Vốn hoá thị trường của Saudi Aramco đạt 1.880 tỷ USD, cao nhất thế giới
Phương Oanh -
14/12/2019 14:22 (GMT+7)
Với giá cổ phiếu được giao dịch ở mức 9,39 USD/cổ phiếu, vốn hoá thị trường của Saudi Aramco là 1.880 tỷ USD và trở thành công ty niêm yết đắt giá nhất thế giới.
Ngày 11/2, cổ phiếu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia đã chính thức được giao dịch với mức giá 35,2 riyal (9,39 USD)/cổ phiếu, tăng 10% so với mức 32 riyal (8,53 USD)/cổ phiếu trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Thành tích này đã giúp giá trị của tập đoàn dầu mỏ quốc gia này tăng lên 1.880 tỷ USD, trở thành công ty đại chúng đắt giá nhất thế giới, vượt qua 5 công ty dầu mỏ khác gồm Exxon Mobil, Total, Royal Dutch Shell, Chevron và BP.
Trước đó, vị trí này thuộc về "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ Apple được định giá ở mức 1.150 tỷ USD.
Ngày 5/12 vừa qua, Saudi Aramco đã có màn IPO lớn nhất lịch sử khi chào bán cổ phiếu với giá 32 riyal (8,53 USD)/cổ phiếu, mức cao nhất trong khoảng mục tiêu đề ra, qua đó huy động được số vốn 25,6 tỷ USD.
Thành tích này vượt qua con số 25 tỷ USD mà tập đoàn bán lẻ Alibaba của Trung Quốc huy động được khi tiến hành IPO trên phố Wall vào năm 2014.
Saudi Aramco cho biết đã bán 1,5% số cổ phần của tập đoàn trong đợt IPO, tương đương 3 tỷ cổ phiếu.
Theo đó, tập đoàn này bán 0,5% số cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân là công dân Saudi Arabia và 1% cổ phần cho các tổ chức đầu tư chủ yếu tại Saudi Arabia và vùng Vịnh.
Được thành lập vào năm 1933, Saudi Aramco vốn là "xương sống" trong chiến lược tham vọng của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nhằm phục hồi nền kinh tế.
Vụ IPO của Saudi Aramco được kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới về phát triển kinh tế ở Saudi Arabia với số tiền thu về sẽ được sử dụng cho chiến lược mang tên Tầm nhìn 2030 của Thái tử Salman nhằm giúp Saudi Arabia giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Đây cũng được coi là một tín hiệu gửi đến các công ty đa quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài rằng Saudi Arabia đang mở rộng cánh cửa đón họ tới làm ăn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.