68 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội: Nhìn lại những thời khắc lịch sử
Hoàng Sơn - Đoàn Tùng -
10/10/2022 21:28 (GMT+7)
(VNF) - Sau 68 năm ngày giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã vươn mình không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, một trung tâm kinh tế trọng điểm mà còn là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh và khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.
Ngày 10/10/1954, sự kiện giải phóng Thủ đô đi vào lịch sử như một mốc son đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển cho Hà Nội và đất nước, khắc ghi dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.
68 năm chưa phải là khoảng thời gian dài so với hàng nghìn năm lịch sử dân tộc nhưng chỉ từng ấy thời gian, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm và những bước chuyển mình chưa từng có. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh Đại Việt mà còn là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh.
Hà Nội không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.
Thủ đô Hà Nội ngày nay đã có một diện mạo mới, hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, vinh dự được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Đặc biệt, nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể… Năm 2016, Hà Nội được bạn bè quốc tế bình chọn đứng vị trí thứ 8 trong danh sách 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô, cùng VietnamFinance nhìn lại những khoảnh khắc đi vào lịch sử.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Thủ đô Hà Nội.
Cầu do Pháp xây dựng (1898 – 1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: "1899 – 1902. Daydé & Pillé – Paris".
Cầu Long Biên đã chứng kiến thời khắc hiện diện cuối cùng của đoàn quân viễn chinh Pháp tại Hà Nội. Đó là khi Hiệp định Genève chính thức được ký, quân Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội. Ngày 8/10/1954, quân Pháp làm lễ hạ cờ và ngày 9/10 bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó.
Đúng 16h30 ngày 9/10/1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Sang thời bình, do giao thông ngày một tăng trong thập kỷ 90, cầu Long Biên được sử dụng chỉ cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Việt Nam xây dựng thêm cầu Chương Dương nằm trong mục tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại và để phát triển kinh tế, xã hội đô thị ở hai bờ sông Hồng Hà Nội. Cuối năm 2005, xe máy được phép đi qua cầu Long Biên để giảm việc ùn tắc giao thông cho cầu Chương Dương.
Bốt Hàng Trống
Khi Pháp chiếm Hà Nội, một trong những việc đầu tiên là họ lập lực lượng cảnh sát để bảo vệ an ninh trật tự (người dân quen gọi là đội cẩm). Để cảnh sát có nơi làm việc và giam giữ tạm thời, chính quyền đã lập bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm).
Nhiệm vụ của cảnh sát là giữ trật tự đường phố, người Việt hay người Pháp nếu vi phạm luật chính quốc, nghị định của Toàn quyền Đông Dương, của Thống sứ Bắc Kỳ, Đốc lý Hà Nội sẽ bị xử phạt.
Phố Hàng Đào
Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội.
Hiện nay, diện mạo của phố cổ Hàng Đào đã hoàn toàn thay đổi. Vẫn đóng vai trò là phố buôn bán chính, sầm uất, đông đúc nhất Hà Nội, nhưng phố Hàng Đào chuyên bán quần áo phục vụ khách du lịch và người dân Hà thành.
Từ năm 2006, UBND quận Hoàn Kiếm cho phép thành lập tuyến phố đi bộ Chợ Đêm Hàng Đào - Đồng Xuân vào các tối thứ sáu, bẩy, chủ nhật. Chợ chủ yếu bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tơ lụa truyền thống, đồ lưu niệm, và cả hàng quán giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội, thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm quan. Tuyến phố đi bộ trên Chợ Đêm Hàng Đào – Đồng Xuân thực sự đã tạo nên một nét văn hóa hoàn toàn mới của Thủ đô, một nếp sinh hoạt thương mại mang đậm chất văn hóa.
Cột cờ Hà Nội
Được xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành năm 1812 dưới thời Vua Gia Long triều nhà Nguyễn, kỳ đài "Cột cờ Hà Nội" nay nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.
Hơn 200 năm qua, cột cờ Hà Nội là một chứng nhân cho những biến cố thăng trầm của Thủ đô. Và cũng hơn nửa thế kỷ qua, hình ảnh cột cờ với lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành biểu tượng của một Hà Nội anh hùng, ngàn năm văn hiến.
Vào lúc 15h ngày 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam độc lập được kéo lên đỉnh cột cờ và tung bay trên bầu trời Hà Nội. Suốt 68 năm qua, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn tung bay trên nền trời của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, mãi là biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam độc lập và tự do.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone