Mỹ cảnh báo các nước về dự án đầu tư của Trung Quốc
Thành Đạt -
20/10/2018 08:56 (GMT+7)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo Panama và các nước trong khu vực về những nguy hiểm tiềm tàng khi chấp thuận các khoản đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang rót vốn vào hàng loạt dự án trên khắp thế giới.
“Khi Trung Quốc tới mời gọi, không phải lúc nào cũng là tốt cho người dân của đất nước các bạn đâu”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với các phóng viên hôm 19/10 tại Mexico City sau cuộc gặp với Tổng thống Panama Juan Carlos Varela.
Phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Cơ quan Đầu tư tư nhân Nước ngoài Mỹ (OPIC) Ray Washburne xác nhận cơ quan này sẽ rót vốn vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Panama. Đây được xem là động thái cạnh tranh của Washington với Bắc Kinh trong lĩnh vực này.
“Mỹ hoan nghênh việc đầu tư thực tế, hợp pháp và điều này phải diễn ra minh bạch cũng như phù hợp với quy định của pháp luật”, ông Pompeo nói trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới khu vực Mỹ Latin.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ phản đối việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thực hiện các dự án theo cách “không minh bạch, không theo định hướng thị trường và không được xây dựng để mang lại lợi ích cho người dân Panama, mà chỉ mang lại lợi ích cho chính phủ Trung Quốc”.
Ông Pompeo đưa ra cảnh báo với Panama và các nước trong khu vực không lâu sau khi Trung Quốc kỷ niệm 5 năm khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Gắn liền với vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình, Sáng kiến Vành đai và Con đường tập trung vào việc rót vốn của Trung Quốc vào các dự án phát triển trên khắp châu Á và các châu lục khác. Sáng kiến này ban đầu gồm một “vành đai” trên bộ hướng về phía tây, chạy từ Trung Á tới châu Âu, và một “con đường” trên biển chạy qua Đông Nam Á tới bờ biển phía đông châu Phi.
Sau khi triển khai, quy mô của BRI đã vượt xa khỏi hai kênh dự tính ban đầu. Trang web của BRI đã liệt kê 118 quốc gia ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc. Với dân số tương đương một thành phố nhỏ của Trung Quốc, Panama trở thành quốc gia Mỹ Latin đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI ngay sau khi Panama đồng ý cắt đứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Hiện chưa rõ Panama sẽ ghi nhận lời cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ về các khoản đầu tư từ Trung Quốc như thế nào, song giới chức Panama trước đó từng tỏ ra rất hào hứng về việc tham gia vào BRI.
“Là một nơi có tầm quan trọng chiến lược tại châu Mỹ, Panama hy vọng có thể trở thành một phần trọng yếu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường”, Đại sứ Panama tại Trung Quốc Francisco Carlo Escobar nói với Tân Hoa Xã.
Khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc
Ông Washburne hôm qua cho biết OPIC đang “cạnh tranh” với Trung Quốc để giành quyền đầu tư vào một cảng Thái Bình Dương ở Panama. OPIC đã rót gần 330 triệu USD vào các dự án ở Panama từ năm 2009, từ các dự án nhà máy năng lượng mặt trời cho tới xây dựng nhà ở. Trong năm tài khóa 2018, OPIC cam kết sẽ đầu tư tiếp 175 triệu USD vào các dự án ở Panama và El Salvador.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Panama tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Xinhua)
Theo SCMP, không giống mô hình đầu tư của Trung Quốc khi Bắc Kinh chủ yếu thực hiện thông qua các doanh nghiệp nhà nước và các chi nhánh, OPIC cung cấp tài chính và bảo hiểm rủi ro chính trị cho các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ để đấu thầu các dự án cơ sở hạ tầng và dự án phát triển ở nước ngoài.
“Mỹ khuyến khích các chính quyền địa phương, chẳng hạn ở Panama, sử dụng lao động địa phương cũng như cơ sở hạ tầng sẵn có tại địa phương để thực hiện các dự án. Chúng tôi xem xét các dự án qua lăng kính rằng “liệu chúng tôi có nhận lại được tiền đã cho vay không”? Chúng tôi không cho vay với mục đích siết nợ và tịch thu tài sản”, ông Washburne, người vừa có chuyến thăm tới Panama, cho biết.
Giới chỉ trích BRI cho rằng sáng kiến này sẽ buộc các nước nhận viện trợ của Trung Quốc phải gánh những khoản nợ lớn, đôi khi đẩy các chính phủ vào tình thế không có khả năng trả nợ và buộc phải nhượng lại quyền sử dụng các dự án cho Bắc Kinh. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thực hiện các dự án BRI ở nước ngoài cũng bị chỉ trích vì không sử dụng lao động địa phương mà đưa người Trung Quốc sang làm việc, cùng với đó là những lo ngại về nguy cơ hủy hoại môi trường và tham nhũng.
Hồi đầu năm nay, Trung tâm Phát triển Toàn cầu xác định có tới 8 quốc gia tiếp nhận dự án BRI đang đối mặt với nguy cơ nợ cao. Theo đó Trung Quốc được yêu cầu phải tuân thủ các tiêu chuẩn cho vay toàn cầu và cải thiện các quy định về nợ của nước này.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo vốn không ủng hộ các dự án viện trợ nước ngoài, từng có ý định dừng hoạt động của OPIC. Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng quy mô tài chính ra toàn cầu, OPIC đã được hồi sinh. Năm tới, OPIC dự kiến sẽ tăng gấp đôi nguồn tài chính của cơ quan này, từ 30 tỷ USD lên 60 tỷ USD.
Ngoài Panama, OPIC cũng đang đàm phán để ký kết biên bản ghi nhớ chung với Ấn Độ nhằm đưa Ấn Độ vào khuôn khổ đối tác phát triển chung với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Sáng kiến này tập trung vào các dự án phát triển chung giữa các đồng minh nhằm kiềm tỏa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone