Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Delta trải lòng về ngành xây dựng Việt Nam

Ái Châu Tử - 14/03/2024 11:45 (GMT+7)

(VNF) – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Delta (Delta Group), ông Trần Nhật Thành, cho rằng 3 năm trở lại đây, ngành xây dựng Việt Nam đối diện hàng loạt khó khăn lớn, khiến các nhà thầu suy yếu nghiêm trọng. Dù tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện nhiều hơn, song để có thể trở lại với giai đoạn phát triển rực rỡ như trước, ngành xây dựng sẽ còn phải đợi chờ thêm nhiều năm nữa.

VNF
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Delta, ông Trần Nhật Thành

Năm 2023 vừa qua được đánh giá là năm khó khăn nhất của ngành xây dựng Việt Nam trong vòng một thập niên trở lại đây, với hàng loạt doanh nghiệp chịu sự suy giảm nặng nề về doanh thu và lợi nhuận. Thậm chí, nhiều đơn vị đã ghi nhận những “kỷ lục buồn” trong lịch sử phát triển.

Nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, nhà sáng lập, chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Delta (Delta Group), ông Trần Nhật Thành, đã giãi bày những thách thức hiện thời cũng như gửi gắm các thông điệp để ngành xây dựng Việt Nam vượt qua cơn bĩ cực này:

-  Hơn 30 năm điều hành Tập đoàn Xây dựng Delta (Delta Group), trải qua những giai đoạn thăng trầm của ngành xây dựng Việt Nam với đủ cung bậc cảm xúc, ông đánh giá như thế nào về cuộc khủng hoảng hiện tại?

Ông Trần Nhật Thành: Ngành xây dựng liên thông với ngành bất động sản, nên kể từ khi ngành bất động sản khó khăn (từ năm 2019), ngành xây dựng cũng đi xuống, nhất là với các doanh nghiệp xây dựng dân dụng, thương mại.

Trải qua thêm 2 năm Covid, sức lực của các doanh nghiệp xây dựng bị bào mòn đi rất nhiều. Những tưởng khi vượt qua được đại dịch, ngành bất động sản và xây dựng sẽ phục hồi. Nhưng không! 2 năm trở lại đây, nền kinh tế đối diện quá nhiều khó khăn, các cú sốc liên tiếp xảy ra, khiến các doanh nghiệp xây dựng lao đao, khốn khổ.

Lâu nay, người ta cứ nói ngành bất động sản khó khăn nhất, nhưng không nghĩ rằng các doanh nghiệp xây dựng còn khó khăn hơn, vì họ chính là đơn vị xây nên các bất động sản đó, chịu sức ép ba bề bốn bên.

Khó khăn của doanh nghiệp xây dựng đến từ rất nhiều phía. Một là nguồn việc. Các dự án mấy năm qua trở nên ít ỏi một cách bất thường, khiến các nhà thầu “đói việc” nghiêm trọng. Có những dự án đang thực hiện, do chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính và/hoặc bán hàng kém hiệu quả, đã bị giãn tiến độ dài ra, thậm chí dừng hẳn. Một số dự án khác thì nhà thầu nhìn thấy nguy cơ chủ đầu tư không có năng lực tài chính nên cũng không dám nhận triển khai.

Hai là nguồn vốn. Nguyên tắc của ngành xây dựng là nhà thầu thi công trước, nhận tiền sau. Vậy nên, khi chủ đầu tư dự án bị khó khăn dòng tiền, việc thanh toán cho nhà thầu bị gián đoạn, tệ hơn chưa biết bao giờ thanh toán. Điều này đã đẩy các nhà thầu vào tình cảnh nan giải: bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn trong khi vẫn phải “còng lưng” trả nợ ngân hàng cũng như đáp ứng nghĩa vụ đối với thầu phụ và các nhà cung cấp. Nợ đọng quá lớn là nguyên nhân khiến các nhà thầu, kể cả nhà thầu hàng đầu Việt Nam, quá khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Ba là lợi nhuận. Thông thường, lợi nhuận của các nhà thầu chỉ vào khoảng 5%. Nhưng trong tình cảnh dự án bị giãn tiến độ, chủ đầu tư chậm thanh toán, lãi vay ngân hàng neo ở mức cao (có giai đoạn lên tới 14%), số lợi nhuận này gần như bị “ăn mòn” sạch sẽ. Chúng ta dễ dàng quan sát thấy không ít nhà thầu có doanh thu hàng nghìn tỷ, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận có được chỉ là vài tỷ đồng hoặc vài chục tỷ đồng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không có được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mà chỉ có lãi nhờ hoạt động tài chính, thanh lý tài sản hoặc hoàn nhập dự phòng. Bởi vậy, ở hoàn cảnh này mà doanh nghiệp nào có được biên lợi nhuận vào khoảng 3% - 4% đã là giỏi rồi.

