4 ngành kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Việt Nam

Bích Thủy - 10/08/2020 17:13 (GMT+7)

(VNF) - Số liệu từ cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, đứng đầu về số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là ngành kinh doanh Bất động sản; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Giáo dục và đào tạo. 

VNF
4 ngành kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Việt Nam

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là ngành kinh doanh Bất động sản (927 doanh nghiệp, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (265 doanh nghiệp, tăng 69,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.040 doanh nghiệp, tăng 71,4%); Giáo dục và đào tạo (612 doanh nghiệp, tăng 64,1%).

Trong 7 tháng đầu năm, có tới 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt đáng chú ý là các ngành: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 40,3%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 29,0%); Kinh doanh bất động sản (giảm 23,9%) và Giáo dục và đào tạo (giảm 15,4%). Đây là những ngành được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi diễn biến dịch bệnh trong giai đoạn này.

Số liệu thống kê cũng chỉ ra, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 41,5%), 21.802 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 12,2%), 8.937 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,5%). Trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

So sánh với số liệu 7 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 15,4%), có thể nhận thấy dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và là nguyên nhân chính gây ra sự nghịch chuyển theo chiều hướng xấu này.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 21.802 doanh nghiệp, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể của 7 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 có mức trung bình là tăng 3,8%. Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ (8.102 doanh nghiệp, chiếm 37,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.512 doanh nghiệp, chiếm 11,5%); Xây dựng (2.356 doanh nghiệp, chiếm 11,8%).

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng đầu năm 2020 là 8.937 doanh nghiệp, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 7 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động ngắn, cụ thể: Số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động từ 5 năm trở xuống là 6.116 doanh nghiệp (chiếm 68,4% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể); Số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động từ 5 đến 10 năm là 1.680 doanh nghiệp (chiếm 18,8%) và số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 1.141 doanh nghiệp (chiếm 12,8%).

8/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là Kinh doanh bất động sản; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 66,6%; 37,3% và 28,5%.

Cùng chuyên mục
Tin khác