Sếp ngân hàng: Ấn tượng với nhiều gương mặt tuổi Tuất

Kình Dương - 15/02/2018 17:10 (GMT+7)

(VNF) – Nhiều gương mặt ấn tượng tuổi Tuất làm lãnh đạo ngân hàng có thể kể đến như ông Hồ Hùng Anh, bà Thái Hương, ông Lê Đức Thọ, ông Trần Anh Tuấn, ông Nguyễn Đức Vinh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Hữu Đặng…

VNF
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (trái), ông Hồ Hùng Anh (giữa) và bà Thái Hương (phải) là 3 trong số nhiều gương mặt sếp ngân hàng tuổi Tuất ấn tượng

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank

Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại Đại học Bách khoa Kiev Liên Bang Nga.

Trước khi gia nhập Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ông Hồ Hùng Anh có nhiều kinh nghiệm quản trị, điều hành tại các tổ chức/công ty tài chính, thương mại lớn trong nước và nước ngoài như: Công ty TNHH Quốc Tế Sammex; Công ty Cổ phần Tập Đoàn Ma San.

Ông Hồ Hùng Anh gia nhập Techcombank từ tháng 3/2004 đến nay. Từ tháng 8/2008, ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Techcombank. Vị doanh nhân này đang nắm giữ trực tiếp gần 12 triệu cổ phiếu Techcombank, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,34%.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh

Năm 2017, Techcombank gây ấn tượng mạnh khi công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên đến 8.036 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016. Mức lợi nhuận này gần bằng VPBank (8.126 tỷ đồng) và áp sát BIDV (8.800 tỷ đồng).

Năm 2018, Techcombank đặt mục tiêu nợ xấu duy trì dưới 2%. Tổng tài sản dự kiến tăng 17% so với năm 2017, lên 315.184 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 40% lên 246.318 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 18% và không vượt quá mức tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, lên 213.582 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.000 tỷ đồng, tăng 24%.

Cũng trong năm nay, Techcombank trình cổ đông kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Cùng với đó, ngân hàng này dự kiến bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài với khối lượng tối đa gần 158,4 triệu cổ phần.

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacABank

Bà Thái Hương sinh năm 1958 tại Nghệ An, từng là cán bộ Ban vật giá tài chính Hải Phòng từ năm 1982 đến 1985. Sau đó bà làm cán bộ kế toán tại Công ty Vật liệu xây dựng chất đốt Nghệ An. Đến năm 1989, bà làm Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hương Hà.

Nữ doanh nhân Thái Hương đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) từ năm 1994 đến nay.

Tổng giám đốc BacABank Thái Hương

Phát biểu tại phiên chào sàn UPCoM của BacABank tháng 12/2017, bà Thái Hương cho biết sẽ rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó. Bà Hương chia sẻ rằng đã hoàn thành sứ mệnh tại TH True Milk và đã đến lúc nhường lại cho lớp trẻ tiếp tục sứ mệnh mang lại một sản phẩm sạch, vì con người.

Động thái này của bà Thái Hương là nhằm đáp ứng quy định cấm lãnh đạo ngân hàng kiêm nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Luỹ kế cả năm 2017, BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 731 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2016.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank

Ông Lê Đức Thọ, sinh năm 1970 tại Phú Thọ, ông gắn bó với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) từ tháng 11/1991 với vị trí cán bộ Phòng Kế toán VietinBank chi nhánh Vĩnh Phú.

Từ năm 1993, ông chuyển sang công tác tại Phòng Thông tin điện toán, sau đó là phòng Tín dụng. Đến năm 1996, ông trở thành Tổ trưởng Tổ thẩm định thuộc Phòng kinh doanh VietinBank Vĩnh Phú rồi đảm nhiệm chức Phó Trưởng phòng năm 1997 khi chi nhánh này đổi tên thành chi nhánh Phú Thọ.

Từ tháng 5/2002, ông chuyển lên Hội sở chính làm cán bộ Phòng Tín dụng Trung dài hạn và Quản lý dự án của VietinBank. Chỉ một năm sau, ông trở thành Phó Trưởng phòng Cân đối tổng hợp VietinBank và sau đó là Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp và Đầu tư, rồi lên chức Trưởng phòng này năm 2006.

Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ

Từ năm 2010, ông trở thành Phó Tổng Giám đốc VietinBank rồi được cơ cấu chuyển sang làm Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước trong vòng 8 tháng, sau đó trở về giữ cương vị Tổng giám đốc VietinBank từ tháng 4/2014.

Năm 2017, VietinBank giữ ngôi á quân lợi nhuận ngân hàng với mức lãi trước thuế 9.206 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 1.800 tỷ đồng so với quán quân Vietcombank.