- Ngành xây dựng lâu nay vẫn nhức nhối bởi câu chuyện cạnh tranh bằng giá. Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng “độc hại” này?

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng đó là nỗi khổ của các doanh nghiệp xây dựng. Trên thực tế, không ai muốn làm với giá rẻ, chỉ là tình thế ép đến đường cùng, doanh nghiệp chẳng có lựa chọn nào hơn.

Hiện nay, công việc thì ít mà doanh nghiệp vẫn phải tồn tại, phải có việc để còn lưu thông dòng tiền, hoặc để bảo vệ lực lượng, nên cạnh tranh để giành dự án là điều dễ hiểu. Cạnh tranh trong ngành này, giá là yếu tố dễ làm nhất; với nhiều chủ đầu tư khi chọn thầu, cứ giá thấp là được. Nhưng tôi cho rằng đó là hành vi nguy hiểm, bởi nó sẽ đưa doanh nghiệp tới ngõ cụt, càng làm càng lỗ.

Tôi kiên quyết chống lại việc cạnh tranh bằng giá như vậy. Tất nhiên, khi đó, Delta Group phải chấp nhận mất một số dự án. Nhưng tôi nói với anh em, Delta Group chỉ nhận dự án khi có lời, dù rất ít cũng được, vì phải có lời thì mới nuôi sống được anh em. Ngoài ra, chúng tôi cũng “kén” chủ đầu tư, “kén” dự án để tránh chuyện nợ đọng. Nhờ quản trị theo nguyên tắc này, tình hình công nợ của Delta Group ít nghiêm trọng hơn so với nhiều đơn vị khác, dòng tiền được đảm bảo và phần nào là duy trì được lực lượng của mình.

- Để chống chọi với khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã mở rộng lĩnh vực hoạt động, Delta Group thì sao?

Chúng tôi đã mở rộng ra xây dựng công nghiệp, thời gian qua đã trúng được một số gói thầu đáng kể tại các dự án nhà máy pin VinES,  nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất hay đối tác nước ngoài. Trước giờ, Delta Group chủ yếu làm việc với chủ đầu tư tư nhân, thì giờ chúng tôi tham gia dự án đầu tư công nhiều hơn, ví dụ xây trụ sở, bệnh viện, trường học… Chỉ có mảng xây dựng hạ tầng là chúng tôi chưa tham gia nhiều.

Biên lợi nhuận của mảng xây dựng công nghiệp và đầu tư công hầu như ổn định, khoảng 4-5%. Điều quan trọng là khi tham gia 2 mảng này là công việc được liên tục, đỡ được chi phí quản lý, ngoài ra dòng tiền ra vào giúp giảm vay ngân hàng, bớt áp lực chi phí tài chính.

- Một số doanh nghiệp xây dựng đã mở rộng sang cả đầu tư bất động sản. Delta cũng từng phát triển bất động sản. Hoạt động đó hiện nay ra sao?

Chúng tôi có làm bất động sản, nhưng đó không phải mảng kinh doanh chính. Nguyên do làm bất động sản cũng rất đơn giản là chủ đầu tư trả nợ bằng dự án hoặc bất động sản, Delta Group đành gánh vác để lấy lại tiền. Delta Group là nhà thầu chuyên nghiệp, việc làm ra sản phẩm thì dễ dàng, nhưng kinh doanh bất động sản lại là một câu chuyện khác; hiện nay, các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp cũng đang cực kỳ khó khăn.

