'50 năm nữa người ta còn đánh bạc không mà cấp đất 99 năm?'
Vĩnh Chi -
23/11/2017 13:30 (GMT+7)
(VNF) – Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) cho rằng dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã quá dễ dãi trong việc định nghĩa nhà đầu tư chiến lược và cấp đất cho các nhà đầu tư này.
50 năm nữa người ta còn đánh bạc không?
Phát biểu trong phiên thảo luận Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệtchiều 22/11, ông Trương Trọng Nghĩa đã đặt câu hỏi về quy định cấp đất cho các nhà đầu tư chiến lược trong các đặc khu: "Luật này quy định cấp đất 99 năm, tôi xin hỏi, tại sao chúng ta lại mở so với luật hiện hành?"
"Luật hiện hành tối đa là 70 năm mà chỉ Thủ tướng mới quyết định. Ở trong này chúng ta quy định những người được cấp quyền sử dụng đất 99 năm là nhà đầu tư chiến lược. Nhưng khái niệm nhà đầu tư chiến lược lại rất dễ dãi, ví dụ nếu anh đầu tư vào casino 44 nghìn tỷ anh được cấp đất 99 năm.
"Tôi hỏi, chúng ta không biết 50 năm nữa thì loài người có xài tiền không, 50 năm nữa còn đánh bạc không, và nếu 50 năm nữa nếu còn đánh bạc, người ta có đánh theo kiểu casino này không mà chúng ta lại quy định một nhà đầu tư 44 nghìn tỷ vào casino được cấp đất 99 năm? Nếu như 30 năm nữa casino đó thất bại, chúng ta có thu hồi đất không?", ông Trương Trọng Nghĩa chất vấn.
Cấp đất 99 năm cho nhà đầu tư rót 2 tỷ USD vào casino là quá dễ dãi?
Ông Nghĩa cho rằng cần bỏ việc cấp quyền sử dụng đất 99 năm mà chỉ nên áp dụng như hiện nay, tối đa là 70 năm.
"Ngay cả vấn đề thép, cấp đất 70 năm mà chúng ta cũng chưa biết 50 năm nữa loài người có dùng loại thép đó không hay người ta có những vật liệu khác. Chúng tôi đề nghị không mở thêm 99 năm như thế này và khái niệm đầu tư chiến lược, chúng ta phải xem lại, không dễ dãi như thế này", ông nói.
Dự án thất bại thì phải trả lại đất
Nhận xét về các quy định ngành nghề đầu tư trong đặc khu, ông Nghĩa đề xuất cần nêu rõ những ngành không cho nước ngoài đầu tư hoặc những ngành không cho chuyển nhượng cho nước ngoài.
"Các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp đều làm như vậy để bảo hộ. Tôi đề nghị dự án thất bại thì phải quy định là trả lại đất. Ví dụ, cấp đất 70 năm, làm 20 năm thất bại thì chúng ta phải quy định là dự án đó giải thể, đóng cửa; nếu muốn thay đổi ngành nghề khác thì phải lập lại thủ tục, không tiếp tục giữ đất đó", ông Nghĩa nói.
Dẫn Điều 84 - quy định cho phép sử dụng giấy thông hành của các nước láng giềng cấp cho khách du lịch 30 ngày, ông Nghĩa lo ngại "chúng ta dễ dãi quá vì không biết họ qua có phải du lịch hay không? Và chúng ta không biết giấy thông hành có thực hay không?"
"Tại sao chúng ta không quy định hộ chiếu? Ở đây tôi hiểu rằng giấy thông hành này không phải là hộ chiếu. Đối với ASEAN, chúng ta được miễn thị thực nhưng chúng ta vẫn phải xách hộ chiếu khi bay qua Singapore. Do đó, chúng tôi đề nghị phải qua lại bằng hộ chiếu và như thế mới bình đẳng với các khách du lịch, từ các quốc gia khác", ông Nghĩa đề xuất.
"Cách làm của chúng ta rất lạ"
Theo ông Nghĩa nhiều quốc gia làm đặc khu kinh tế thất bại có thể do cách làm chứ không phải vì chủ trương. Do vậy, ông đề nghị cần xác định rõ các nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập và điều hành các khu hành chính – kinh tế đặc biệt.
Thứ nhất, đầu tư vào đặc khu phải tạo được nội lực cho Việt Nam. "Chúng ta hay nói là cùng có lợi. Cùng có lợi nhưng với 10 đồng, họ lợi 8 đồng, mình lợi 2 đồng thì như vậy không gọi là cùng có lợi. Phải làm sao tăng cường được nội lực Việt Nam".
Hai là bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, bảo vệ bản sắc và truyền thống văn hóa Việt Nam. "Với những ưu đãi như vậy, nhà đầu tư nào, ngành nào đáp ứng được thì chúng ta làm. Nhiều khi họ cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật chúng ta có quyền có ý kiến và thu hồi các dự án hoặc xử lý", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng cách làm đặc khu của Việt Nam hiện nay khá lạ. "Chúng ta ra một luật và đưa vào đó 3 đơn vị cụ thể. Cách làm luật lâu nay không phải như vậy. Tôi đề nghị đưa vào ba nghị quyết".
"Cách làm này có lợi thế là nếu như một trong ba đặc khu đó không thành công, chúng ta chỉ dùng nghị quyết để thay đổi. Tương tự, nếu như xuất hiện một đặc khu đầy triển vọng thì chúng ta cũng chỉ dùng nghị quyết Quốc hội để thành lập thêm, chứ không sửa luật nữa", ông nói.
Phân quyền thêm cho các thành viên Chính phủ
Ông Nghĩa cho rằng có những quyền giao Thủ tướng, nhưng có những quyền đề nghị giao cho Chính phủ. Tức là phải kết hợp lẫn nhau và để cho các bộ, ngành trung ương phải có quyền có ý kiến, nếu không thì mất đi sự giám sát đặt trên lợi ích chủ quyền quốc gia.
"Vì chúng ta chỉ giao cho Thủ tướng với người lãnh đạo đặc khu hoặc người lãnh đạo tỉnh, như thế thiếu một yếu tố. Tôi đề nghị có loại thì giao Thủ tướng, có loại phải giao chung cho Chính phủ và như thế Chính phủ phải chịu trách nhiệm", ông Nghĩa đề xuất.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone