Tổng mức đầu tư tăng hơn 2.000 tỷ đồng
Dự án Công viên khoa học và công nghệ TP. HCM được xây dựng tại phường Phước Long (quận 9) với diện tích đất 197,2 ha. Mục tiêu của Dự án được xác định là trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, là nhân tố mới, đi đầu về thúc đẩy năng lượng khoa học và công nghệ nội sinh.
Phối cảnh Dự án Công viên khoa học và công nghệ TP.HCM.
Dự án có kinh phí đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 800 tỷ đồng, rà phá bom mìn gần 8 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư hơn 13 tỷ đồng… Phần kinh phí còn lại dành để đầu tư, xây dựng các công trình, hạng mục của Dự án.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM cho biết chủ đầu tư đang đề xuất những điều chỉnh lớn liên quan đến Dự án Công viên khoa học và công nghệ TP. HCM.
Cụ thể, đề xuất điều chỉnh từ dự án đầu tư nhóm B sang dự án đầu tư nhóm A. Đề xuất tăng tổng mức đầu tư của dự án hơn 2.000 tỷ đồng.
Lý giải về vấn đề này, ông Quốc cho biết theo kế hoạch ban đầu, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 800 tỷ đồng, sau đó có điều chỉnh lên hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiếp tục có sự thay đổi các quy định của pháp luật nên đến nay, số kinh phí này đã lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, do đó, tổng mức đầu tư của Dự án cũng tăng lên, bởi vậy phải có những sự điều chỉnh cho phù hợp.
“Kế hoạch cũ đã phá sản. Hiện nay chúng tôi đang gấp rút cho làm lại để có thể kịp trình tại kỳ họp bất thường của HĐND TP. HCM vào cuối tháng 9 này”, ông Quốc thông tin.
Điều chỉnh lĩnh vực thu hút đầu tư
Dự án Công viên khoa học và công nghệ TP. HCM ban đầu được xác định sẽ thu hút đầu tư 6 lĩnh vực gồm: công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vũ trụ cải thiện môi trường sống; năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học chuyên ngành y sinh, thiết bị y tế; cơ điện tử và tự động hóa; công nghệ cao, tích hợp từ các nghiên cứu cơ bản về khoa học thông tin, sinh học, công nghệ nano, công nghệ môi trường đời sống, y sinh, sức khỏe.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào Dự án Công viên khoa học và công nghệ TP. HCM đã có những sự điều chỉnh. Theo lý giải của chủ đầu tư, sự điều chỉnh này nhằm phù hợp với định hướng xây dựng Khu đô thị sáng tạo TP. HCM mà Khu công nghệ cao TP. HCM là một trong những hạt nhân.
Cần nói thêm, ý tưởng về Khu đô thị sáng tạo TP. HCM được hình thành và triển khai từ thời điểm cuối năm 2017. Theo đó, Khu đô thị sáng tạo sẽ bao phủ diện tích của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, quy mô khoảng 22.000 ha, với khoảng 1 triệu dân. Trong đó, quận 2 là trung tâm tài chính tương lai với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 9 sẽ phát triển khoa học công nghệ với trung tâm là Khu công nghệ cao TP. HCM, còn quận Thủ Đức là nơi tập trung nhiều trường đại học chất lượng cao mà hạt nhân là Đại học Quốc gia TP. HCM.
Trao đổi về vấn đề này, ông Quốc cho biết Khu công nghệ cao hiện có 93 ha dành cho các hoạt động nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp. Dự án Công viên khoa học và công nghệ TP. HCM được coi là khu công nghệ cao thứ 2, kết hợp với khu hiện hữu sẽ trở thành vườn ươm lớn, vừa là môi trường thu hút đầu tư, vừa là nơi thực thi, triển khai các kết quả nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm… Đây sẽ là nơi hội tụ và thực thi, tạo ra các sản phẩm hữu hình và vô hình cho Khu đô thị sáng tạo trong tương lai.
Do đó, theo ông Quốc, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào Dự án này cũng cần có sự điều chỉnh, không thể giống như trước đây. Nội hàm của công nghiệp 4.0 là công nghệ thông tin, nên các dự án thu hút đầu tư tới đây sẽ tập trung vào các lĩnh vực như IoT, các ứng dụng robot, in 3D, công nghệ blockchain…