Từ 1/1/2018, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu đường trong các nước ASEAN sẽ giảm về 0%. Nhiều doanh nghiệp mía đường Việt Nam đang lo lắng vì nguy cơ không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan, Indonesia…
Tồn kho 300.000 tấn đường
Giá nguyên liệu mía đường năm nay giảm mạnh. Tại tỉnh Hậu Giang, từ cuối tháng 11/2017, người trồng mía bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng do giá đường trên thị trường giảm nên giá mía giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 850 - 1.000 đồng/kg.
Giá nguyên liệu rẻ nhưng các nhà máy đường vẫn lo lắng. Sản phẩm đường nằm trong danh mục hưởng ưu đãi thuế, nhưng khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ được dỡ bỏ, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN chỉ còn 0%, doanh nghiệp mía đường Việt có nguy cơ bị thua trên sân nhà.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) dự báo, từ năm 2018, không ít nhà máy đường tại Việt Nam có nguy cơ sẽ phải đóng cửa vì không cạnh tranh được.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến năm 2025, có thể chỉ còn 15 nhà máy mía đường, thay vì 40 nhà máy đang hoạt động như hiện nay.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, hiện nay, cả nước có 2/3 nhà máy mía đường có công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày, các nhà máy này có nguy cơ không đảm bảo công suất, có thể phải đóng cửa sau khi ATIGA có hiệu lực. Thực tế, có 2 nhà máy trong số này chính thức ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, không sở hữu vùng nguyên liệu riêng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, ngành mía đường Việt Nam tồn tại nhiều yếu kém, hạn chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ rõ, giống mía cho năng suất và chất lượng thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, quy mô và trình độ từ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn thiện, việc đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường và khâu phân phối sản phẩm còn yếu.
Trong khi đó, ngay khi bước vào niên vụ 2017 - 2018, ngành mía đường đã gặp nhiều khó khăn do diễn biến thất thường của thời tiết, khí hậu, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nguyên liệu mía đường, sản lượng mía cũng sụt giảm đáng kể. Trên thị trường, giá đường liên tục giảm, tình trạng buôn lậu đường tiếp diễn phức tạp...
Giáo sư Võ Tòng Xuân từng phân tích, giá thành một tấn mía của Brazil chỉ 16 USD, Thái Lan là 30 USD, trong khi của Việt Nam lên đến 50 USD và chưa có đủ công nghệ chế biến tinh luyện, thu hoạch bằng máy móc hiện đại, tự động... Những hạn chế này khiến đường trong nước luôn có giá cao so với các nước, khó cạnh tranh.
Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, hiện còn 300.000 tấn đường tồn kho.
Theo báo cáo tài chính niên độ 1/7/2016 - 30/6/2017 của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS), thời điểm cuối niên độ, Công ty có giá trị hàng tồn kho 428 tỷ đồng. Cùng thời điểm, SBT có giá trị hàng tồn kho 1.956 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp khác trong tình cảnh tương tự.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp mía đường có diễn biến giảm mạnh trong thời gian qua, ngoài LSS, SBT còn có KTS của Công ty cổ phần Đường Kon Tum, SLS của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, QNS của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi...
Thay đổi để tồn tại
Thay đổi để tồn tại, đó là vấn đề chính các doanh nghiệp mía đường cần phải làm trong năm 2018. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TTC Group Đặng Văn Thành, để cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ từ năm 2018, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư cho công nghệ, hiện đại hóa quá trình sản xuất để giảm nhân công, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Chọn hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh là việc các doanh nghiệp mía đường cần làm", Chủ tịch TTC Group nhấn mạnh.
Trong viễn cảnh khó khăn của thị trường, diễn biến bất ngờ là Vinamilk lại "nhảy" vào kinh doanh mía đường khi quyết định đầu tư sở hữu 65% cổ phần của Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa và ra mắt Công ty cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar).
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.