2018 khoảng 17% - 18% nhưng đến cuối năm chỉ đạt 14%? Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã giải đáp vấn đề này tại cuộc họp báo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 7/1/2019.

VNF
Tín dụng năm 2018 tăng 14% là phù hợp. Ảnh Kiều Khanh

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước,  tính đến hết năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 14% so với cuối 2017. Chi tiết mức tăng và tỷ trọng so với tín dụng toàn ngành ở từng ngành như sau: nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ hải sản tăng 8,88%, tỷ trọng 9,56%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 12,1%, tỷ trọng 31%.

Riêng ngành thương mại và dịch vụ: tăng 15,9%, tỷ trọng 59,4%; trong đó, dư nợ ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, mô tô xe máy và xe có động cơ khác có tốc độ tăng 26% và chiếm 34% ngành này.

Ngoài ra, tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên tăng khá: “tam nông” tăng 15,5%, chiếm tỷ trọng 24%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,5%, tỷ trọng 18%; xuất khẩu tăng 3,5%; công nghiệp hỗ trợ tăng 17%; ứng dụng công nghệ cao tăng 0,3%.

Tiếp nối “truyền thống” ngân hàng kết nối với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, năm 2018, toàn ngành đã tổ chức 370 buổi gặp gỡ, đối thoại. Nhờ đó, doanh số giải ngân mới đạt 700.000 tỷ đồng, gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho gần 45.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và một số đối tượng khách hàng khác.

Một vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại buổi họp báo là tại sao mục tiêu từ đầu năm là tín dụng tăng 17 – 18% nhưng cuối năm chỉ đạt 14%. Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết để hỗ trợ cho tăng trưởng thì nguồn vốn cho nền kinh tế có nhiều nguồn như ngân sách, vốn nước ngoài nhưng kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ đạo.

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước xác định tín dụng chỉ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt mức tăng chung, trong đó có tín dụng bất động sản, tín dụng tiêu dùng.

“Mức tăng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130/GDP. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã khuyến cáo”.

Do vậy, theo bà Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã định hướng là làm thế nào để điều hành dòng vốn hướng đúng vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro. Và thực tế là dù chỉ tăng thấp xa so với mục tiêu nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 7,08%.

Riêng về lãi suất cuối năm có tăng, bà Hồng giải thích: cuối năm thì nhu cầu vốn tăng, các tổ chức tín dụng phải cân đối đáp ứng thanh khoản cho nền kinh tế, tuy nhiên mức tăng không cao. “Đầu năm 2018, mặt bằng lãi suất tăng thấp, nhiều tổ chức tín dụng thậm chí còn giảm lãi suất nên cuối năm có tăng. Xét chung cả năm thì lãi suất chỉ tăng một chút”, bà Hồng nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác