Vốn điều lệ của DTK hiện nay là 6.800 tỷ đồng, tương ứng với 680 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Theo kế hoạch thoái vốn, phần nắm giữ của Vinacomin tại DTK sẽ giảm xuống 65%. Như vậy, số cổ phần sẽ thoái vốn lên tới 235.808.500 cổ phần, tương đương 2.358 tỷ đồng.
DTK đã hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 15/1/2016. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 7 nhà máy điện, trong đó có 5 nhà máy trực thuộc có tổng công suất là 1.030 MW và 2 công ty con với 2 nhà máy có tổng công suất là 700 MW.
DTK còn tham gia góp vốn vào 3 nhà máy điện khác có tổng công suất 3.600 MW, với tỷ lệ nắm giữ từ 5-10%.
Như vậy, các nhà máy điện cảu DTK có tổng công suất thiết kế 1.730 MW, tổng sản lượng thiết kế là 10,038 tỷ kWh và hàng năm đã đạt sản lượng thực tế là 9,3-9,5 tỷ kWh.
Các nhà máy nhiệt điện của DTK sử dụng công nghệ tầng sôi tuần hoàn (CFB), phù hợp với than có chất lượng xấu như than cám 6B, 7B, có nhiệt trị thấp, độ tro cao. Lợi thế của các nhà máy nhiệt điện này là nằm gần các mỏ, khiến chi phí vận chuyển thấp, có lợi thế về giá với hợp đồng cung cấp than dài hạn.
Hiện DTK đang đầu tư Nhà máy nhiệt điện Na Dương 2, công suất 110 MW với dự kiến năm 2020 vào vận hành. Ngoài ra, Vinacomin và DTK đang xem xét triển khai các dự án như Nhiệt điện Quỳnh, Hải Phòng 3…
Năm 2016, DTK có lợi nhuận trước thuế là 244 tỷ đồng, và 6 tháng đầu năm 2017 đạt 261 tỷ đồng.
Tiêu chí được Vinacomin đặt ra để chọn nhà đầu tư cho DTK là khá rộng, từ các công ty, quỹ đầu tư hay các doanh nghiệp sản xuất hoạt động trong lĩnh vực điện. Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho hay, kế hoạch là trong quý 3/2017, Vinacomin và DTK sẽ thực hiện tiếp xúc với các nhà đầu tư và trong quý 4/2017 sẽ thực hiện giao dịch theo hình thức bán lô hoặc thoả thuận.