Thị trường

Alliga Eternity sẽ là điểm nhấn của ngành công nghiệp du thuyền Việt Nam

(VNF) - Mới đây, trên bờ biển Cát Bà thơ mộng, một chiếc du thuyền cỡ nhỏ đã chạy một vòng trình diễn trước sự chứng kiến của nhiều quan khách. Không chỉ làm nóng không khí của Cát Bà sau hai năm vắng vẻ vì đại dịch, chiếc du thuyền nhỏ cũng mở ra một câu chuyện thú vị về ngành công nghiệp du thuyền tại Việt Nam.

Alliga Eternity sẽ là điểm nhấn của ngành công nghiệp du thuyền Việt Nam

Công nghiệp du thuyền sẽ sớm tăng tốc.

Khi người Việt tự đóng du thuyền

Chiếc du thuyền cỡ nhỏ có tên là Alliga Expander, là sản phẩm của một doanh nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Hà Minh Dương Holdings. Alliga Expander là sản phẩm du thuyền giải trí loại nhỏ, được sản xuất với chất liệu hợp kim nhôm cao cấp là vật liệu có trọng lượng nhẹ, khả năng chống ăn mòn tuyệt vời và khả năng gia công tốt, đem lại tốc độ tàu cao hơn và tuổi thọ dài hơn. Để làm ra sản phẩm này, đội ngũ kiến trúc sư của Công ty Cổ phần Hà Minh Dương Holdings đã áp dụng được các công nghệ mới, hiện đại nhất, tân tiến nhất của ngành hiện nay.

Nhưng Alliga Expander chỉ là sự khởi đầu. Trong sự kiện ra mắt và hạ thủy du thuyền cá nhân Alliga Expander, Hà Minh Dương Holdings đã chính thức giới thiệu với công chúng quả “bom tấn” của ngành du thuyền Việt Nam. Đó là siêu phẩm du thuyền mang tên Alliga Eternity.

Du thuyền Alliga Eternity có chiều dài hơn 200m, bao gồm 500 căn hộ du thuyền với đầy đủ không gian sống hiện đại và sang trọng, đầy đủ tiện ích, siêu du thuyền với sức chứa vô cùng lớn, có thiết kế nhiều tầng tích hợp tất cả các hoạt động vui chơi giải trí thượng lưu, các căn hộ du thuyền có tầm nhìn hướng ra biển. Không mới với thế giới, nhưng là rất mới với người Việt: đây là lần đầu tiên một du thuyền như vậy được một doanh nghiệp Việt Nam đầu tư.

Ông Bùi Việt Quân, Chủ tịch Hà Minh Dương Holdings cho biết, trong khi hàng loạt ngành nghề của nền kinh tế toàn cầu bị cơn đại hồng thủy Covid-19 nhấn chìm trong khó khăn thì ngành công nghiệp du thuyền lại phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu sở hữu du thuyền tăng mạnh trên khắp các châu lục, trong đó có nhu cầu dùng du thuyền như một phương tiện để trốn dịch như các tỷ phú nước ngoài. Nếu như doanh số của thị trường du thuyền toàn cầu ước tính đạt 64,1 tỷ USD trong năm 2020 thì vào năm 2027, mức này dự kiến đạt 84,7 tỷ USD.

Với sự gia tăng số lượng người giàu và siêu giàu ở Việt Nam, nhu cầu sở hữu du thuyền chắc chắn cũng sẽ gia tăng tương ứng. “Từ thực tế thị trường cho thấy, ngành du thuyền thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguồn cung khiến du thuyền đang trở thành một mặt hàng khan hiếm và sẽ là một rào cản khá lớn để thị trường Việt Nam phát triển ngành công nghiệp du thuyền”, ông phân tích.

Theo các chuyên gia trong ngành, hiện nay, nhu cầu sử dụng du thuyền nghỉ dưỡng trên toàn cầu tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm này, hầu hết các tầng lớp từ trung lưu trở lên đã quan tâm và tìm hiểu nhiều về các loại thuyền, từ tầm trung cho đến hạng sang. Hệ sinh thái và văn hóa chơi du thuyền đang hình thành và phát triển.

