Cử tri Thái Nguyên muốn sớm xử lý dự án thép Thái Nguyên giai đoạn II
Hải Minh -
20/09/2018 17:35 (GMT+7)
Lãnh đạo và người lao động Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm đẩy nhanh việc xử lý Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 để tạo điều kiện cho công ty phát triển, bảo đảm đời sống cho hơn 5.000 người lao động của công ty.
Ngày 20/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên trước thềm kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội đã nghe lãnh đạo Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Ban lãnh đạo và người lao động của công ty.
Báo cáo với Phó Thủ tướng và Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên Hoàng Ngọc Diệp cho biết, kể từ năm 2015, tình hình sản xuất của công ty đạt kết quả tích cực nhờ nỗ lực triển khai các giải pháp toàn diện từ việc cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, hệ thống phân phối, tinh gọn bộ máy, tăng cường công tác quản trị…
Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có tăng trưởng mạnh qua các năm, hoạt động kinh doanh có hiệu quả 4 năm liên tục có lãi (năm 2013 còn lỗ: -161,198 tỷ đồng, năm 2014 lãi: 5,231 tỷ đồng, năm 2015 lãi: 8,182 tỷ đồng, năm 2016 lãi: 207,571 tỷ đồng, năm 2017 lãi: 109,558 tỷ đồng), lợi nhuận lũy kế đến nay là 155 tỷ đồng, từ năm 2013 đến 30/6/2018 đã nộp ngân sách 1.961,8 tỷ đồng, ổn định việc làm, thu nhập, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bình quân 5.129 lao động với tổng quỹ lương là 2.342 tỷ đồng, đóng BHXH là 295,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng rất lớn do đầu tư dự án giai đoạn 2 kéo dài hơn 13 năm (tính từ lúc quyết định đầu tư) với nhiều tồn tại vướng mắc chưa giải quyết được, cho nên sản xuất kinh doanh của công ty từ năm 2017, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2018 có dấu hiệu giảm sút, các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ đặc biệt là lợi nhuận giảm sút mạnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Diệp, nếu những tồn tại, vướng mắc của Dự án giai đoạn 2 không được xử lý kịp thời dứt điểm, chắc chắn sẽ làm cho tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính công ty trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khó lường. Đây cũng là mong mỏi của các thế hệ lãnh đạo và người lao động của công ty có bề dày lịch sử.
Tại thời điểm năm 2017 tổng giá trị tài sản dài hạn của công ty là 6.178 tỷ đồng, trong đó 4.851 tỷ đồng, chiếm 78,5% tài sản dài hạn là số vốn xây dựng cơ bản dở dang thuộc Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (gói thầu EPC số 01) không tham gia sản xuất kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Nếu tính cả hơn 650 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi, thì tỉ lệ tài sản không được huy động vào sản xuất kinh doanh rất cao, trên 80%.
Bên cạnh đó, công ty đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng do phải chịu mức lãi suất cao hơn mặt bằng chung, trong khi quá trình thoái vốn diễn ra chậm, làm giảm khả năng tự xoay sở của công ty.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến của cán bộ và người lao động đều bày tỏ quyết tâm “gắng sức” vượt qua khó khăn để chờ đợi phương án xử lý nhanh chóng Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với công nhân Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Ban lãnh đạo, cán bộ và người lao động, mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực triển khai các hoạt động sản suất kinh doanh, mang lại những kết quả nhất định.
Phó Thủ tướng cho hay thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, trong đó có Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Theo đó yêu cầu Bộ Công Thương, Tổng công ty Thép Việt Nam tập trung khắc phục các vướng mắc pháp lý với nhà thầu EPC làm cơ sở để tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án.
Chính phủ cũng lắng nghe các kiến nghị của Bộ Công Thương, Tổng công ty Thép về tìm kiếm các nhà đầu tư, doanh nghiệp ở trong nước có tiềm lực tham gia mua lại cổ phần của nhà nước tại dự án để tiếp tục triển khai, góp phần xử lý căn bản các vướng mắc của dự án vào năm 2020, đưa nhà máy đi vào hoạt động.
Sau buổi tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đi thăm công trường Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và trao đổi với lãnh đạo công ty về những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.