Tiêu điểm

Tàu cứu nạn mới sẽ có sân bay trực thăng riêng, chịu được bão cấp 9

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đóng 2 tàu mới, hiện đại nhằm tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển. Những chiếc tàu này sẽ chịu sóng bão cấp 9, có sân bay trực thăng, có công nghệ phòng cháy chữa cháy cao… góp phần cứu sống nhiều ngư dân trên biển. Đây cũng là mục tiêu quan trọng khi tình hình tranh chấp trên khu vực biển đang diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là khu vực biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Tàu cứu nạn mới sẽ có sân bay trực thăng riêng, chịu được bão cấp 9

Các tàu tìm kiếm cứu nạn nhỏ, nên chỉ có thể chịu được sóng gió cấp 5, cấp 6

Trao đổi với VietnamFinance, Tổng giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VNMRCC) Nguyễn Anh Vũ cho biết, VNMRCC được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam lên tới hơn 3.260km, với diện tích mặt biển hơn 1 triệu km2 bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực hiện nhiệm vụ được giao trên phạm vi rộng lớn đối với một đơn vị nhỏ bé như trung tâm là rất khó khăn.

“Tàu cứu nạn lớn nhất chỉ chịu được sóng bão cấp 7”

Ông Nguyễn Anh Vũ cũng cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện chúng ta có khoảng 130.000 tàu cá, hàng nghìn tàu biển, tàu chở khách du lịch, chở khách từ bờ ra đảo, tàu biển quốc tế chạy qua, giàn khoan... Bên cạnh đó, là lượng tàu chạy sông pha biển tăng đột biến trong thời gian gần đây, vì thế, nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển ngày càng nặng nề.

Trong 21 năm qua, VNMRCC đã xử lý 2.615 vụ báo nạn (trung bình hàng năm, VNMRCC thu nhận và xử lý từ 300 - 500 thông tin báo nạn); hỗ trợ và cứu được 9.689 người, trong đó có 921 người nước ngoài; hỗ trợ và cứu được 921 tàu, trong đó có 74 tàu nước ngoài.

Năm 2016, VNMRCC cứu được 932 người. Năm 2017, VNMRCC đã cứu và hỗ trợ được gần 2.300 người bị nạn trên biển. Đến tháng 9/2008, VNMRCC đã cứu và hỗ trợ 1.500 người trên biển.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, việc TKCN trên biển còn gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất khá nghèn nàn: “Hiện trung tâm có 7 chiếc tàu cứu hộ, các tàu này đã sử dụng trên 16 năm và đa phần là các tàu nhỏ. Tàu lớn nhất là tàu SAR 411, cũng chỉ chịu được sóng gió cấp 7, tốc độ 26 hải lý/giờ. Vì thế, việc nâng cấp đóng tàu mới để tăng cường công tác TKCN trên biển là rất cấp thiết”, ông Vũ nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đóng 2 tàu cứu nạn mới, hiện đại, trong đó, các bộ thống nhất  sử dụng phí đảm bảo hàng hải vượt thu 860 tỉ đồng. Hiện các thủ tục, nguồn vốn đã có, Bộ GTVT đang yêu cầu Cục hàng hải sớm đấu thầu lựa chọn nhà thầu đóng tàu.

Theo ông Nguyễn Anh Vũ, những chiếc tàu mới này là mong mỏi rất lớn từ những người “bám biển” như cán bộ trung tâm TKCN và cả bà con ngư dân. Bởi có tàu lớn, hiện đại sẽ đi xa hơn, cứu được nhiều người hơn.

“Đây là những chiếc tàu lớn nhất từ trước đến nay được trang bị hiện đại nhằm tăng cường TKCN trên biển. Đặc biệt tàu có sân đỗ cho trực thăng riêng sẵn sàng cứu trợ trong những trường hợp khẩn cấp (bay đưa thẳng vào đất liền). Tàu có thể chịu được sóng, gió mùa lên đến cấp 8, cấp 9 (thay vì cấp 5-6 như hiện nay). Ngoài ra, tàu lớn nên sẽ cứu được nhiều người hơn, có thể hoạt động dài ngày trên biển mà không cần tiếp nhiên liệu (gần chục lần so với hiện tại), cùng đó, sẽ trang thiết bị cứu hoả trong trường hợp tàu dầu bị cháy… Để hoạt động, chiếc tàu có khoảng 27 cán bộ, nhưng hiệu quả sẽ rất lớn trong công tác TKCN.

Lấp những “khoảng trống” cứu nạn trên biển

Dù việc đang quản lý và thực hiện TKCN trên 3.260km biển, với diện tích mặt biển hơn 1 triệu km2 bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên, lực lượng, thiết bị của VNMRCC còn quá mỏng. Đặc biệt là các khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tại Phú Quốc, Kiên Giang.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, khu vực Phú Quốc – Kiên Giang có địa điểm khá trọng yếu, là hướng tuyến quan trọng với lượng tàu du lịch, quốc tế qua lại rất lớn, đặc biệt là việc đảm bảo chủ quyển giữa Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Việt Nam. Tuy nhiên, hiện trung tâm TKCN khu vực này lại đặt tại Vũng Tàu, nếu sự cố xảy ra, tàu cứu nạn phải đi tới vài trăm hải lý để cứu người, việc này là rất chậm trễ.

Ông Nguyễn Anh Vũ tâm sự, khu vực được Phú Quốc - Kiên Giang có hành khách tăng trưởng tới 35 % mỗi năm, lượng khách hiện tại khoảng 2 triệu lượt/năm và tới đây còn tăng mạnh. Bên cạnh đó, mới có thêm tuyến tàu du lịch Trần Đề đi Côn Đảo cũng có lượng khách đáng kể, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả khó lường vì Trung tâm TKCN 3 ở khá xa, khó cứu ứng kịp thời.

“Vì thế, VNMRCC đề nghị cho phép thành lập Trung tâm TKCN 5 đặt tại Phú Quốc để lấp những “khoảng trống” về TKCN khu vực này. Đây cũng là vấn đề cấp thiết đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm phê duyệt”, ông Vũ nói.

Tin mới lên