Bà Phạm Chi Lan: Cắt giảm điều kiện kinh doanh, việc gì phải chờ các Bộ!
Thụy Khanh -
15/03/2018 18:44 (GMT+7)
(VNF) – Bà Phạm Chi Lan đề nghị lập một danh mục các điều kiện kinh doanh hiện nay, làm một biên bản rà soát, đưa ra yêu cầu về tiến độ, nếu đến hạn mà các Bộ chưa cắt được thì Thủ tướng quyết định cắt. "Không chờ các Bộ nữa, việc gì phải chờ như vậy", bà Lan nói.
Tại sao đều là Đảng viên mà ra nghị quyết lại không làm?
Tại hội nghị quốc tế "Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định thực tế hiện nay đang nổi lên một vấn đề rõ rệt là kỷ cương trong bộ máy nhà nước hoàn toàn không nghiêm, đến nỗi từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đều phải nói câu "trên nóng, dưới lạnh".
"Tất cả những người làm trong hệ thống, các ông Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch các ủy ban, những người lãnh đạo… đều là đảng viên của Đảng mà tại sao Đảng ra nghị quyết, Quốc hội ra nghị quyết, Chính phủ ra nghị quyết mà chính hệ thống đó lại không thực hiện? Cái kỷ cương đó là ở đâu? Tại sao lại không vận hành nổi, không bảo nổi, không buộc nổi hệ thống của mình phải làm, tôi cho đó là cái việc đầu tiên phải xem xét đến", bà Lan nói.
Bà Lan cho biết dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã làm được rất nhiều việc liên quan đến điều kiện kinh doanh và làm được rất nhanh chóng.
Là bởi khi đó, Thủ tướng luôn đồng ý, chấp nhận những đề xuất của Tổ thi hành chứ không phải chờ các Bộ hay nài nỉ họ làm. Thủ tướng chấp nhận yêu cầu của Tổ thi hành và cắt ngay.
Cho nên chỉ sau một thời gian ngắn thi hành Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có văn bản bãi bỏ 158/400 giấy phép tồn tại lúc đó, tức là cắt đi 40% tổng số giấy phép, chỉ bằng 1 quyết định của Thủ tướng.
"Thế bây giờ Thủ tướng có làm thế được không hay phải chờ các Bộ, đến lúc nào họ làm được cái mức 30 – 50% yêu cầu?", bà Lan đặt câu hỏi.
Do đó, bà Lan đề nghị một cách làm mới trong rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh: lập một danh mục toàn bộ điều kiện kinh doanh còn lại, làm một biên bản rà soát và đưa ra yêu cầu về tiến độ.
"Căn cứ vào bản tiến độ đó, đối chiếu với thời điểm yêu cầu, ví dụ đến tháng 5, tháng 6 phải cắt cái này mà chưa cắt được thì Thủ tướng quyết định cắt. Không chờ các Bộ nữa, việc gì phải chờ như vậy. Hệ thống hành chính của chúng ta theo kiểu đó sẽ không bao giờ đuổi được theo để mà chờ đợi những công chức của các Bộ nóng lên được - trong khi họ đang lạnh tanh với doanh nghiệp cũng là lạnh tanh với phát triển của đất nước.
"Tôi cho là không thể chờ thế được. Cần phải nóng lên, ở trên phải nóng theo cách đó thì ở dưới may ra mới chịu nóng hơn", bà Lan nói.
Không có lý do gì để người dân phải nộp thuế nuôi người không làm tròn nhiệm vụ
Bà Phạm Chi Lan đề nghị phải tăng kỷ cương đối với những người làm trong bộ máy nhà nước bằng cách chiếu theo sơ đồ tiến độ, đến thời điểm yêu cầu mà không thực hiện được thì phải có biện pháp kỷ luật ngay.
"Ở đây là họ không làm tròn nhiệm vụ. Không có lý do gì người dân, doanh nghiệp cứ phải nộp thuế để nuôi những người ngồi trong các bộ máy mà không làm tròn nhiệm vụ của họ và cứ giữ những biện pháp để làm khó dễ cho người dân, cho doanh nghiệp, gây tốn kém cho đất nước trong quá trình phát triển".
Bà Lan cũng cho rằng việc khen thưởng đối với các đơn vị có hoạt động tốt trong cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng là cần thiết. Tuy nhiên, bà lại cũng cho rằng việc khen cũng cần đúng mực.
"Tôi cũng đã tranh luận với anh Cung (Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM) về chuyện khen hay không khen Bộ Công Thương khi họ cắt giảm hơn 600 điều kiện kinh doanh.
"Tôi nói đáng lẽ phải phạt từ cái lúc họ đẻ ra điều kiện, tung ra điều kiện đó chứ không phải bây giờ họ ra điều kiện xong, 3 - 4 năm trời hành hạ doanh nghiệp, gây ra bao nhiêu tốn kém cho xã hội, làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam để rồi lúc họ bỏ thì khen. Làm như vậy thì hóa ra họ sẽ có quyền đẻ tiếp những cái mới để năm sau cắt bỏ thì được khen à? Phải phạt ngay cái lúc họ làm sai chứ. Tôi nghĩ cái đó là cái cần", bà Lan nêu quan điểm.
Nhấn mạnh phải có kỷ luật nghiêm với những cá nhân không thực hiện nhiệm vụ, bà Lan nhấn mạnh: "CIEM đã chứng minh là cải thiện thủ tục sẽ tiết kiệm chi phí cho xã hội, tức là chúng ta quy ra được bằng tiền. Thế thì người nào cản trở việc người dân đạt được lợi ích đó thì phải phạt, bắt họ bù đắp cho những cái mà xã hội đã mất đi. Tôi cho rằng đấy là cái phải làm và cần đưa ra thường xuyên".
Cần đảm bảo công bằng giữa địa phương và các Bộ
Nêu lên kiến nghị để thúc đẩy cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bà Phạm Chi Lan đề nghị tăng vai trò giám sát và công cụ đánh giá của doanh nghiệp, người dân.
"Ở VCCI, trong dự thảo 2018, đưa ra ý kiến lồng ghép Nghị quyết 19 vào chỉ số PCI. Tôi đồng ý, tuy nhiên cần thấy rằng PCI chỉ phản ánh ở địa phương, trong khi vấn nạn điều kiện kinh doanh nằm ở các Bộ chứ không phải địa phương.
"VCCI mấy năm nay đã cùng với các Bộ, Ngân hàng Thế giới đưa ra thước đo về cải cách của các Bộ nhưng lại không công bố. Bây giờ tôi đề nghị công bố, bởi vì trong cái chỉ số đó, VCCI đã cùng với các hiệp hội theo dõi và đánh giá các Bộ trong việc thực thi các chính sách pháp luật về kinh doanh. Nếu không công bố đó sẽ là bất bình đẳng với địa phương. Tại sao địa phương có xếp hạng PCI mà chỉ số của các Bộ lại không được phép công bố rộng rãi, để mọi người biết các Bộ đang làm như thế nào?", bà Lan nói.
Bà Lan cũng đề nghị cập nhật thêm một số điều vào trong Nghị quyết 19, chẳng hạn chỉ số tự do kinh tế - chỉ số nói lên mức độ tự do kinh doanh của người dân.
Ngoài ra bà Lan cũng đề nghị xem xét bối cảnh năm 2018, khi Việt Nam đã hoàn tất CPTPP. Chẳng hạn như nếu áp các thủ tục của CPTPP về thông quan hàng hóa là 48h thì hiện tại chúng ta rất căng thẳng vì khâu thông quan còn dài tới mười mấy ngày với bao khâu kiểm tra chuyên ngành.
"Làm sao Việt Nam có thể hưởng lợi ích của xuất nhập khẩu đây nếu thông quan vẫn như vậy? Làm sao tránh được sự trừng phạt của các nước liên quan nếu Việt Nam không thực hiện được các cam kết của mình. Vì thế những điều như vậy cần phải đưa vào xem xét, thúc đẩy nhanh để cải thiện những gì chúng ta cam kết trong CPTPP. Điều tương tự là EVFTA, cũng phải chuẩn bị từ bây giờ", bà Lan nói.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone