Thị trường tài chính lâu nay đã không còn là “sân chơi” hay đam mê riêng của cánh mày râu, đặc biệt là khi những “bông hồng” này xuất hiện.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), cùng VietnamFinance điểm lại những dấu ấn đặc biệt mà họ đã mang lại cho ngành tài chính.

Đầu năm 2023, bà Vũ Thị Chân Phương được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí này tại Việt Nam.

Nữ Chủ tịch sinh năm 1971 tại Nam Định, có trình độ Thạc sĩ Kinh tế, gắn bó với thị trường chứng khoán ngay từ thời gian đầu đến nay và trải qua nhiều vị trí công tác tại Ủy ban Chứng khoán, từ công tác chuyên môn đến công tác quản lý, lãnh đạo.

Bắt đầu sự nghiệp tại Thanh tra UBCKNN vào tháng 9/1998, bà Chân Phương nhanh chóng khẳng định năng lực khi lần lượt giữ các chức vụ quan trọng, từ Phó Trưởng phòng Thanh tra các Sở Giao dịch Chứng khoán (2001), Phó Chánh Thanh tra (2007), Chánh Thanh tra (2010). Tháng 7/2016, bà được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBCKNN trước khi chính thức giữ vai trò Chủ tịch vào tháng 1/2023.

Sau gần hai năm lãnh đạo ngành chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương đã để lại những dấu ấn đáng kể, đặc biệt là qua động thái quyết liệt của UBCKNN trong việc thúc đẩy nâng hạng thị trường. Điển hình, Thông tư sửa đổi, bổ sung 4 Thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin do UBCKNN xây dựng đã được Bộ Tài chính chính thức thông qua với tên gọi Thông tư 68. Theo đó, yêu cầu pre-funding đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã được xoá bỏ, giải quyết “điểm nghẽn” lớn nhất trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Bà Phạm Minh Hương được xem là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất giới tài chính Việt Nam với 25 năm kinh nghiệm và “gia tài” là cả một “hệ sinh thái” doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, đầu tư.

Hiện tại, nữ doanh nhân sinh năm 1966 đang đảm đương cùng lúc vai trò Chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (HoSE: VND), Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI), Công ty CP Đầu tư IPAF; Thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư IPA (HNX: IPA); Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán IPA (IPAAM), Công ty TNHH Quản lý Đầu tư H&H.

Trong đó, VNDIRECT là nơi làm nên tên tuổi của bà Phạm Minh Hương. Năm 2006, sau khi đạt được những thành công nhất định tại Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (sau này là Công ty CP Chứng khoán SSI, HoSE: SSI) với vai trò Tổng giám đốc, bà Hương quyết định rời đi và gây dựng cơ ngơi cho riêng mình. Bà lần lượt thành lập Tập đoàn Đầu tư IPA và VNDIRECT, trở nữ doanh nhân đầu tiên mở và điều hành một công ty chứng khoán trên thị trường.

Dưới sự dẫn dắt của bà Phạm Minh Hương, VNDIRECT đã vươn lên trở thành công ty lớn thứ hai thị trường về quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản. Trong 3 năm tài chính gần nhất (2021-2023), lợi nhuận sau thuế của VNDIRECT đều đạt trên mức nghìn tỷ đồng và nằm trong nhóm công ty chứng khoán lãi cao nhất thị trường.

Trong khi đó, PTI từng giữ vị trí thứ 3 về thị phần trong tổng số 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ năm 2022.

Tương tự bà Phạm Minh Hương, bà Nguyễn Thanh Phượng cũng là một trong “nữ tướng” nổi danh trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nữ doanh nhân sinh năm 1980 là thành viên sáng lập Công ty CP Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI) và Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VCAM).

Đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của cả hai công ty từ năm 2007 khi còn rất trẻ, bà Phượng đã nhanh chóng chứng minh năng lực lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính. Nữ “thuyền trưởng” chỉ mất 3 năm để đưa Vietcap lọt vào top 10 công ty chứng khoán lớn nhất sàn HoSE và đến năm thứ 10 (năm 2017) thì giành được vị trí thứ 3 về thị phần với thế mạnh tư vấn cho các khách hàng tổ chức.

Điều đáng chú ý là trong suốt 17 năm gắn bó và dẫn dắt Vietcap, bà Nguyễn Thanh Phượng chưa một lần nhận thù lao. Mặt khác, nữ Chủ tịch cũng tỏ ra tự tin về khả năng quản trị của mình. Gần đây nhất, bà Phượng từng khẳng định: “17 năm qua HĐQT Vietcap chưa từng lục đục, nhưng nếu có thì cỡ nào tôi cũng xử lý được.”

Bên cạnh Vietcap và VCAM, bà Phượng còn giữ vị trí Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Bản Việt (UPCoM: BVB) và Công ty CP Bất động sản Bản Việt. Bà cũng cùng chồng đồng sáng lập Công ty TNHH Phoenix Holdings, đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, công nghệ, bán lẻ và tiêu dùng.

Nếu như bà Phạm Minh Hương và bà Nguyễn Thanh Phượng thường được nhắc đến như những “bà trùm” chứng khoán thì trong lĩnh vực quản lý quỹ, danh xưng này gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Lê Thị Lệ Hằng.

Sinh năm 1975, trong một gia đình công tác trong ngành tài chính, bà Lệ Hằng không chỉ thừa hưởng tinh thần tiên phong từ người cha – ông Lê Văn Châu, người có công khai mở thị trường chứng khoán Việt Nam – mà còn khẳng định năng lực bản thân bằng một hành trình đầy thuyết phục.

Sau khi tốt nghiệp MBA tại Mỹ, thay vì lựa chọn con đường an toàn trong ngành kế toán, bà Hằng quyết định bước chân vào “trái tim” của nền tài chính toàn cầu – phố Wall với công việc đầu tiên tại công ty quản lý quỹ W.P. Stewart.

Mang theo kinh nghiệm từ Mỹ trở về Việt Nam, bà Hằng đầu quân cho Công ty CP Chứng khoán SSI và trở thành Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) từ tháng 9/2010. Hơn một thập kỷ dưới sự lãnh đạo của bà Lê Thị Lệ Hằng, SSIAM đã trở thành” ngọn cờ đầu” trong lĩnh vực quản lý quỹ, nổi bật với quy mô tài sản vượt mốc 500 triệu USD vào đầu năm 2022.

Không chỉ gây dựng SSIAM thành một trong những công ty quản lý quỹ nội địa lớn nhất, bà Hằng còn ghi dấu bằng việc chỉ đạo những thương vụ đầu tư chiến lược vào các công ty tư nhân hàng đầu. Nữ doanh nhân cũng mở ra một loạt sản phẩm tài chính đa dạng từ quỹ mở, quỹ ETF đến quỹ thành viên, đưa SSIAM trở thành đơn vị dẫn đầu về sự đa dạng sản phẩm trên thị trường quản lý quỹ Việt Nam.

Cuối năm 2022, bà Lê Thị Lệ Hằng thôi giữ chức Tổng Giám đốc SSIAM và đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch điều hành, kết thúc hành trình 12 năm điều hành công ty. Đáng nói, trong hành trình này, bà Lê Thị Lệ Hằng đã 7 lần được Tạp chí Asia Asset Management - tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực quản lý quỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương - vinh danh ở hạng giải thường “Tổng giám đốc của năm”.

Một trong những gương mặt nổi bật trong lĩnh vực quản lý quỹ tại Việt Nam là bà Trịnh Quỳnh Giao. Từ vị trí Giám đốc Đầu tư tại Công ty CP PVI, nữ doanh nhân sinh năm 1979 chuyển sang giữ chức vụ Tổng giám đốc PVI AM, đơn vị được ủy thác quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư của hệ thống PVI từ tháng 9/2022.

Sở hữu bằng Thạc sỹ Kinh tế chuyên ngành Tài chính ngân hàng tại Đại học Paris Dauphine và 20 năm kinh nghiệm trên thị tài chính, bà Quỳnh Giao được biết đến là một chuyên gia tư vấn đầu tư, tài chính doanh nghiệp và hoạch định chiến lược.

Trước khi gia nhập hệ thống PVI với vai trò Giám đốc đầu tư của PVI và Phó Chủ tịch HĐQT PVI AM, bà đã có thời gian dài làm việc tại một trong những quỹ đầu tư uy tín trên thị trường như Red River Holding, Indochina Capital, cũng như tham gia vào công tác quản trị điều hành của nhiều doanh nghiệp mà quỹ mình có tham gia đầu tư với mục tiêu đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị công ty, tăng cường các hoạt động đầu tư theo hướng minh bạch, phát triển bền vững.

Bà Trịnh Quỳnh Giao cũng từng là Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Convestcons, Giám đốc Đầu tư của Công ty CP Xây dựng Coteccons và tham gia HĐQT các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP FPT, Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú,…

Bà Nguyễn Thị Hương Giang, nhà sáng lập Ứng dụng đầu tư thông minh Tititada, cũng là một gương mặt không kém phần tiếng tăm trong giới tài chính Việt Nam.

Trước khi sáng lập Tititada, nữ doanh nhân sinh năm 1983 từng giữ vị trí Giám đốc Thị trường Vốn tại Vietnam Opportunity Fund (VinaCapital), Giám đốc bộ phận Ngân hàng đầu tư (IB) khu vực miền Nam của Công ty CP Chứng khoán SSI và Giám đốc đầu tư tại Công ty CP Tập đoàn Sovico. Bên cạnh đó, bà cũng là người trực tiếp tham gia tư vấn IPO và bán vốn cho hàng loạt tên tuổi lớn như Novaland, HDBank, Vincom Retail, Vinhomes...

Khi gần chạm mốc 40 tuổi, sau gần 20 năm đi làm thuê cho các “ông lớn” trong lĩnh vực đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương Giang bất ngờ từ bỏ công việc trong mơ để start-up. Tháng 6/2022, nữ doanh nhân cho ra mắt Tititada - ứng dụng cho phép người dùng đầu tư với số tiền tối thiểu 10.000 đồng. Đến tháng 9/2022, start up của bà Giang công bố hoàn thành huy động 1,5 triệu USD từ quỹ đầu tư Golden Gate Ventures. Trên website chính thức, Tititada cho biết đang hợp tác chiến lược cùng VPBank Securities.

Đáng chú ý, trong thời gian này, bà Hương Giang cũng gia nhập cuộc chơi M&A ngành chứng khoán và thâu tóm thành công Công ty CP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS).

Là một trong những gương mặt nổi bật của chương trình Shark Tank Vietnam, bà Đỗ Thị Kim Liên vốn được biết đến với danh xưng “nữ hoàng bảo hiểm”.

Sinh năm 1968, trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo dịch tại Mê Linh, Vĩnh Phúc, bà Liên từng học Khoa Ngữ văn của Trường đại học Sư phạm Hà Nội II. Tuy nhiên, cuộc sống vốn được coi là êm đềm và ổn định của nghề giáo không thỏa mãn được tố chất con người của “nữ cá mập”, sau 3 năm đứng lớp, bà đã Nam tiến để thực hiện những bước thay đổi cuộc đời mình.

Năm 2005, bà thành lập Công ty CP Bảo hiểm AAA, đưa công ty trở thành một trong 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Năm 2013, ở đỉnh cao sự nghiệp, bà bất ngờ rút toàn bộ vốn và chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn Insurance Australian Group (IAG). Cuối năm đó, bà Liên sáng lập Công ty AAA Plus, chuyên tư vấn tài chính, M&A, quản lý tài sản và môi giới đầu tư.

Sau hơn 5 năm tập trung phát triển sự nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau, tới năm 2018, Shark Liên một lần nữa khiến công chúng bất ngờ khi quay trở lại “đường đua” bảo hiểm với ứng dụng bán bảo hiểm LIAN - Bảo hiểm 24/7, ứng dụng bảo hiểm đầu tiên ở Việt Nam.

LIAN là ứng dụng di động trên nền tảng iOS/Android nhằm giúp các cá nhân tìm hiểu, đăng ký các gói bảo hiểm của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). Bà Liên đóng vai trò là cố vấn đặc biệt của Bảo hiểm Viễn Đông, cũng là nhà sáng lập ứng dụng Bảo hiểm LIAN.

“Cá mập thiên thần” Nguyễn Phi Vân là một trong những nhân vật “đáng gờm” và được quan tâm nhất Shark Tank Việt Nam mùa 7.

Bà Nguyễn Phi Vân sinh năm 1972 tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi theo học khoa Anh tại Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, bà du học tại Úc chuyên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn. Sở hữu bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Đại học Central Queensland (Úc), bà từng giữ các vị trí cao cấp về quản trị thương hiệu, bán lẻ, nhượng quyền và phát triển kinh doanh cho các tập đoàn toàn cầu lớn. Được biết, bà có hơn 20 năm làm việc ở môi trường quốc tế, từng tới hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Khác với nhiều “shark” phải khi xuất hiện ở chương trình mới nổi tiếng, “cá mập thiên thần” Nguyễn Phi Vân từ lâu đã nổi tiếng trong vai trò cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một chuyên gia nhượng quyền kiêm nhà đầu tư thiên thần cho các startup thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động.

Hiện tại, bà là Chủ tịch Go Global Holdings và Chủ tịch Go Global Franchise Fund - quỹ đầu tư dành riêng cho các startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nhượng quyền và cấp phép. Đồng thời, nữ doanh nhân cũng là Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á và đại diện cấp cao Việt Nam tại Diễn đàn đầu tư thiên thần toàn cầu.

Được biết, trong 2 năm “mắc kẹt” ở Việt Nam vì Covid-19, Shark Nguyễn Phi Vân đã đầu tư vào 12 thương hiệu và chuỗi. Hiện tất cả đều đang làm ăn tốt và 30% trong danh mục đã mở rộng ra Đông Nam Á sau một năm.


Không phải là một doanh nhân tài chính nhưng BTV Mùi Khánh Ly vẫn ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực truyền thông tài chính. Cô được xem như người tiên phong trong việc tạo ra trào lưu talkshow về tài chính và chứng khoán tại Việt Nam.

Vào nghề đã 16 năm nay, BTV Mùi Khánh Ly được khán giả quen mặt với các chương trình về tài chính, kinh tế trên sóng truyền hình như Bản tin tài chính kinh doanh, Chuyển động 24h, Dòng chảy của tiền… với nhiều vị trí khác nhau như phóng viên, biên tập viên, người dẫn, tổ chức sản xuất chương trình…

Đặc biệt, cô không chỉ đang là host, tổ chức sản xuất Talkshow Phố Tài chính đình đám trên VTV8. Chương trình được cấp phép sản xuất năm 2021, là chương trình đầu tiên trên sóng truyền hình chuyên biệt về tài chính, chứng khoán. Đến nay, sau gần 4 năm phát sóng, Talkshow Phố Tài chính đã trở thành địa điểm tin cậy của các thành viên trên thị trường chứng khoán.

Với những nỗ lực và hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền về ngành tài chính, Mùi Khánh Ly đã được vinh danh với bằng khen từ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đặc biệt, "Chương trình Phố Tài chính" được nhắc đến trong bằng khen, trở thành niềm tự hào không chỉ của cá nhân cô mà còn của cả ekip thực hiện chương trình. Những thành tích này khẳng định sự cống hiến của Mùi Khánh Ly trong việc góp phần vào sự phát triển chung của ngành tài chính và chứng khoán tại Việt Nam.

Lê Hàn Tuệ Lâm, sinh năm 1994, được đánh giá là một gương mặt trẻ triển vọng của ngành tài chính Việt Nam, với hành trình đầy nỗ lực trong việc khẳng định bản thân. Cô từng tham gia Shark Tank Việt Nam và là nhà đầu tư trẻ nhất trong lịch sử chương trình.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, Tuệ Lâm bắt đầu sự nghiệp tại IP Communications với vai trò thực tập viên phân tích tài chính, sau đó làm việc tại Ngân hàng Citibank Hà Nội. Sự nghiệp của Lê Hàn Tuệ Lâm thực sự bứt phá khi gia nhập Quỹ đầu tư Nextrans vào năm 2019, nơi cô giữ vị trí Giám đốc đại diện tại Việt Nam, tham gia đánh giá và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á và Mỹ.

Dưới sự dẫn dắt của cô, Nextrans đã đầu tư vào hơn 20 doanh nghiệp, với các khoản đầu tư từ 70.000 đến 120.000 USD, bao gồm những cái tên quen thuộc như TopCV, Luxstay và Ecomobi. Năm 2021, cô được Forbes vinh danh trong danh sách Top 30 Under 30 Asia.

Hiện tại, sau 5 năm gắn bó, nữ doanh nhân đã rời Nextrans để thử sức vai trò mới là Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Quỹ Đầu tư Mạo hiểm VinVentures - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Thái Hà

sử dụng iframe bình luận có sẵn
Doanh nhân Đỗ Tiến Dũng: 'Người hùng bất đắc dĩ' của Haxaco

Doanh nhân Đỗ Tiến Dũng: 'Người hùng bất đắc dĩ' của Haxaco

(VNF) - Được ca ngợi là “người hùng” khi đưa Haxaco thoát khỏi bờ vực phá sản và trở thành nhà phân phối Mercedes-Benz hàng đầu Việt Nam, nhưng với doanh nhân Đỗ Tiến Dũng, đó là điều ông chưa từng mong đợi. Giống như câu chuyện cười ông thường kể, tất cả chỉ vì bất đắc dĩ: bị đẩy vào thế khó và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến lên.

Tinh thần 'phụng sự xã hội' tạo dựng bản sắc riêng cho doanh nghiệp Việt

Tinh thần 'phụng sự xã hội' tạo dựng bản sắc riêng cho doanh nghiệp Việt

(VNF) - Xây dựng được bản sắc văn hoá của doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, Tân Hiệp Phát đã làm được điều này và tạo dựng được nét riêng trong văn hoá doanh nghiệp bằng chính tinh thần "phụng sự xã hội" được nuôi dưỡng xuyên suốt 30 năm hình thành và phát triển.

Doanh nghiệp nước giải khát trên hành trình sản xuất xanh

Doanh nghiệp nước giải khát trên hành trình sản xuất xanh

(VNF) - Hiểu rằng việc gắn liền mục tiêu kinh doanh với kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng là một bài toán khó, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, trong đó có Tân Hiệp Phát đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực sản xuất xanh.

ROX GROUP: Công nghệ hỗ trợ hoàn thiện hệ sinh thái thuận ích

ROX GROUP: Công nghệ hỗ trợ hoàn thiện hệ sinh thái thuận ích

ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi thụ hưởng các sản phẩm – dịch vụ trong hệ sinh thái thuận ích của Tập đoàn.

Phú Yên lập KCN rộng 1.115ha, thu hút đầu tư lọc hóa dầu luyện kim

Phú Yên lập KCN rộng 1.115ha, thu hút đầu tư lọc hóa dầu luyện kim

(VNF) - Khu công nghiệp Hòa Tâm là khu công nghiệp đa ngành, đầu tư các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng.

Tân Hiệp Phát: Hành trình lan tỏa yêu thương

Tân Hiệp Phát: Hành trình lan tỏa yêu thương

(VNF) - Xuyên suốt quá trình gần 30 năm phát triển, hoạt động đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, phát huy nghĩa cử “tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách" luôn được Công ty Tân Hiệp Phát chú trọng.

AI và xu hướng ra quyết định dựa trên dữ liệu

AI và xu hướng ra quyết định dựa trên dữ liệu

Con người và AI

Con người và AI

Làm gì với AI?

Làm gì với AI?

Tương lai của AI

Tương lai của AI

(VNF) - Khi nói đến AI, câu hỏi đầu tiên của nhiều lãnh đạo ngân hàng là “điều đó có giúp ngân hàng kiếm được nhiều tiền hơn không/ có giúp ngân hàng tiết kiệm được nhiều tiền không?. Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định được điều đó một cách chắc chắn.

Rào cản với AI

Rào cản với AI

(VNF) - Để AI hoạt động hiệu quả, cần dữ liệu chất lượng cao và đa dạng. Tuy nhiên, việc thu thập, lưu trữ, và xử lý dữ liệu hiện đang có hạn chế về chất lượng và độ tin cậy. Việc xây dựng và duy trì hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết cho AI cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính cũng như kỹ thuật.

Kỷ nguyên của AI

Kỷ nguyên của AI

Trò chuyện với AI

Trò chuyện với AI

Bàn tròn AI: Đón nhận và thích nghi với thời đại công nghệ mới

Bàn tròn AI: Đón nhận và thích nghi với thời đại công nghệ mới