Tiêu điểm

Vì sao vụ Nhật Cường vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi?

(VNF) - Vụ "buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và các đơn vị có liên quan được xác định là đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất bổ sung vụ án này vào diện theo dõi.

Vì sao vụ Nhật Cường vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi?

Vụ Nhật Cường vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi

Ngày 18/11, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, có vụ án “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH giải pháp và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan.

Ông Bùi Quang Huy chỉ đạo rửa tiền ra sao?

Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) được thành lập vào ngày 20/6/2001, còn Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) là đối tác triển khai nhiều dịch vụ công của Hà Nội. Cả 2 công ty này đều do ông Bùi Quang Huy (sinh năm 1974) làm chủ và là người đại diện pháp luật.

Ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét với Bùi Quang Huy cùng 8 người về tội “Buôn lậu” theo khoản 4 Điều 188 Bộ Luật Hình sự 2015 và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015.

Lệnh bắt tạm giam với những người này được ban hành, song ông Bùi Quang Huy đã bỏ trốn, hiện chưa rõ ở đâu.

Ngày 18/5, Bộ Công an ra quyết định truy nã Bùi Quang Huy, sau 9 ngày khi đồng loạt khám xét chuỗi cửa hàng, trung tâm bảo hành của Nhật Cường Mobile.

Tiếp đó, ngày 9/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can số 21/C03-P14 và lệnh khám xét số 114/C03-P14 đối với bị can Bùi Quang Huy về tội “Rửa tiền” theo khoản 3 Điều 324 Bộ luật Hình sự.

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu chứng cứ thu thập được, Bộ Công an xác định ngoài hành vi đã bị khởi tố, Bùi Quang Huy còn có hành vi sử dụng tiền do phạm tội "Buôn lậu" đưa vào Nhật Cường Software, hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, có dấu hiệu tội phạm "Rửa tiền".

Ngày 10/7, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên.

Bước đầu, cơ quan công an xác định Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.

Theo đó, Huy và đồng phạm đã móc nối với các công ty sản xuất từ nhiều quốc gia để nhập các thiết bị điện tử về Việt Nam tiêu thụ. Ngoài một số thiết bị được Công ty Nhật Cường khai báo hải quan, nộp thuế, còn lại phần lớn là nhập lậu.

Quá trình khám xét, cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến công tác kế toán, tài chính của công ty. Qua phân tích ban đầu, Ban chuyên án nhận định, Công ty Nhật Cường đã lập và sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán tài chính.

Dích dắc các dự án của Hà Nội với Nhật Cường

Buôn lậu, trốn thuế chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” Nhật Cường, công ty này còn đang quản trị, lưu giữ một loạt cơ sở dữ liệu quan trọng của hàng triệu người dân Hà Nội từ hồ sơ sức khỏe, dịch vụ công, phần mềm quản lý giáo dục, y tế...

Năm 2011, ít ai biết Nhật Cường còn lấn sân sang lĩnh vực công nghệ với những sản phẩm đầu tay cho Hà Nội. Có được bước đệm đầu tiên, Nhật Cường tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng lớn hơn. Trung tâm công nghệ thông tin được tách ra để thành lập một pháp nhân mới là Nhật Cường Software.

Đáng nói là không phải các “đại gia” công nghệ như tập đoàn FPT, Viettel... được lựa chọn để xây dựng nền móng hiện thực hóa giấc mơ “thủ đô điện tử”, Hà Nội lại lựa chọn Nhật Cường với một loạt dự án chuyển tiếp như: hệ thống quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố; hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở y tế và hồ sơ sức khỏe toàn dân; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3.

Trong đó, đáng chú ý là dự án viết phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.

Nhật Cường Software đồng hành cùng Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử.

Ngày 22/11/2016, Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh, phân bổ kinh phí giao cho các huyện, thị xã để mua sắm trang thiết bị phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên địa bàn. Dự án có kinh phí khoảng 21 tỉ đồng, sau đó đã được giảm dự toán theo hình thức thuê dịch vụ phần mềm xuống còn hơn 10,7 tỉ đồng.

Chỉ sau đó hơn 2 tuần, ngày 6/12/2016, Hà Nội ban hành Quyết định 6699/QĐ-UBND với nội dung “thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp” lựa chọn Nhật Cường làm đơn vị triển khai.

Trong lĩnh vực giáo dục, vào tháng 5/2018, Sở Giáo dục Đà tạo Hà Nội lập dự toán chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin của ngành với tổng kinh phí đề xuất hơn 93 tỷ đồng để triển khai các dự án. Trong đó chi phí dịch vụ phần mềm là 73,5 tỷ đồng bao gồm: thuê phần mềm sổ liên lạc điểm, phần mềm sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý giáo dục tiểu học. Nhật Cường cũng bắt tay vào dự án này.

Dự án to hay nhỏ, viết phần mềm hay mua thiết bị Nhật Cường cũng đều có phần. Ngày 27/12/2017, Nhật Cường tiếp tục được ưu ái gói hợp đồng kinh tế số 271/HĐKT/NC/TTDL. Gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến thuộc dự án “Mua sắm, cài đặt phần mềm antivirus và mua sắm trang thiết bị phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến”. Giá trị của hợp đồng này gần 4,2 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, máy chụp tài liệu...

Có thể nói, Nhật Cường đã tham gia vào hầu hết công đoạn, xây dựng nền móng để Hà Nội triển khai chính quyền điện tử từ cơ sở dữ liệu dân cư; phần mềm dịch vụ công trực tuyến; phần mềm một cửa điện tử.

Tất cả các sản phẩm của công ty này đã và đang phục vụ lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội với tỷ lệ trực tuyến lên đến 80%, cộng đồng người dùng lớn gồm hơn 7 triệu người dân thành phố Hà Nội, hơn 2.700 trường học, hơn 1,7 triệu học sinh, hơn 6 triệu hồ sơ bệnh án điện tử...

Tin mới lên