Ông Trần Anh Tuấn, phụ trách HĐQT BIDV

Ông Trần Anh Tuấn, sinh năm 1958, nguyên quán Quảng Ngãi, trình độ Thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Năm 1981, ông Tuấn bắt đầu làm việc tại BIDV, đến tháng 7/1989, ông Tuấn là Giám đốc BIDV Gia Lai – Kon Tum. Tháng 9/1999, ông giữ chức Phó Tổng GĐ BIDV, tháng 1/2009, ông Tuấn được bổ nhiệm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV

Từ 5/2012 đến nay, ông Tuấn giữ chức vụ Ủy viên HĐQT BIDV. Từ ngày 1/9/2016, ông Trần Anh Tuấn phụ trách HĐQT BIDV thay ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu.

Ông Trần Anh Tuấn hiện cũng sắp đến hạn nghỉ hưu.

Phụ trách HĐQT BIDV Trần Anh Tuấn

Báo cáo tài chính mới nhất của BIDV ghi nhận 8.801 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017, tăng 14,2% so với năm 2016. Đây là mức tăng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh hàng năm BIDV phải trích lập dự phòng với khoản tiền rất lớn để xử lý nợ xấu tồn đọng. Xét trong nhóm "Big 4", mức tăng lợi nhuận này thậm chí còn cao hơn "người anh em" VietinBank vốn chỉ tăng 8,9%; lợi nhuận cũng chỉ kém VietinBank khoảng 400 tỷ đồng.

Tổng tài sản của BIDV hiện lên đến trên 1,2 triệu tỷ đồng, cao nhất hệ thống ngân hàng, trong đó trên 1 triệu tỷ đồng là các khoản cho vay khách hàng và chứng khoán đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank

Ông Nguyễn Đức Vinh sinh năm 1958 tại Hưng Yên, được biết đến là nhà điều hành có thành tích, trình độ và kinh nghiệm bậc nhất trong giới ngân hàng.

Ông Vinh làm bộ đội Quân khu 2 từ năm 1982, sau đó chuyển sang làm cán bộ Vụ Quan hệ quốc tế tại Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam. Năm 1989, ông Vinh trở thành cán bộ Phòng Kinh tế đối ngoại của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và chỉ gần 3 năm đã giữ chức Phó ban kiêm Trưởng Phòng Thị trường Ban vận tải của Vietnam Airlines.

Từ năm 1996, ông giữ chức Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Từ năm 1999, ông rời Vietnam Airlines và về với Techcombank, giữ chức Phó Tổng giám đốc. Từ năm 2000 đến năm 2011, ông làm Tổng giám đốc Techcombank rồi Phó Chủ tịch Techcombank giai đoạn 2012 – 2016.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh

Ngay trong thời gian làm Phó Chủ tịch Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh đã chuyển sang làm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ năm 2012.

Những năm qua, VPBank gây ấn tượng cực mạnh về thành tích kinh doanh. Riêng năm 2017, lợi nhuận trước thuế của VPBank đã lên đến 8.100 tỷ đồng, áp sát "đàn anh" BIDV (8.800 tỷ đồng). Dấu ấn của ông Nguyễn Đức Vinh là rất lớn với chiến lược dồn trọng tâm vào cho vay tiêu dùng với "át chủ bài" FE Credit.

"Bộ đôi" HDBank

Nếu hỏi rằng ngân hàng nào có nhiều lãnh đạo tuổi Tuất nhất thì đó là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) với nòng cốt là "bộ đôi" Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Hữu Đặng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank. Bà Thảo đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động kinh tế tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Tài chính – Ngân hàng, tham gia điều hành một số ngân hàng ở nước ngoài, sáng lập và quản trị một số ngân hàng tại Việt Nam.

Bà là Tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Matcơva, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động Trường Kinh tế Quốc dân Matcơva, Ủy viên sáng lập Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên Bang Nga.

Phó Chủ tịch thường trực HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo

Ông Nguyễn Hữu Đặng sinh năm 1970 tại Long An, hiện giữ cương vị Tổng giám đốc HDBank. Ông đã có hơn 10 năm gắn bó với HDBank. Ông từng giữ các vị trí: Cán bộ chuyên quản các Tổ chức Tín dụng ngoài quốc doanh, cán bộ tín dụng… Ông đã có thời gian công tác tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng Công Thương VietinBank.

Ngoài "bộ đôi" trên, lãnh đạo tuổi Tuất ở HDBank còn có Phó Tổng giám đốc Phạm Quốc Thanh (sinh năm 1970) và Trưởng Ban kiểm soát Đào Duy Tương (sinh năm 1970).

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.