“Chúng tôi mong muốn sản xuất những du thuyền made in Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng hải nước nhà và khẳng định tinh thần, trí tuệ của con người Việt Nam trên trường quốc tế. Công ty Cổ phần Hà Minh Dương Holdings tự hào là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất du thuyền cá nhân tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất”, ông Quân nói.

Dự kiến, Alliga Eternity khi hoàn thành sẽ chạy dọc bờ biển Bắc – Nam, neo đậu tại một số hải cảng lớn để du khách có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của biển trời nước Việt. Khi đó, nó sẽ không khác gì một siêu khách sạn di động trên biển.

Công nghiệp du thuyền đang ở đâu?

Mới đây, Sở Công Thương, Sở Du lịch Đà Nẵng đã có báo cáo “Đề án phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền” (gọi tắt là đề án) lên lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng. Theo đó, du thuyền tại Đà Nẵng hiện trạng được phân làm 3 loại: du thuyền đường thủy nội địa, du thuyền ven biển tại Đà Nẵng, du thuyền quốc tế đến Đà Nẵng.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia có mô hình phát triển du thuyền trên thế giới, Đề án cũng chỉ ra các mô hình đã được xây dựng trong nước như tại Hạ Long, Bãi Cháy (Quảng Ninh); Nha Trang (Khánh Hòa), Bà Rịa - Vũng Tàu. Đà Nẵng cũng dự kiến sẽ có các bến tàu được bố trí tại tất cả các điểm tham quan chính dọc theo sông Hàn, sông Cổ Cò, bao gồm trung tâm thành phố, khu vực Trung tâm thể thao Tiên Sơn, Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn...; quy hoạch vị trí bến đón khách; chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch.

Tháng 3 vừa qua, thành phố đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Đề án phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền. Theo báo cáo của Viện chiến lược và phát triển Giao thông vận tải, giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2045 tại Đà Nẵng có 19 dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền. Tổng mức đầu tư khái toán các dự án khoảng 6.850 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hoá, liên quan đến ngành công nghiệp đóng, sửa chữa du thuyền, công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp và dịch vụ thương mại, dịch vụ cảng bến và dịch vụ du lịch. Doanh thu từ công nghiệp du thuyền và dịch vụ bến du thuyền chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 2022-2025, ước tính doanh thu từ ngành công nghiệp du thuyền đạt 400 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2026-2030, ước tính doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng/năm, chủ yếu từ công nghiệp hỗ trợ và sản xuất linh kiện, phụ kiện. Cùng với đó, doanh thu từ dịch vụ bến du thuyền ước tính trong giai đoạn 2022-2025 là 1.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026-2030 là 8.000 tỷ đồng/năm.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng có nhiều ưu thế vị trí địa lý để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành du thuyền thế giới đang phát triển mạnh, toàn ngành du thuyền thế giới đang rơi vào tình trạng quá tải đơn hàng đến năm 2026-2027. Việc xây dựng, phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ du thuyền sẽ góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tạo động lực phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng.

Trước Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng đã nhanh chóng thúc đẩy ngành công nghiệp du thuyền. Cuối tháng Tư này, Quảng Ninh sẽ giới thiệu đến du khách “Phố đêm du thuyền” tại Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long. Theo đó, “Phố đêm du thuyền” sẽ là điểm đến mới, hấp dẫn cho du khách khi dịch Covid-19 được khống chế; giảm tải cho các nhà hàng trên bờ khi vào những mùa, những ngày cao điểm; tạo được mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai, tối ưu hóa khả năng khai thác của tàu thăm vịnh, hạn chế tính chất mùa vụ cho tàu tham quan.

Trước đó, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã được đưa vào khai thác từ năm 2015 với vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng. Cảng có chiều dài neo đậu gần 7km, độ sâu tối thiểu 10m, tối đa 17m, đủ điều kiện tiếp nhận 2.000 tàu neo đậu.

Ở Nha Trang, Bến du thuyền Ana Marina cũng đã được đưa vào khai thác. Đây là bến du thuyền được xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng, Phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng trên diện tích trên 89 ha , trong đó bao gồm 68 ha mặt nước. Theo ghi nhận thực tế, hiện đã có rất nhiều du thuyền sử dụng bến này.

Tin mới lên