5 năm giá vàng tăng hơn 55 triệu, lộ trình hướng đến 100 triệu/lượng
(VNF) - Chỉ chưa đầy 5 năm, giá vàng miếng SJC tăng hơn 55 triệu đồng/lượng, hiện vượt mốc 92 triệu đồng/lượng. Với nhu cầu cao còn nguồn cung khan hiếm, ngưỡng 100 triệu đồng của giá vàng miếng SJC được dự báo không còn xa, khi giá vàng thế giới vào nhịp tăng mới.
- Buổi sáng 'điên cuồng', đẩy giá vàng vượt 92 triệu/lượng 10/05/2024 12:13
Giá vàng miếng SJC tăng hơn 2,5 lần sau gần 5 năm
Với nhiều người, vàng là tài sản tích trữ an toàn trước những biến động kinh tế. Không những thế, kim loại quý này còn được coi là một kênh đầu tư sinh lời, bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian.
Sau giai đoạn ổn định từ 2014-2018, từ năm 2019 đến nay, giá vàng trong nước bước vào chu kỳ tăng dữ dội.
Đầu năm 2019, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mốc 36,58 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Đến cuối năm này, giá vàng miếng SJC đã vọt lên 42,6 triệu đồng/lượng, tức tăng tới 6,02 triệu đồng/lượng.
Tới năm 2020, giá vàng miếng SJC từ mức 42,75 triệu đồng/lượng vào đầu năm đã tiến tới mức 56,1 triệu đồng/lượng vào cuối năm, tức tăng 13,35 triệu đồng/lượng.
Năm 2021, giá vàng tiếp tục xu hướng tăng. Phiên đầu năm 2021, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 56,7 triệu đồng/lượng. Chốt phiên cuối năm này, giá vàng miếng SJC có giá 61,45 triệu đồng/lượng, tăng 4,75 triệu đồng/lượng.
Năm 2022, giá vàng miếng SJC cũng tăng tới 4,9 triệu đồng/lượng, lên mức 66,7 triệu đồng/lượng vào cuối năm. Đáng chú ý, vào đầu năm 2022, giá vàng miếng SJC lập đỉnh ở mốc 74,4 triệu đồng/lượng.
Sang năm 2023, giá vàng ổn định vào đầu năm. Nhưng mấy tháng cuối năm, giá vàng biến động dữ dội theo xu hướng tăng cao. Có những phiên tăng - giảm trong vùng 1-2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC vọt lên đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng vào ngày 27/12/2023, sau đó rớt còn 74,02 triệu đồng trong phiên giao dịch cuối năm 2023. Tính chung trong năm 2023, giá vàng miếng SJC tăng 6,9 triệu đồng/lượng chiều bán.
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng miếng liên tục tăng mạnh. Có nhiều phiên, vàng miếng SJC tăng giá nhanh bất chấp vàng thế giới giảm. Như phiên 3/1, vàng miếng SJC tăng 500 nghìn/lượng dù thế giới đảo chiều giảm.
Có những phiên, giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" không ngừng nghỉ, liên tục phá đỉnh lịch sử.
Đáng chú ý, những ngày đầu tháng 5, giá vàng sôi sục và liên tục lập đỉnh cao mới, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực tìm giải pháp tăng cung với 5 cuộc đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó, có 2 phiên có đơn vị trúng thầu với tổng số 6.800 lượng.
Bất chấp những động thái can thiệp thị trường của NHNN, giá vàng miếng SJC vẫn tăng điên cuồng. Đà tăng này khiến giá vàng miếng trong nước liên tục phá đỉnh qua từng ngày.
Vào ngày 9/5, giá vàng miếng SJC tăng tới 2 triệu đồng mỗi lượng, lên mức 87,2-89,5 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Đến ngày 10/5, giá vàng miếng SJC tăng dữ dội và miệt mài. Từ đầu đến cuối phiên, giá vàng miếng SJC tăng tới 2,9 triệu đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều, chạm mốc 92,4 triệu đồng/lượng (bán ra) - mức cao chưa từng có trong lịch sử.
Như vậy, qua 2 ngày, giá vàng SJC đã tăng tới gần 5 triệu đồng/lượng. Còn trong vòng 1 tuần qua,
giá vàng SJC tăng gần 7 triệu đồng/lượng, từ mốc 85,8 triệu đồng/lượng ngày 3/5 lên 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10/5.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng 18,38 triệu đồng/lượng.
Còn tính từ đầu năm 2019 đến nay, giá vàng miếng SJC tăng tới 55,82 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Như vậy, giá vàng trong hơn 4 năm qua tăng rất mạnh. Từ mức giá 36,58 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2019, giờ giá vàng miếng SJC đã vọt lên mức 92,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tức tăng hơn 2,5 lần. Những ai đầu tư vàng trong giai đoạn này thắng lớn.