Delta đang và sẽ làm nhà ở xã hội. Phân khúc này có nhu cầu rất lớn, dòng tiền tuy ít nhưng ổn định, ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay. Tất nhiên, nếu sau này thị trường tốt lên, Delta có đủ nguồn lực thì có thể chúng tôi sẽ tham gia vào lĩnh vực đầu tư.

- Một vấn đề khá được quan tâm là những biến động của ngành xây dựng từ năm 2020 tới nay đã ảnh hưởng như thế nào tới cục diện xếp hạng của các nhà thầu. Góc nhìn của ông đối với vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ tốp 10 nhà thầu hàng đầu Việt Nam không có sự xáo trộn nhiều. Thứ bậc các nhà thầu được xếp hạng theo một số tiêu chí trong đó có tính đến doanh thu. Nhưng nếu doanh nghiệp cố gắng đạt doanh thu cao trong bối cảnh hiện nay có thể rất nguy hiểm. Có doanh nghiệp năm nay đứng tốp đầu về doanh thu, năm sau đã tụt hạng do kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Vậy đua doanh thu để làm gì, nhất là trong bối cảnh hiện nay?

Delta không có ý định chạy theo doanh thu. Kể từ khi khởi sự kinh doanh vào năm 1993, tâm nguyện của tôi là nâng cao trình độ của ngành xây dựng Việt Nam lên. Còn nhớ những năm 90 ấy, trình độ xây dựng của thế giới đã ở mức rất cao, trong khi Việt Nam ta chỉ dựa vào tay thợ khéo léo, còn hầu như không có công nghệ gì cả. Tôi đã tập hợp những kỹ sư giỏi, lập nên Delta Group, dần dần phát triển đội ngũ, nhập máy móc, công nghệ về, để hôm nay Delta Group có thể tự tin rằng, trình độ xây dựng của chúng tôi sánh ngang các nhà thầu trong khu vực. Tôi đã thực hiện được tâm nguyện ấy và vẫn đang tiếp tục để Delta Group mạnh hơn nữa, bởi vậy con số doanh thu không phải là mục tiêu sống còn của Delta Group.

Tất nhiên, tôi cũng rất lo lắng khi ngành xây dựng Việt Nam khó khăn, việc kinh doanh gặp nhiều trắc trở. Chẳng hạn chúng tôi muốn xây trụ sở mới mà vẫn chưa thực hiện được, dù đội ngũ đã sẵn, thiết bị sẵn, công nghệ cũng sẵn, đầu óc thì khỏi cần phải nói. Hi vọng thời gian tới, tình hình sáng lên, chúng tôi có thêm tích lũy để thực hiện mong muốn của mình.

- Chia sẻ của ông làm nảy lên một băn khoăn rằng trong vài năm qua, dường như ngành xây dựng Việt Nam đã không đạt được thêm tiến bộ nào về công nghệ?

Thực sự thì công nghệ xây dựng dân dụng của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đạt đỉnh cao rồi đấy. Như với Delta hoặc 1 số nhà thầu tốp đầu, giờ để xây một khu đô thị 40 – 50 tòa nhà cao tầng, trong 2 – 3 năm, là chuyện bình thường với chất lượng cao. Như dự án The Ritz Carlton của Masterise Homes ở Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đòi hỏi chất lượng xây dựng rất cao, Delta Group làm tổng thầu và đang chuẩn bị bàn giao.

Dù vậy, tôi thừa nhận một thực tế là 2 năm vừa rồi, công nghệ xây dựng không có những bước tiến lớn mà nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp không còn nhiều tiền để đầu tư vào nghiên cứu hay mua công nghệ. Việc này là một nỗi băn khoăn không nhỏ trong lòng những người có tâm huyết nâng tầm ngành xây dựng Việt Nam.

- Vậy theo ông, phải đến khi nào ngành xây dựng Việt Nam mới khởi sắc trở lại?

Tôi nghĩ rằng từ cuối năm nay, với những chính sách và biện pháp quyết liệt của Chính phủ, tình hình sẽ sáng lên. Từ 1-2 năm tới, thị trường sẽ bước vào chu kỳ mới. Còn để mong ngành xây dựng trở lại với giai đoạn phát triển rực rỡ như trước đó, e rằng phải đợi thêm nhiều năm nữa.

