10 sự kiện nổi bật trong năm 2021 của thành phố Hà Nội

Anh Hùng - 31/12/2021 16:08 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2021 tiếp tục chứng kiến một năm Hà Nội phải chống chọi với Covid-19. Song song với đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã diễn ra nhiều hoạt động sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị quan trọng. VietnamFinance xin điểm lại 10 sự kiện đáng chú ý trong năm qua.

VNF

Công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử

Ngày 22/3, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3 và H1-4 tỷ lệ 1/2.000 thuộc khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội và thuộc địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Theo quy hoạch, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ diện tích hơn 2.700ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, có ký hiệu là: H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000. Dự kiến, dân số quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 là 672.000 người.

Về tính chất và chức năng, khu phố cổ thuộc quy hoạch phân khu H1-1A là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hoá, với các chức năng chủ yếu như thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Khu vực Hồ Gươm và phụ cận thuộc quy hoạch phân khu H1-1B là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, với các chức năng chủ yếu như trung tâm văn hoá hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tịch lịch sử - văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng.

Khu phố cũ thuộc quy hoạch phân khu H1-1C và một phần các quy hoạch H1-2, H1-3 và H1-4 mang tính chất khu đô thị cũ có nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hoá, kiến trúc, với các chức năng chủ yếu như di tích lịch sử - văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hoá, y tế và các chức năng công cộng khác.

Đối với khu vực hạn chế phát triển thuộc phần còn lại các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4, là khu vực cải tạo và hạn chế phát triển xây dựng nhà ở cao tầng, với các chức năng như nhà ở, cơ quan, di sản, di tích, du lịch, dịch vụ thương mại, tiện ích đô thị...

Ông Đinh Tiến Dũng giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội

Ngày 3/4, tại hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ bí thư Thành ủy Hà Nội cho ông Đinh Tiến Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, giữ chức bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng tin tưởng tân Bí thư Hà Nội với "bản lĩnh chính trị, năng lực, trí tuệ và bề dày kinh nghiệm công tác", sẽ tiếp tục kế thừa những thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo đi trước, cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố lãnh đạo thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII và nghị quyết Đại hội XIII; xây dựng Hà Nội năng động, đổi mới, sáng tạo.

Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng sinh ngày 10/5/1961 tại xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, đại biểu Quốc hội khoá XIV. Ông có bằng thạc sĩ, trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Trước tháng 4/1987, ông Dũng là cán bộ Phòng Tài vụ của Tổng công ty Xây dựng Sông Đà thuộc Bộ Xây dựng. Từ tháng 5/1987 tới tháng 4/1988, ông là phó kế toán trưởng Công ty Xây dựng Thủy công thuộc Tổng công ty xây dựng Sông Đà.

1 năm sau đó ông giữ chức vụ phó kế toán trưởng Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty xây dựng Sông Đà, Bộ Xây dựng. Từ tháng 6/1989 tới tháng 11/1991, ông làm kế toán trưởng Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty xây dựng Sông Đà.

Ông giữ chức vụ kế toán trưởng Công ty Xây dựng Sông Đà 1 thuộc Tổng công ty Sông Đà trong khoảng gần 3 năm từ tháng 12/1991 tới tháng 3/1993.

Tiếp đó, ông được đề bạt vị trí kế toán trưởng, Đảng uỷ viên của Tổng Công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) thuộc Bộ Xây dựng cho tới tháng 10/1997.

Từ tháng 10/1997 tới tháng 5/2003, ông được bổ nhiệm vị trí vụ trưởng Vụ Kinh tế Tài chính thuộc Bộ Xây dựng. Ông là ủy viên Ban cán sự Đảng, thứ trưởng Bộ Xây dựng cho tới tháng 5/2008.

Từ tháng 6/2008 tới tháng 10/2010, ông giữ chức vụ phó bí thư tỉnh ủy, bí thư Ban Cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

Sau đó, ông làm bí thư tỉnh ủy Ninh Bình trong vòng gần 1 năm từ tháng 10/2010 tới tháng 7/2011. Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ tháng 8/2011 tới tháng 5/2013, ông là bí thư Ban Cán sự Đảng, bí thư Đảng uỷ, tổng Kiểm toán Nhà nước.

Từ tháng 5/2013, ông là bí thư Ban Cán sự Đảng, bộ trưởng Bộ Tài chính. Tại đại hội Đảng toàn quốc năm 2016, ông tái đắc cử ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa diễn ra tháng 1/2021, ông tiếp tục được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngoài ra, ông còn được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị.

Khởi công và đưa vào sử dụng một số dự án trọng điểm

Đầu năm 2021, Hà Nội đã tổ chức khởi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Công trình có thiết kế với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1, gồm 4 làn xe lưu thông, có tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng.

Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN11823-2017, chịu được động đất cấp 8. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương 4 làn xe.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố, nhằm mục tiêu hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố.

Cùng với việc khởi công, cũng trong tháng 1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khánh thành và gắn biển công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Dự án xây dựng trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên nhằm giúp các phương tiện giao thông ra, vào nút giao được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông trong khu vực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường vành đai 3, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và đường Cổ Linh (quận Long Biên). Công trình có tổng vốn đầu tư 402 tỷ đồng.

Trước đó, khi nút giao thông này chưa được hoàn thành theo quy hoạch, hoạt động giao thông tại khu vực gặp khó khăn, bất cập, phải đi vòng nhiều đoạn đường mới ra-vào được cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đồng thời gây nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên vào các giờ cao điểm hoặc các dịp lễ, tết.

Tổ chức bầu cử đại biểu HĐND khóa XVI và đại biểu Quốc hội khóa XV

Bắt đầu từ 7h ngày 23/5, việc tổ chức lễ khai mạc bầu cử đại biểu HĐND thành phố khóa XVI đã được tiến hành tại tất cả 4.825 khu vực bỏ phiếu. Toàn thành phố có 5.442.037 cử tri.

Sau khi khai mạc bầu cử, các khu vực bỏ phiếu tiến hành liên tục, tỷ lệ cử tri đi bầu cử toàn thành phố là 99,16%.

Đến 27/5, Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị để thông qua kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.

Kết quả bầu cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, Ủy ban Bầu cử cho biết có 95 người đã trúng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố đánh giá cao vai trò tham mưu của các cơ quan thường trực Ủy ban Bầu cử thành phố, vai trò hiệp thương dân chủ của MTTQ đã góp phần cùng thành phố triển khai thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Dừng triển khai hàng loạt dự án BT của các doanh nghiệp lớn

Giữa năm 2021, Hà Nội đã quyết định dừng hàng loạt dự án BT trên địa bàn, trong số đó có nhiều dự án của các doanh nghiệp lớn.

Trong danh mục các dự án dừng triển khai, dừng thực hiện nói trên, có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng gồm: dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển quy mô 7,5 km do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) - Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú CIC - Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú số 1 - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ - Công ty TNHH An Quý Hưng thực hiện.

Tiếp đó là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với quy mô 23,1km do liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) - Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty Cổ phần Đại An thực hiện.

Danh sách cũng có 11 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi gồm: dự án vành đai 3,5 - xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long do Công ty Cổ phần Him Lam thực hiện; dự án đường 70 đoạn từ Nhổn đến đại lộ Thăng Long - Hà Đông do Công ty Cổ phần Bất động sản Thái An thực hiện; dự án vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32 do liên danh Công ty Gia Long - Công ty Xuất nhập khẩu Thăng Long thực hiện...

Ngoài ra, có 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: dự án xây dựng vành đai 2,5 đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội Geleximco thực hiện; dự án vành đai 2,5 đoạn từ Trung Kính đến cuối đường Trần Duy Hưng do liên danh Công ty Cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Mekong E&C - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Đại Việt thực hiện;

Dự án vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do liên danh Công ty Cổ phần Eurowindow Hoding - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Đông Dương - Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thế Vinh thực hiện...

Trong số các "đại gia" có dự án bị dừng, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T có ba dự án, gồm: dự án vành đai 3,5 đoạn cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 5 kéo dài; dự án Vành đai 4 đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ 32 và đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cuối cùng là xây dựng tuyến đường từ Thành cổ Sơn Tây tới phía Bắc Đền Và.

Tập đoàn Ecopark (Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Việt Hưng) cũng có 4 dự án gồm: dự án xây ba tuyến đường Đa Tốn (trên đường Hà Nội - Hải Phòng), đường nối khu đô thị với đường 179, đường 179 từ Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải; dự án xây cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu; dự án cải tạo sông Đáy; dự án hạ ngầm đường cao thế đoạn Chèm - Tây Hồ.

Các "đại gia" khác cũng góp mặt như: Bitexco với dự án đường 70 đoạn từ Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đường nối Quốc lộ 1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ); CEO Group với dự án khu trung tâm chính trị - hành chính, khu liên hợp văn hóa - thể thao huyện Quốc Oai; TASCO với dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp làm đường giao thông, cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang đô thị từ Liên Mạc đến cống Hà Đông; Tập đoàn Nam Cường với dự án xây dựng đường trục kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) với quy mô 20 km...

Đồng ý chủ trương xây dựng 'siêu dự án' Vành đai 4 theo hình thức PPP

Tháng 9/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thống nhất, biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện chủ trương trên theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội lưu ý đề xuất dự án phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô; quy hoạch vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch chuyên ngành có liên quan và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm hiện đại, đồng bộ toàn tuyến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt và lâu dài; có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.

Các quy trình, thủ tục đầu tư dự án phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong đó, lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần theo hình thức PPP phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.

Bên cạnh đó, phối hợp với Đảng đoàn HĐND thành phố cân đối, bố trí đủ nguồn vốn của thành phố đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030).

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về khai thác các quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế đặc thù khác nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thông qua kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Vào tháng 9, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Theo đó, từ nay đến hết quý II/2022, Hà Nội sẽ rà soát hiện trạng các chung cư đã được kiểm định và tổ chức kiểm định toàn bộ các nhà chung cư còn lại của 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp.

Đồng thời, Hà Nội sẽ tổ chức kiểm định 6 khu chung cư có tính khả thi cao như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam và Nghĩa Tân.

Theo kế hoạch, 10 khu chung cư cũ trên sẽ được lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trước quý IV/2022. Sau khi được phê duyệt, Hà Nội sẽ khởi công xây dựng lại các khu chung cư này trong giai đoạn từ năm 2021-2025.

Theo UBND thành phố Hà Nội, thống kê đến năm 2020, địa bàn có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó, có 34 khu có diện tích đất từ 2 ha trở lên và 42 khu có diện tích đất dưới 2 ha) và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954 (hiện nay, đang tiếp tục công tác rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung thêm khoảng 200 - 300 nhà).

Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động

Ngày 6/11, Bộ Giao thông Vận tải chính thức tổ chức lễ bàn giao đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cho UBND TP. Hà Nội. Đây là sự kiện mà người dân Hà Nội chờ đợi suốt từ nhiều năm nay.

Ngay sau lễ bàn giao, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng đã đón những hành khách đầu tiên. Theo lịch trình, đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

Dọc tuyến có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất có 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Giá vé tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.

Đối với giá vé ngày là 30.000 đồng/người, không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày. Giá vé tháng sẽ có các mức 200.000 đồng/người (dành cho hành khách phổ thông); 100.000 đồng/người (dành cho đối tượng là cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp).

Trong khi đó, người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hà Nội sẽ miễn tiền vé cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi và nhân khẩu thuộc hộ nghèo.

Ông Nguyễn Thế Hùng cùng loạt lãnh đạo TP. Hà Nội bị kỷ luật

Tại kỳ thứ năm từ ngày 2-4/8/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ban cán sự Đảng UBND thành phố, Đảng uỷ Cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2019 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo.

Từ đó, UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên đã vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, về đấu thầu và thực hiện các gói thầu, nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của các tập thể, cá nhân nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền thành phố.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Đảng uỷ Cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các ông Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn An Huy; khiển trách các ông Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Minh Hải.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Nguyễn Văn Tứ.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ban cán sự Đảng UBND thành phố; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm, khuyết điểm có liên quan theo đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu UBKT Thành ủy Hà Nội tiến hành kiểm tra, xem xét, xử lý các tổ chức đảng và các cá nhân có liên quan theo thẩm quyền tại: Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra, Văn phòng UBND Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Công ty Thoát nước Hà Nội.

Mỹ thuê đất xây đại sứ quán mới 1,2 tỷ USD tại Hà Nội

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris từ ngày 24-26/8/2021, chiều 25/8, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Christopher Klein và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường đã ký Thỏa thuận về địa điểm mới của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận này.

Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ mới dự kiến có tổng ngân sách 1,2 tỷ USD, quy mô 39.000m2 trên khu đất có tổng diện tích 3,2 hecta, nằm tại quận Cầu Giấy, Hà Nội

Thiết kế tòa nhà được lấy cảm hứng từ vịnh Hạ Long. Theo Đại sứ quán Mỹ, kiến trúc này sẽ thể hiện “cách tiếp cận hướng về tương lai, năng động, thích ứng và minh bạch trong chính sách ngoại giao của Mỹ”.

Trong khi đó, thiết kế cảnh quan của khu phức hợp trên được lấy cảm hứng từ truyền thống nông nghiệp trồng trọt và sản xuất lúa gạo, như địa hình của đồng bằng sông Mekong và đồng bằng sông Hồng.

Các chuyên gia từ Vụ Điều hành các trụ sở ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm giám sát việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, di chuyển và quản lý cơ sở đối với đại sứ quán. Thiết kế của đại sứ quán sẽ trở thành một biểu tượng vững chắc của mối quan hệ quan trọng giữa Mỹ và Việt Nam.

Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Chính phủ Việt Nam đã cam kết dành cho Mỹ một địa điểm xây khu phức hợp đại sứ quán tại Hà Nội. Đến năm 2019, hai bên đạt được thoả thuận về địa điểm hiện tại cho trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.