Bất động sản

3 đại gia ngành cảng muốn đầu tư 6.000 tỷ xây dựng trung tâm logistics tại Thanh Hóa

(VNF) - 3 doanh nghiệp lớn gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Tài sản Á Châu (ASHICO), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - Công ty CP dịch vụ biển Tân cảng (SNP-TCO) và Công ty CP Hàng Hải tân cảng miền Bắc (TCM) đề xuất đầu tư trung tâm Logistics Bắc Trung Bộ và hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tại Khu kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.

3 đại gia ngành cảng muốn đầu tư 6.000 tỷ xây dựng trung tâm logistics tại Thanh Hóa

Cảng Nghi Sơn - Thanh Hóa.

Ngày 8/1, đại diện lãnh đạo của ASHICO và các doanh nghiệp đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề xuất mong muốn nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa đối với dự án đầu tư Trung tâm Logistics Bắc Trung Bộ và hạ tầng KCN số 6 tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Dự án bao gồm các hạng mục chính, là: Đầu tư xây dựng Trung tâm logistic Bắc Trung Bộ, kinh doanh hạ tầng KCN và cảng Containe 50.000 DWT. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp đạt 1.000 tỷ đồng, chiếm 16,67%, vốn vay ước 5.000 tỷ đồng, chiếm 83,73%.

Công ty ASHICO và các đối tác mong muốn được triển khai thực hiện dự án trên diện tích đất khoảng 395 ha trên địa bàn các xã, phường Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Yến( Thị xã Nghi Sơn). Trong đó, 370 ha đất KCN số 6 và 25 ha đất thuộc quy hoạch cảng biển.

Đại diện lãnh đạo công ty ASHICO và các doanh nghiệp làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo kế hoạch, dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến hết năm 2024, dự kiến triển khai trên diện tích 200 ha bao gồm các thủ tục đăng ký, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng cạn ICD, hệ thống kho bãi, triển khai các dịch vụ logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu… Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến hết năm 2028.

Mục tiêu của dự án là xây dựng trung tâm logistics cho khu vực Bắc Trung bộ, phục vụ nhu cầu Logistics cho Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá cũng như các khu vực lân cận, xây dựng cảng nước sâu để đón tàu 50.000 DWT và cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics chủ yếu theo quy định tại Nghị định số 140/2007/NĐ-CP của Chính phủ...

Dự kiến khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết sẽ đồng hành và hỗ trợ tối đa để nhà đầu tư triển khai dự án. 

Bên cạnh những chính sách khuyến khích, hỗ trợ về thu hút đầu tư được Chính phủ quy định, tỉnh Thanh Hoá sẽ tham vấn đề xuất của các sở, ngành, đơn vị liên quan để đưa ra cơ chế, mức hỗ trợ khuyễn khích riêng, phù hợp nhất.

Được biết, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó Thanh Hóa được xác định là một trong những cực tăng trưởng của Việt Nam và tứ giác phát triển của khu vực phía Bắc.

Tin mới lên