Hiện tại, chúng tôi cũng chưa nhìn ra xu hướng nào mang tính nổi bật của ngành xây dựng. Có lẽ, trong giai đoạn ở đáy của khủng hoảng này, các doanh nghiệp đang ưu tiên cho lẽ sinh tồn nhiều hơn là định hình một lối đi chiến lược. Nhưng qua năm sau, mọi việc nhiều khả năng sẽ bắt đầu rõ ràng hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Sau nhiều năm ‘bất động’, Lê Phan Resort đòi Quảng Nam trả lại tiền GPMB

Sau nhiều năm ‘bất động’, Lê Phan Resort đòi Quảng Nam trả lại tiền GPMB

Theo Công ty cổ phần Lê Phan Resort chủ đầu tư dự án Khu du lịch biển Lê Phan đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc quyết toán và hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án trên.

Doanh thu cả năm 2023 tại Mỹ của VinFast đạt 159 tỷ đồng

Doanh thu cả năm 2023 tại Mỹ của VinFast đạt 159 tỷ đồng

Trong khi đó, doanh thu tại thị trường Việt Nam đạt gần 28.000 tỷ đồng.

GP.Invest 'bắt tay' Đầu tư Nam Sơn làm khu đô thị 1.240 tỷ tại Lạng Sơn

GP.Invest 'bắt tay' Đầu tư Nam Sơn làm khu đô thị 1.240 tỷ tại Lạng Sơn

Dự án Khu đô thị Green Garden tại Lạng Sơn sẽ được thực hiện bởi Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu - Công ty cổ Tư vấn và Đầu tư Nam Sơn.

Sau Trấn Thành, Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ thứ 2 của Việt Nam

Sau Trấn Thành, Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ thứ 2 của Việt Nam

Những ngày qua, 'Lật mặt 7' tạo nên 'cơn sốt' phòng vé Việt đã giúp Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ thứ 2 của Việt Nam, sau Trấn Thành.

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng: TP.HCM dừng hợp đồng BT sau 14 năm đình trệ, bị đội vốn gấp đôi

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng: TP.HCM dừng hợp đồng BT sau 14 năm đình trệ, bị đội vốn gấp đôi

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng ý dừng đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng tại số 8 đường Võ Văn Tần, quận 3 theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BT); chuyển thành phương thức đầu tư công.

Một chỉ số quan trọng trồi sụt cho thấy 'kinh tế phục hồi chưa vững chắc’

Một chỉ số quan trọng trồi sụt cho thấy 'kinh tế phục hồi chưa vững chắc’

(VNF) - Theo chuyên gia, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 giảm về 49,9 điểm sau khi đạt 50,4 điểm trong tháng 2 cho thấy, mức phục hồi tăng trưởng trong nền kinh tế vẫn chưa thật vững chắc.

Trước ngày về Việt Nam, Chery Omoda 5 dính lỗi nặng, bị triệu hồi gấp

Trước ngày về Việt Nam, Chery Omoda 5 dính lỗi nặng, bị triệu hồi gấp

(VNF) - Chery Malaysia vừa ban hành thông báo triệu hồi đối với 600 chiếc Omoda 5 do liên quan tới vấn đề trục của xe. Được biết, mẫu xe này cũng được lên kế hoạch mở bán tại thị trường Việt Nam, dưới tên gọi Omoda C5.

Đối tác Việt Nam - Nhật Bản, nỗ lực sớm hiện thực hoá Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội

Đối tác Việt Nam - Nhật Bản, nỗ lực sớm hiện thực hoá Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội

(VNF) - Lãnh đạo các cơ quan chính phủ Nhật Bản gần đây liên tục có các chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, một liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam), nhằm sớm hiện thực hóa dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội.

'Ông lớn' Alibaba dự kiến chi hơn 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

'Ông lớn' Alibaba dự kiến chi hơn 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

(VNF) - Theo Nikkei Asia đối tác của Alibaba trong đầu tư xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là Viettel và VNPT.

Ông Trần Thanh Mẫn điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ

Ông Trần Thanh Mẫn điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ

(VNF) - Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.