Vĩnh biệt 'người buôn tiền lịch sử' Lữ Minh Châu

VNF (tổng hợp) - 01/03/2016 11:48 (GMT+7)

(VNF) - Ông Lữ Minh Châu, một nhân vật lịch sử của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam, người từng được ví von là "người buôn tiền lịch sử" đã từ trần tại nhà riêng sáng 27/2.

Ông Lữ Minh Châu sinh ngày 29/9/1929 tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau; trú quán: số 758/35 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Năm 1954, sau thời gian tham gia quân đội, ông tập kết ra Bắc, rồi sang Liên Xô học về Tài chính Ngân hàng. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là một mắt xích quan trọng của "đường dây buôn tiền" - vận chuyển USD cho cách mạng miền Nam. Khi đó, việc chuyển tiền vào Nam được phối hợp với Bộ Quốc phòng vận chuyển bằng ô tô (tiền đóng vào hòm kẽm) theo đường Trường Sơn. Mỗi chuyến mất hàng tháng, có khi bị địch đánh cháy. 

Theo tài liệu, từng có khoảng 4 triệu USD bị cháy và hàng chục chiến sĩ ta đã hy sinh. Từ năm 1967, tiền đưa vào cặp ngoại giao, vận chuyển qua đường hàng không Air France, từ Hà Nội, Quảng Châu, Phnom Penh rồi đưa về Tây Ninh. Đi đường này mất khoảng hơn 6 giờ và thực hiện được trong 4 năm. Sau này, việc chuyển tiền không chuyển trực tiếp bằng tiền mặt nữa mà chuyển bằng con đường FM. 

Trong lần giải cứu một lượng tiền khá lớn trót lọt khi Lonnol làm đảo chánh ở Campuchia vào tháng 3/1970, chú Ba Châu đã xử lý nhanh chóng các công đoạn chôn tiền tại một kho hàng ở Phnom Penh, rồi sau đó lại đóng gói đưa lên xe chở về chiến khu miền Đông Nam bộ với khối lượng hai xe tải lớn, ngụy trang bên trên là những hũ mắm bù hốc. Đây được xem như một phi vụ anh hùng của chú Ba Châu và đồng đội.

Với cách chuyển tiền qua FM, ông Lữ Minh Châu cùng cộng sự đã chuyển hàng trăm triệu USD viện trợ thành tiền Sài Gòn, thông qua việc móc nối với một nhà tư sản có môn bài xuất nhập cảng hàng chục ngành nghề và có chân trong nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh vàng từ Hồng Công, Singapore và các nước. 

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Lữ Minh Châu làm Trưởng ban quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định, tiếp quản toàn bộ tiền vàng chế độ cũ. Khi tiếp quản còn trên 1.000 tỷ đồng tiền giấy, gấp đôi lượng tiền lưu hành thời điểm đó cho đến khi đổi tiền năm 1976. 

Cùng với tiền, 16 tấn vàng dự trữ của chế độ cũ, từng bị đồn đoán là đã bị ông Nguyễn Văn Thiệu mang ra nước ngoài, cũng được bảo quản nguyên vẹn.

Dưới sự chỉ huy của Lữ Minh Châu, việc kêu gọi nhân viên ngân hàng chế độ cũ quay lại làm việc cũng như việc kiểm kê đối chiếu sổ sách được tiến hành nhanh chóng. 

Nhờ đó mà đến ngày 9/5/1975, các ngân hàng đã hoạt động trở lại. Cùng với đó, ông đã tham gia thành lập ngân hàng mới của Chính phủ Cách mạng lâm thời để thực hiện quyền phát hành, quản lý chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng miền Nam vừa giải phóng, tiến tới ngân hàng thống nhất đất nước.

Ngày 6/6/1975, năm tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ Lâm thời cách mạng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định 04/ PCT – 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia. Việc giữ nguyên tên gọi cũ đã giữ được "chân đứng" cho chúng ta tại các tổ chức tài chính quốc tế, vì "Ngân hàng quốc gia Việt Nam" của chính quyền Sài Gòn là thành viên sáng lập Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như của Ngân hàng thế giới (WB), giúp ta kế thừa được quan hệ tín dụng quốc tế của ngân hàng cũ. Lúc này tiền gửi của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài vẫn còn hơn 100 triệu USD.

Sau này, ông Lữ Minh Châu cũng được biết đến với tư cách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, kiêm Trưởng ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận trong giai đoạn mở cửa, đổi mới, đóng góp nhiều cho công tác thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác