Vingroup và hành trình vẽ lại bức tranh ngành bán lẻ Việt Nam

Minh An - 03/12/2019 22:45 (GMT+7)

(VNF) - Bước chân vào thị trường bán lẻ từ năm 2014, sau hơn 5 năm, Vingroup công bố đã phát triển mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành trên cả nước.

VNF
VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc sáp nhập Công ty VinCommerce, Công ty VinEco và Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng).

Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Hai tỷ phú người Việt Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang bắt tay nhau để thực hiện tham vọng tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam. Hiện, hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.

Bước chân vào thị trường bán lẻ từ năm 2014, sau hơn 5 năm, Vingroup công bố đã phát triển mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành trên cả nước.

Chỉ vài ngày trước khi Vingroup và Masan công bố thương vụ lịch sử này, hôm 29/11, tại một hội thảo bàn về kết nối thương hiệu Việt, GS. TSKH Nguyễn Mại đã nhắc đến Vingroup như một “mảng sáng của thương hiệu Việt”. Ông liên tục nhấn mạnh “muốn cạnh tranh thương hiệu với bên ngoài thì chính người Việt Nam phải liên kết với nhau”.

Là người chứng kiến thăng trầm của kinh tế Việt Nam qua nhiều thời kỳ, GS. TSKH Nguyễn Mại cho biết, hơn 10 năm trước, không ai có thể nghĩ Việt Nam có ngành công nghiệp bán lẻ.

“"Khi chúng ta biết Thái Lan mua Big C, Metro là nguy hiểm. Với chiết khấu tăng mạnh, không doanh nghiệp nào của Việt Nam đưa hàng vào được những hệ thống bán lẻ của nước ngoài”, GS. TSKH Nguyễn Mại nói.

Năm 2014, Vingroup từ một doanh nghiệp bất động sản lấn sân lĩnh vực bán lẻ, “đã hợp tác với 250 doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy sản xuất nội địa đồng thời áp dụng chính sách chiết khấu bằng 0% cho các nhà cung ứng thực phẩm tươi sống”, theo lời Phó chủ tịch HĐQT Vingroup Lê Khắc Hiệp.

Sau 5 năm – Vingroup không chỉ góp phần liên kết thương hiệu Việt phát triển – như đánh giá của GS. TSKH Nguyễn Mại, mà còn “vẽ lại” bức tranh thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Hành trình thống lĩnh thị trường bán lẻ với hàng loạt thương vụ M&A

Theo báo cáo nghiên cứu từ Q&Me về bức tranh toàn cảnh thị trường bán lẻ Việt năm 2019, Vingroup đang dẫn đầu về thị phần tại cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi và siêu thị.

Thống kê của Q&Me cho hay, doanh thu bán lẻ tại thị trường Việt Nam đã đạt 142 tỷ USD trong năm 2018. Đây được xem là mức cao nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với đó, mức tăng trưởng kép hàng năm là 13%. Riêng Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất về các kênh bán hàng hiện đại, chiếm 1/3 tổng doanh thu của cả nước.

Cho đến hiện tại, Vingroup đang dẫn đầu thị trường với thị phần tại kênh siêu thị là 33%, cửa hàng tiện lợi là 51% và cửa hàng bách hóa chiếm tới 70%, theo Q&Me.

Ngay khi chân ướt chân ráo bước vào thị trường bán lẻ, vào tháng 10/2014, Vingroup đã chi 570 tỷ đồng để mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail, doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express. Tại thời điểm Vingroup mua lại, hệ thống Ocean Retail có 13 siêu thị đang hoạt động chủ yếu tại Hà Nội.

Sau thương vụ này, Vingroup đã đổi tên Ocean Retail thành Công ty Cổ phần Siêu thị VinMart, đồng thời ra mắt hệ thống siêu thị mới mang tên VinMart và VinMart+.

Chưa đầy 1 năm sau, tháng 4/2015, Công ty Cổ phần siêu thị VinMart thuộc Vingroup đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex - trong Công ty TNHH MTV Thương mại và Thời trang Việt Nam – Vinatexmart. Với thương vụ này, Vingroup đã trở thành chủ sở hữu mới của toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng đang hoạt động trên 19 tỉnh thành trong cả nước.

Giai đoạn 2018 - 2019 tiếp tục chứng kiến sự tăng tốc của Vingroup trong ngành bán lẻ.

Tập đoàn này đã hoàn thành nhiều thương vụ mua lại siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng điện thoại di động, cửa hàng bách hóa…

Điển hình là chuỗi siêu thị Fivimart đã về tay Vingroup vào cuối năm 2018 với trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.

Sang năm 2019, Vingroup ‘Nam tiến’ thông qua thương vụ mua lại 87 cửa hàng Shop&Go với giá 1 USD và hoàn tất việc thâu tóm 8 siêu thị Queenland Mart, sáp nhập vào hệ thống VinMart và VinMart+.

Ngoài ra, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn tiến sâu hơn vào thị trường bán lẻ với các ngành hàng như điện máy, thương mại điện tử. Với ngành hàng điện máy, Vingroup ra mắt 2 mô hình VinPro và VinPro+, theo đó, VinPro là các Trung tâm Công nghệ điện máy trong các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom còn VinPro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tại các tỉnh, thành phố lớn. Cũng trong năm 2019, Vingroup đã chi 39 tỷ đồng mua lại chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A.

Hiện, VinCommerce là đơn vị sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+. Trước khi thông tin sáp nhập với Masan được công bố, VinCommerce đã chia sẻ kế hoạch mở rộng thị trường của mình là mở 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Vingroup, 9 tháng năm nay, doanh thu thuần mảng bán lẻ của Vingroup đạt 21.882 tỷ đồng, tăng tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản mảng bán lẻ của Vingroup ở mức 15.845 tỷ đồng, hình thành từ 3.981 tỷ đồng nợ phải trả, còn lại là vốn chủ sở hữu.

Cùng chuyên mục
Tin khác