Ngân hàng

[Top 10 DNNY] Vietcombank: 5 năm và dấu ấn 2 nhiệm kỳ

(VNF) – Nhìn lại 5 năm gần đây của Vietcombank với 2 nửa diện mạo gắn liền với dấu ấn 2 nhiệm kỳ chủ tịch.

[Top 10 DNNY] Vietcombank: 5 năm và dấu ấn 2 nhiệm kỳ

Hội sở chính ngân hàng Vietcombank

2 nửa diện mạo

Như thường kỳ 5 năm gần đây, cổ đông của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sắp tới sẽ nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Có chút kém vui khi năm nay, tỷ lệ chi trả cổ tức của Vietcombank chỉ là 8%, thấp nhất 5 năm.

Điểm lại, ba năm 2012, 2013, 2014, cổ đông của Vietcombank đều đặn nhận mức cổ tức bằng tiền 12%. Thậm chí, năm 2014, cổ đông ngân hàng này còn được thưởng thêm cổ phiếu với tỷ lệ 100:15, nghĩa là cứ 100 cổ phiếu VCB sẽ nhận được thêm 15 cổ phiếu.

Sang năm 2015, tỷ lệ cổ tức giảm xuống còn 10% và tiếp tục duy trì mức này trong năm 2016, tuy vậy, Vietcombank còn có thêm khoản thưởng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao 100:35, nghĩa là cứ 100 cổ phiếu VCB nhận thêm được 35 cổ phiếu mới.

Năm 2017 này, như đã đề cập, tỷ lệ chi trả cổ tức của Vietcombank chỉ 8%.

Phân tách ra, giai đoạn 2012 – 2014, tỷ lệ cổ tức của Vietcombank duy trì ổn định ở mức khá cao 12%, trong khi giai đoạn 2015 – nay, tỷ lệ này có xu hướng giảm. Đối chiếu với xu hướng biến động lợi nhuận của Vietcombank, có thể thấy thêm sự trái ngược.

Liên tục trong ba năm 2012, 2013, 2014, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank gần như đứng yên, lần lượt ở mức 4.421 tỷ đồng, 4.378 tỷ đồng và 4.585 tỷ đồng. Đến năm 2015, lợi nhuận của ngân hàng này bật tăng lên 5.332 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tới 21%. Năm 2016, mức tăng lợi nhuận còn lên đến 28,5% - cao nhất hệ thống ngân hàng – đạt 6.851 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2017, Vietcombank tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao 23,4%.

Nhưng không chỉ cổ tức hay lợi nhuận, diễn biến trái ngược giữa 2 giai đoạn 2012 – 2014 và giai đoạn 2015 – nay tại Vietcombank còn có thể thấy khi đi sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỷ lệ cổ tức tiền mặt của Vietcombank giảm dần dù lợi nhuận liên tục tăng mạnh

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2012 – 2014, thu nhập lãi (khoản thu nhập chính của ngân hàng, xuất phát từ hoạt động cốt lõi tín dụng – đầu tư) của Vietcombank giảm dần, từ 31.733 tỷ đồng năm 2012 xuống 28.298 tỷ đồng năm 2013 và tiếp tục giảm xuống 27.298 tỷ đồng trong năm 2014.

Trái ngược, giai đoạn 2015 – nay, thu nhập lãi của ngân hàng này liên tục tăng, từ 31.360 tỷ đồng năm 2015 lên 37.713 tỷ đồng năm 2016. Nửa đầu năm 2017, mức tăng là 23,2%.

Xét sâu hơn, tỷ lệ thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi (biên lãi gộp của hoạt động cốt lõi tín dụng – đầu tư) giai đoạn 2012 – 2014 liên tục tăng, tương ứng từ 34%, 38% và 42%. Trong khi đó, tỷ lệ này trong giai đoạn 2015 – nay không duy trì xu hướng trên mà đi ngang trong 3 năm liên tiếp, duy trì ở mức 49%.

Hay như tỷ lệ trích lập dự phòng. Giai đoạn 2012 – 2014, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của Vietcombank liên tục tăng từ 36% lên 38%, rồi tiếp tục tăng lên 44%. Giai đoạn 2015 – nay thì trái ngược khi tỷ lệ này giảm liên tục từ 47% của năm 2015 xuống còn 43% trong năm 2016 và xuống 36% nửa đầu năm 2017.

Nôm na, nếu "bổ đôi" giai đoạn 5 năm gần đây sẽ thấy được 2 nửa diện mạo khác nhau rõ rệt của Vietcombank, đến mức tạo ra sự tương phản. Sự tương phản này xuất phát từ một sự kiện quan trọng: thay tướng.

Ngày 1/11/2014, ông Nghiêm Xuân Thành chính thức được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Vietcombank thay ông Nguyễn Hòa Bình nghỉ hưu theo chế độ. Đồng nghĩa, giai đoạn 2012 – 2014, Vietcombank chịu sự quản lý cao nhất của cựu chủ tịch Nguyễn Hòa Bình, còn giai đoạn 2015 – nay là thuộc về chủ tịch đương nhiệm Nghiêm Xuân Thành.

