Tiêu điểm

Chủ tịch AMCHAM: Việt Nam có thể hút hàng tỷ USD đầu tư vào ngành điện

(VNF) - "Nếu chính phủ quan tâm đến việc xây dựng khung luật định khả thi và lộ trình định giá điện năng theo hướng thị trường trong vòng 5 năm tới… thì chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có thể khai thác được hàng tỷ USD đầu tư tư nhân mà Việt Nam đang rất cần trong lĩnh vực này".

Chủ tịch AMCHAM: Việt Nam có thể hút hàng tỷ USD đầu tư vào ngành điện

Ảnh minh họa.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam kỳ cuối năm 2017 (VBF 2017), bà Natasha Ansell, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) ghi nhận các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD Mỹ, đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra việc làm có chất lượng cho người lao động Việt Nam, và mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ Hoa Kỳ. Cùng với đó, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đã góp phần nêu bật những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng nhận định: "Chúng tôi cũng thường nhìn thấy những cơ hội đầu tư không trở thành hiện thực do những vướng mắc khi phải đối mặt với nạn tham nhũng và một môi trường thể chế và quy trình cấp phép còn rườm rà, nhiều hạn chế, thiếu rõ ràng".

Cũng theo bà Natasha Ansell, Việt Nam đang có nhu cầu cấp bách cần thu hút nguồn vốn tư nhân để khắc phục tình trạng sụt giảm ngày càng tăng của nguồn cung so với cầu về điện năng. Theo đó, AMCHAM "tin rằng kế hoạch bảo đảm nguồn năng lượng 'Made in Việt Nam' là một kế hoạch bền vững trên góc độ tài chính, môi trường và chuỗi cung ứng, trong đó cần chú trọng vào hiệu quả, năng lượng tái tạo và khí đốt".

"Nếu Chính phủ quan tâm đến việc xây dựng khung luật định khả thi và lộ trình định giá điện năng theo hướng thị trường trong vòng 5 năm tới; nếu các nhà tài trợ đặt trọng tâm vào giảm thiểu rủi ro, các nhóm đối tượng thiệt thòi và đầu tư nâng cấp mạng lưới truyền tải điện, đồng thời khối kinh tế tư nhân chú trọng vào sản xuất và nâng cao hiệu quả sử dụng điện năng, thì chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có thể khai thác được hàng tỷ USD đầu tư tư nhân mà Việt Nam đang rất cần trong lĩnh vực này", bà Natasha Ansell nhấn mạnh.

Đại diện AMCHAM cũng cho rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao sẽ rất tốn kém và đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn nữa của khu vực tư nhân. Đầu tư tư nhân thường phụ thuộc vào sự đảm bảo của Chính phủ, vì thế phụ thuộc vào tính cân đối vững chắc về tài chính của Chính phủ. 

"Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Nhà nước phải tiếp tục thoái vốn, từ đó không chỉ giúp ngân sách có thêm lượng tiền mặt, mà còn cho phép khối doanh nghiệp tư nhân phát triển, kích thích thị trường vốn và giảm tham nhũng, vì những công ty thoái vốn Nhà nước này sẽ phụ thuộc hơn vào quyền lực thị trường và sự giám sát độc lập của cổ đông. Thêm vào đó, việc thoái vốn kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra sân chơi ở cấp độ mới cho tất cả mọi người", bà nói.

Việc ban hành, thực thi luật quy định một cách công bằng và bình đẳng theo vị Chủ tịch là vấn đề mang tính sống còn. Đạt được kết quả trong lĩnh vực này sẽ giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng trên thị trường; là yếu tố quan trọng trong công tác thu hút đầu tư chất lượng cao và củng cố doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

Nêu lên thực tế sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam vẫn bị giá thành rất cao và phức tạp, với tình hình thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ lên đến 32 tỷ USD Mỹ vào năm ngoái, đại diện AMCHAM cho hay Việt Nam cần "nghiêm túc giải quyết hàng loạt các rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại chủ yếu gặp phải tại biên giới, và những vấn đề được gọi rào cản phía sau biên giới làm hạn chế dòng hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam".

"Hội viên AmCham vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về những thay đổi gần đây về chính sách và pháp luật không phù hợp với thông lệ quốc tế. Những thay đổi này đã đặt nhà đầu tư nước ngoài vào rủi ro tiềm ẩn và trở ngại khi thực hiện đầu tư", vị này nhấn mạnh.

Bà Natasha Ansell cũng cho biết thêm, một số lĩnh vực của Việt Nam còn chưa mở cửa để thu hút vốn tư nhân hay còn hạn chế do vẫn chú trọng vào khu vực công và các doanh nghiệp Nhà nước. "Chúng tôi tin rằng tiếp tục mở cửa để thu hút nguồn vốn tư nhân cho những dự án quan trọng sẽ giúp cải thiện tình hình tài chính nói chung của đất nước", Chủ tịch AMCHAM nói.

Tin mới lên