Tài chính

EVN lãi đậm hơn 1.800 tỷ nửa đầu năm 2017, nợ phải trả tăng lên 490.000 tỷ

(VNF) – Thông tin lãi đậm của EVN được công bố công khai giữa lúc tập đoàn kinh tế lớn nhất nước này vừa chính thức tăng giá điện (từ ngày 1/12).

EVN lãi đậm hơn 1.800 tỷ nửa đầu năm 2017, nợ phải trả tăng lên 490.000 tỷ

EVN lãi đậm trong nửa đầu năm 2017

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 với kết quả kinh doanh khả quan.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của EVN đạt 140.787 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, EVN ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế lên đến 1.878 tỷ đồng, khác xa con số lỗ 557 tỷ đồng nửa đầu năm 2016.

Nguyên nhân của "cú chuyển" ngoạn mục này chủ yếu đến từ việc chi phí tài chính của EVN giảm rất mạnh, từ mức 15.459 tỷ đồng nửa đầu 2016 xuống chỉ còn 10.585 tỷ đồng nửa đầu năm nay, tương đương giảm gần 5.000 tỷ.

Thông tin lãi đậm của EVN được công bố giữa lúc tập đoàn kinh tế lớn nhất nước này vừa chính thức tăng giá điện (từ ngày 1/12).

Tại buổi họp báo giải thích về việc tăng giá điện, nhiều phóng viến đã đề nghị Bộ Công Thương và EVN giải thích vì sao EVN kinh doanh có lãi năm 2016 (mặc dù hoạt động kinh doanh điện lỗ 593 tỷ đồng tuy nhiên nếu tính cả thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện thì EVN vẫn lãi 2.658 tỷ đồng) nhưng vẫn quyết định tăng giá điện.

Đại diện công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam – đơn vị kiểm toán cho EVN thông tin rằng, thực tế trong 2 năm từ 2014 – 2016, việc sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn đều bị lỗ. Việc hạch toán của EVN là theo chuẩn mực kế toán Việt Nam nhưng EVN vẫn còn để treo khoảng 9.500 tỷ đồng lỗ tỷ giá chưa được tính vào giá điện.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay: "Nếu toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mà đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn. Đợt điều chỉnh giá điện này cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành. Theo quy định của Chính phủ, từ nay đến 2020 sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện".

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN thông tin, tùy tình hình sản xuất từng năm, việc phân bổ số lỗ tỷ giá của các năm trước sẽ được phân bổ dần trong 5 năm.

Một thông tin khác trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017 của EVN là việc nợ phải trả của tập đoàn này đã lên đến 490.634 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) là 408.582 tỷ đồng. Theo tính toán, nợ phải trả của EVN hiện gấp tới 2,35 lần vốn chủ sở hữu, tổng nợ vay gấp 1,96 lần, cho thấy nợ vẫn đang là gánh nặng lớn đối với EVN.

Tin mới lên