Vì sao xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hạ nhiệt và tăng trưởng chậm lại?

Diệu Hoa - 21/08/2022 18:13 (GMT+7)

Xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát tăng cao giảm sức mua, thiếu nguyên liệu... Tuy nhiên, dự báo năm nay xuất khẩu thủy sản sẽ tăng hơn 12% so với năm ngoái nếu các doanh nghiệp chú ý tới vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm khi xuất khẩu.

VNF
Vì sao xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hạ nhiệt và tăng trưởng chậm lại?

Nhiều nhà nhập khẩu đã ngưng nhận đơn hàng đến tháng 10

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2022 thì từ tháng 5, XK thuỷ sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại.

Theo đó, XK tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7, giá trị XK thuỷ sản tiếp tục chững lại khi đạt 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và giảm 4% so với tháng 6.

Nguyên nhân XK thủy sản giảm tốc từ tháng 5 là do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến cho cho sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần.

Cụ thể, mặt hàng tôm có xu hướng giảm rõ rệt tại một số thị trường. Trong tháng 6, kim ngạch XK đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước vì vấn đề thiếu hụt nguyên liệu; trong tháng 7, XK tôm tiếp tục giảm gần 13%, đạt 385 triệu USD.

Theo phân tích của bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, sản xuất tôm nguyên liệu trong nước đang gặp khó khăn vì thời tiết và các chi phí quá cao, do vậy sẽ tiếp tục thiếu hụt tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm nay, ảnh hưởng đến việc thực hiện đơn hàng XK của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, nhu cầu mặt hàng thủy sản sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12 để chuẩn bị cho mùa lễ hội, song khó có thể trở lại mức đỉnh trong những tháng đầu năm.

Bên cạnh mặt hàng tôm, về thị trường XK cá tra, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, xuất khẩu trong quý III sẽ chậm lại so với quý II trước khi phục hồi vào quý IV.

Như vậy, hiện nay, khan hiếm nguyên liệu tôm và hải sản sẽ tiếp tục chi phối đến kết quả XK thủy sản Việt Nam trong quý III, theo đó dự báo quý III sẽ tăng trưởng chậm hơn so với quý II và quý I, ước đạt khoảng 3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát tăng cao giảm sức mua. Đồng thời, hàng thủy sản đang bị giảm sức cạnh tranh do giá thành phẩm tăng theo chi phí đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi thủy sản.

Cùng với đó, XK thủy sản đang đứng trước rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn và đầu ra cho sản phẩm. Ở nhiều nước nhập khẩu, lạm phát tăng cao khiến người dân giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu vì thế tạm ngưng nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu áp lực hàng tồn kho, khó xoay sở dòng tiền để trả vay ngân hàng.

Giải quyết vấn đề nổi cộm là chất lượng và an toàn thực phẩm

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP, nhận định dự báo năm nay, XK thủy sản vượt mốc trên 10 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm ngoái. Trong đó, giá trị XK cá tra và tôm chiếm 65% và sản phẩm hải sản khai thác từ biển chiếm 35% tổng XK. Do đó, VASEP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ổn định giá thức ăn chăn nuôi.

Đối với mặt hàng cá tra, mặc dù XK sản phẩm sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại hoặc giảm dần, nhưng có nhiều thị trường vẫn giữ được mức tăng trưởng lạc quan cho cá tra XK của Việt Nam. Điển hình là thị trường đơn lẻ lớn thứ 3, Mexico vẫn giữ được tăng trưởng cao 87% trong tháng 7/2022. XK sang 2 thị trường còn lại trong top 5 là Brazil và Thái Lan đều tăng 2 con số trong tháng 7 với mức tăng lần lượt là 40% và 34% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, trong tháng 7/2022 có nhiều thị trường bứt phá về nhập khẩu cá tra Việt Nam như Canada, Hong Kong, Australia, Singapore, Philipinnes… Điều này cho thấy cơ hội XK cá tra sang các thị trường nhỏ vẫn rất lớn.

Thực tế cho thấy, thị phần cá tra Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu cá đông lạnh của thị trường Trung Quốc, chỉ chiếm khoảng 14-15% số lượng nhập khẩu cá đông lạnh của Trung Quốc. Do đó, dư địa cho cá tra tại thị trường đông dân nhất thế giới này vẫn còn lớn.

Mới đây, Trung Quốc thông báo sẽ kiểm tra trực tuyến các lô hàng nếu phát hiện virus SARS-CoV-2. Trường hợp có lô hàng bị cảnh báo phát hiện virus SARS-CoV-2, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các nội dung liên quan (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, hồ sơ, tài liệu, kết quả điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục phù hợp,...) để phục vụ cho việc kiểm tra trực tuyến, theo đúng thời hạn yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc. Biện pháp này sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp XK thủy sản Việt Nam so với trước đây.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia khuyến cáo, để đẩy mạnh XK thủy sản sang các thị trường doanh nghiệp cần tập trung giải quyết vấn đề nổi cộm là chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được XK chính ngạch, tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ XK.

"Trung Quốc đang ngày càng khắt khe trong việc kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, doanh nghiệp XK nên quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng và các quy định cũng như tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc", bà Lê Hằng lưu ý.

Khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Mỹ, Trung Quốc - Hồng Kông, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường XK lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam 7 tháng đầu năm, chiếm 83,7% tổng giá trị XK.
Theo TBTCVN
Cùng chuyên mục
Tin khác