Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu 15.000 tấn chè, đem về 26 triệu USD, tăng 39,1% về lượng và tăng 39,3% về giá trị so với tháng 9/2023.
Luỹ kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè đạt 108.000 tấn và 189 triệu USD; tăng 31,9% về lượng và tăng 34,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu chè lớn thứ 8 trên thế giới. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan tiếp tục là thị trường tiêu thụ chè Việt Nam lớn nhất, với doanh thu 70 triệu USD trong 9 tháng năm 2024, tăng 11,3% so với năm ngoái. Trung Quốc cũng tăng mạnh lượng mua chè từ Việt Nam, với gần 15 triệu USD trong 9 tháng năm 2024, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu chè sang Hoa Kỳ cũng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu đáng kể, với gần 8 triệu USD.
Về giá bán trong 9 tháng năm 2024, chè xuất khẩu sang Pakistan vẫn giữ mức cao nhất, trên 2.000 USD/tấn. Các thị trường khác như Mỹ và châu Âu dao động từ 1.600 đến 1.800 USD/tấn.
Các doanh nghiệp nhận định, năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu chè, với nhiều thị trường tăng mua từ 50% đến 230%. Kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng này trong 3 tháng cuối năm đạt kỷ lục, có thể cả năm vượt qua mốc 229 triệu USD của năm 2011. Trước đó, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 85.000 tấn chè, thu về 157 triệu USD.
Hiện tại, Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130.000ha. Loại cây này chủ yếu được trồng tại các tỉnh thành thuộc khu vực trung du, miền núi, những nơi có khí hậu mát mẻ như trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22.300ha), Lâm Đồng (10.800ha), Hà Giang (21.500ha), Phú Thọ (16.100ha)...
Tuy nhiên, chè ngày càng “thất thế” so với loại đồ uống khác là cà phê. Trong khi xuất khẩu cà phê đã vượt qua 4 tỷ USD, thì xuất khẩu chè vẫn “lận đận” ở con số dưới 200 triệu USD, tức là chỉ bằng 5% so với cà phê.
Giá chè xuất khẩu thấp hơn giá chè trong nước
Giá chè xuất khẩu bình quân 9 tháng chỉ đạt 1.752 USD/tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá cà phê liên tục tăng cao ngất ngưởng trong thời gian qua. Tháng 9/2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 5.469 USD/tấn - mức cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 9 tháng năm 2024, mỗi tấn cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.897 USD một tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số trên cho thấy, giá trị của chè ngày càng trở nên “hiu hắt” so với cà phê. Nếu quy giá xuất khẩu ra tiền Việt Nam, mỗi kg chè xuất khẩu chỉ tương với 43.000 đồng.
Nhưng điều nghịch lý hơn, là giá chè xuất khẩu hiện chỉ bằng 1/3 so với giá chè tiêu thụ trong nước. Hiện giá bán chè trong nước dao động từ 120.000 đồng đến 800.000 đồng/kg, tùy thuộc vào loại trà và thương hiệu.
Lý giải về giá bán chè xuất khẩu quá thấp so với chè tiêu thụ trong nước, Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết chè xuất khẩu thường chỉ là chè thô, đóng trong bao lớn, không có nhãn mác; các đối tác nhập khẩu mua về sau đó đóng gói nhỏ, dán nhãn mác của họ rồi đem đi tiêu thụ. Do đó, người tiêu dùng chè ở các nước không biết đó là chè có xuất xứ từ Việt Nam.
Đánh giá về thị trường ngành chè, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hầu hết trị giá nhập khẩu chè tại các thị trường lớn trên thế giới từ Việt Nam đều chiếm tỉ trọng thấp. Do đó, ngành chè của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị phần.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ người trồng chè liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.