Giá vàng SJC sắp tiến tới mốc 100 triệu đồng/lượng?
Với xu hướng tăng mạnh, mỗi ngày thêm 1-2 triệu đồng/lượng, sức cầu áp đảo cho thấy khả năng giá vàng miếng SJC lên ngưỡng 100 triệu đồng/lượng không còn là điều xa vời. Thậm chí, giá vàng còn cao hơn nữa nếu nguồn cung tiếp tục khan hiếm.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết, nguồn cung vàng SJC từ trước đến nay vẫn ít hơn cầu. Đây là lý do giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp kinh doanh vàng dự báo thế nào về giá vàng, có dám mua hay không? Nếu lượng cung không tăng, các doanh nghiệp vàng không muốn đấu thầu thì trong trường hợp giá vàng thế giới tăng lên 2.400-2.500 USD/ounce, giá vàng trong nước có khả năng tăng đến 100 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền (giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM), cho hay, giá vàng trong nước sẽ chạm đến mức giá 100 triệu đồng trong trường hợp giá vàng thế giới tăng cao.
Phiên cuối tuần 10/5, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng thêm khoảng 50 USD, lên 2.359,7 USD/ounce. Dự báo, vào cuối năm nay, giá vàng thế giới có thể lên ngưỡng 2.500 USD/ounce (tương đương 77,5 triệu đồng/lượng). Nếu tính thêm mức chênh 18 triệu đồng/lượng như hiện nay thì mốc 100 triệu đồng với giá vàng miếng SJC là tương lai không xa.
Thậm chí, một số dự báo lạc quan cho rằng, giá vàng thế giới có thể leo lên mốc 3.000 USD/ounce vào nửa cuối năm nay hoặc nửa đầu năm sau, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và nguy cơ xung đột quân sự vẫn khó lường, cộng thêm lực mua từ các ngân hàng trung ương nhằm đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối.
Trong trường hợp giá kim loại quý này có thể leo lên mức đó thì giá vàng thế giới quy đổi có thể ở mức 92,6 triệu đồng/lượng nếu tính theo tỷ giá USD/VND là 25.600 đồng. Nếu chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới vẫn duy trì ở mức 19 triệu đồng/lượng như hiện nay, giá vàng SJC trong nước có thể chạm mốc 110 triệu đồng/lượng, tức có thể tăng thêm hơn 22% từ mức hiện nay.
Nhưng đó chỉ là những dự báo và cách tính đầy lạc quan. Thực tế, rủi ro là rất lớn khi đầu tư vàng ở thời điểm này.
Bởi giá vàng thế giới vẫn đang tăng nhưng theo phân tích của các công ty vàng, xu hướng trung hạn đang phát đi những tín hiệu có thể điều chỉnh giảm sau mạch tăng khá mạnh từ tháng 10 năm ngoái đến nay.
Hơn nữa, mức chênh lệch cao giữa giá vàng thế giới và trong nước khó duy trì trong thời gian dài vì điều này sẽ làm hạn chế người mua.
Trong khi đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đang tìm mọi giải pháp để bình ổn thị trường vàng. Việc ổn định giá vàng để người dân mua ở mức giá sát với thế giới hơn là cần thiết.
Đề xuất về đánh thuế giao dịch vàng, yêu cầu mua bán phải có hóa đơn hay cấm dùng tiền mặt thanh toán mua bán vàng, thanh kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vàng... được đánh giá sẽ góp phần giúp giá vàng hạ nhiệt trong thời gian tới.
Ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý gia sản FIDT cho rằng, kịch bản giá vàng lên 100 triệu đồng/lượng trong năm nay dự báo sẽ không xảy ra. Do đó, người ôm vàng vẫn đang chờ đợi giá vàng còn tiếp tục tăng mạnh sẽ gặp nhiều rủi ro.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm nay, khả năng giá vàng miếng SJC lên đến 100 triệu đồng là thấp, xác suất chỉ khoảng 30%. Lý giải cho điều này, ông Hiếu dự báo sẽ có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trước tình trạng giá vàng tăng quá nóng như thời gian vừa qua.
Ông Hiếu cho rằng, nếu giá vàng tăng quá cao và đến ở điểm mà người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng. Khi đó, bong bóng giá vàng sẽ vỡ.
Bình thường mới của giá vàng miếng: 100 triệu/lượng không còn 'sốc'
Vàng 'điên cuồng' tiến lên 100 triệu/lượng, thách thức mọi biện pháp ngăn chặn
- Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt: 'Tại sao hạn chế quyền của dân?' 07/05/2024 01:58
- Bỏ độc quyền và những nỗi lo mới về vàng 06/05/2024 12:00
- Vàng tăng giá 'điên cuồng', Chính phủ lệnh xử nghiêm đầu cơ, thao túng 10/05/2024 04:02
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.