Việc giảm lãi suất ngân hàng đang tạo áp lực cho các ngân hàng vừa và nhỏ

Cao Huyền - 16/01/2018 16:17 (GMT+7)

(VNF) - Đó là nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu trong khuôn khổ thảo luận của "Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2017" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hôm nay (16/1).

VNF
TS Nguyễn Trí Hiếu

Trong báo cáo tháng 12 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tín dụng Việt Nam cuối năm 2017 đã ở mức khoảng 135% GDP, cao hơn các quốc gia có trình độ phát triển tương đương; tăng trưởng tín dụng đạt mức 16,96% so với cùng kỳ.

Đánh giá về những con số thống kê này, ông Hiếu bày tỏ: "Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ ban ngành cần có sự minh bạch hơn trước khi đưa ra những con số. Trên thực tế có khá nhiều ngân hàng được đánh giá cao về sự triển vọng thế nhưng lại chưa có số liệu công bố cụ thể. Vì thế cũng không nên quá lạc quan vào chiến thắng này".

Năm 2017 được các chuyên gia đánh giá là năm mà ngành ngân hàng có nhiều điểm sáng như tăng trưởng tín dụng, giảm nợ xấu thế nhưng đây cũng chính là thời điểm mà ngành ngân hàng phải chuẩn hóa lại tư duy của mình. Giữa năm 2017 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định số 1424/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/7/2017 về việc giảm 0,25% đối với lãi suất điều hành và 0,5% đối với lãi suất cho vay trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế. Tuy nhiên việc giảm lãi suất ở các ngân hàng vẫn chưa có nhiều thay đổi mạnh mẽ.

Cũng theo TS Hiếu, hiện nay các ngân hàng đang cố gắng thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giảm lãi suất. Thế nhưng ở thời điểm cuối năm, việc hạ lãi suất khó có thể thực hiện ngay được, nhất là ở thời điểm trước Tết vấn đề thanh khoản còn khó khăn bởi nhu cầu rút tiền mua sắm, chi thưởng cho dịp Tết ở các cá nhân, doanh nghiệp khá cao.

Để có thể hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng buộc phải hạ lãi suất đầu vào, thế nhưng trên thực tế có những ngân hàng biên độ lợi nhuận chỉ dao động ở mức 2%, điều này xảy ra khá nhiều ở các ngân hàng vừa và nhỏ. Nếu như tiến hành giảm lãi suất, các ngân hàng này sẽ gặp vấn đề trong việc mở rộng tiếp cận khách hàng và dần mất khách.

Chính vì thế, vấn đề được đặt ra đó là làm thế nào để các ngân hàng có thể giảm lãi suất một cách hiệu quả nhất?

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trước hết Ngân hàng Nhà nước cần bơm thanh khoản vào các ngân hàng vừa và nhỏ để khắc phục khó khăn về nguồn vốn cho các ngân hàng này. Bên cạnh đó cần giảm lãi suất điều hành xuống 0,5%, tương tự điều chỉnh lạm phát xuống 3%. Đồng thời, lãi suất của trái phiếu chính phủ cũng phải hạ xuống bởi lãi suất ngân hàng thông thường phải cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ, do tính rủi ro của ngân hàng cao hơn. Vì thế, nếu Chính phủ không giảm lãi suất trái phiếu xuống thì các ngân hàng cũng gặp trở ngại trong việc giảm lãi suất.

"Việc giảm lãi suất ngân hàng là cách để giúp đỡ các doanh nghiệp. Vì thế nếu không có phương án hiệu quả để giảm lãi suất thì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để phát triển". TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.