Hẳn nhiều cổ đông của Vietcombank vẫn còn giữ "ký ức đẹp" về cuộc chuyển giao này. Ngay sau khi "thay tướng", cổ phiếu của Vietcombank từ chỗ chỉ giữ mặt bằng giá khoảng từ 15.000 – 20.000 đồng/cổ phiếu trong suốt giai đoạn 2012 – 2014 đã tăng vọt và tạo mặt bằng giá mới khoảng 30.000 – 40.000 đồng/cổ phiếu, nghĩa là gấp đôi giai đoạn trước.

Đây cũng là một dữ kiện khác cho thấy sự tương phản giữa 2 nhiệm kỳ chủ tịch.

Diễn biến cổ phiếu VCB của Vietcombank trong 5 năm gần đây

Dấu ấn 2 nhiệm kỳ

Giai đoạn 2012 – 2014 có thể coi là 3 năm không dễ dàng với các ngân hàng khi đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng lần 1 bước vào thời kỳ quyết liệt nhất. Vietcombank cũng không nằm ngoài bối cảnh ấy.

Hy sinh tăng trưởng lợi nhuận là lựa chọn "dũng cảm" của cựu chủ tịch Vietcombank Nguyễn Hòa Bình trong 3 năm này.

"Đi chậm lại" và tiến hành tái cơ cấu hoạt động cốt lõi tín dụng – đầu tư khiến thu nhập lãi của Vietcombank liên tục giảm trong 3 năm, tăng trưởng lợi nhuận theo đó cũng bị ảnh hưởng. Nhưng thành quả là tỷ lệ thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi (biên lợi nhuận gộp) của ngân hàng này liên tục tăng.

Với nợ xấu, ngoài việc chấp nhận ghi tăng tỷ lệ nợ xấu nội bảng liên tục trong giai đoạn 2012 - 2014, Vietcombank cũng đồng thời tăng tỷ lệ trích lập dự phòng. Như đã đề cập phía trên, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của Vietcombank đã tăng từ 36% năm 2012 lên 38% năm 2013, rồi tiếp tục tăng lên 44% năm 2014.

Lựa chọn "dũng cảm" của cựu chủ tịch Nguyễn Hòa Bình như "món quà" dành cho chủ tịch đương nhiệm Nghiêm Xuân Thành, là tiền đề cho sự bứt tốc mạnh mẽ của Vietcombank từ năm 2015 đến nay, cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều khác biệt trong diện mạo của Vietcombank giữa thời kỳ 2012 – 2014 và thời kỳ 2015 – nay.

Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận liên tục trên mức 20%, tỷ lệ nợ xấu thực tế thuộc hàng thấp nhất hệ thống, cơ cấu tài sản ít rủi ro, cơ cấu nguồn thu cân đối nhất trong "Big 4" ngân hàng, có lẽ không cần nói thêm nhiều về triển vọng phát triển của Vietcombank thời kỳ ông Nghiêm Xuân Thành làm chủ tịch.

Thế nhưng, vẫn còn đó vài dấu lặng.

Chủ tịch đương nhiệm Vietcombank Nghiêm Xuân Thành (trái) và cựu chủ tịch Nguyễn Hòa Bình (phải)

"Sẽ là trọn vẹn hơn nếu như năm 2016, Vietcombank thực hiện thành công phát hành cổ phiếu để tăng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài", ông Nghiêm Xuân Thành chia sẻ tại một hội nghị do Vietcombank tổ chức hồi đầu năm 2017.

Dù nỗ lực, thậm chí đã đi đến ký kết bán 7,73% cổ phần cho Quỹ đầu tư GIC của Singapore nhưng rốt cuộc, thương vụ bán vốn của Vietcombank đến nay vẫn bất thành, và cũng chưa có thêm tín hiệu chính thức nào cho thấy thương vụ này sẽ đi đến hồi kết.

Đối lập, năm 2012, Vietcombank thời kỳ cựu chủ tịch Nguyễn Hòa Bình chính thức ghi nhận phần vốn mới kỷ lục 567 triệu USD từ cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank, sau khi ngân hàng này hoàn tất bán 15% cổ phần cho đối tác Nhật.

Một dấu lặng khác ở Vietcombank thời kỳ chủ tịch Nghiêm Xuân Thành là vấn đề sở hữu chéo. Hồi tháng 7 vừa qua, trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thay mặt Thủ tướng nhắc Vietcombank phải "thực hiện nghiêm túc" về sở hữu chéo.

Cụ thể, trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBB, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB, thì đến thời điểm hiên tại, Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB, 8,19% Eximbank, 4,3% Saigonbank và 5,07% OCB.

Dù vấn đề sở hữu chéo là xuất phát từ thời cựu chủ tịch Nguyễn Hòa Bình, nhưng Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, nghĩa là nằm trong thời kỳ ông Nghiêm Xuân Thành làm chủ tịch.

Dấu lặng, nhưng cũng là cơ hội. Vietcombank sẽ có thể thu về khoản lợi nhuận đột biến không nhỏ nếu hoàn tất bán vốn tại các ngân hàng sở hữu chéo trên. Còn với thương vụ bán vốn cho đối tác ngoại, nếu thành công sẽ là cú hích lớn về tiềm lực tài chính cũng như là khởi nguồn để cổ phiếu VCB đón làn sóng tăng giá mới.

Tin mới lên