Tài chính

An Cường (ACG) muốn tăng vốn lên 1.360 tỷ đồng, 'rục rịch' chuyển sàn sang HoSE

(VNF) - Ngày 22/11 tới, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (UPCoM: ACG) sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021, trình cổ đông thông qua hàng loạt phương án chia cổ tức và phát hành tăng vốn điều lệ.

An Cường (ACG) muốn tăng vốn lên 1.360 tỷ đồng, 'rục rịch' chuyển sàn sang HoSE

An Cường (ACG) muốn tăng vốn lên 1.360 tỷ đồng, 'rục rịch' chuyển sàn sang HoSE

Theo tài liệu công bố, ACG sẽ trình phương án tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 500 đồng. Với hơn 87,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ACG sẽ phải chi ra khoảng 44 tỷ đồng nhằm thực hiện thanh toán cho cổ đông.

Nguồn vốn thực hiện được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 đã được soát xét. Thời gian triển khai trong quý IV năm nay hoặc quý I/2022.

Bên cạnh đó, HĐQT ACG cũng có tờ trình cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 1.359 tỷ đồng.

Cụ thể, ACG dự kiến phát hành thêm gần 44 triệu cổ phiếu tạm ứng cổ tức năm 2021; đồng thời chào bán thêm gần 4,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá rất thấp so với thị giá hiện tại của cổ phiếu ACG (đóng cửa phiên 17/11 ở mức 111.000 đồng/cổ phiếu).

Cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu của mình cho người khác một lần. Thời gian thực hiện trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022. Toàn bộ số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là gần 44 tỷ đồng, dự kiến được bổ sung nguồn vốn lưu động để thanh toán khế ước vay ngân hàng trong năm 2022.

ACG cho biết, việc tăng vốn điều lệ cũng giúp doanh nghiệp thỏa điều kiện niêm yết cổ phiếu tại HoSE theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Dự kiến, thời điểm ACG nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HoSE là từ quý II/2022.

Về tình hình kinh doanh, ACG vừa trải qua quý III khá ảm đạm với doanh thu thuần giảm 47% so với cùng kỳ, xuống còn 497 tỷ đồng. Tốc độ giảm của giá vốn chậm hơn doanh thu, khiến cho lợi nhuận gộp của ACG chỉ đạt 118 tỷ đồng, giảm đến 55%.

Khấu trừ các chi phí lãi vay, vận hành, ACG ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 58 tỷ đồng, giảm 56% so với quý III/2020.

Lũy kế 9 tháng, nhờ giai đoạn bán niên tích cực, ACG vẫn có lãi sau thuế gần 297 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ và mới hoàn thành gần 50% kế hoạch năm.

Tin mới lên