Ngân hàng

'Ăn dày' lãi suất cho vay

(VNF) - Lãi suất huy động gần đây giảm nhanh và mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn neo cao. Khoảng cách huy động và cho vay giãn rộng giúp các ngân hàng hưởng lợi lớn và yếu tố có lợi này sẽ còn phát huy tác dụng tới nửa năm sau.

'Ăn dày' lãi suất cho vay

Ảnh minh hoạ

Giảm cho số ít

Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, hiện chỉ bằng một nửa năm ngoái. Hầu hết nhà băng đã đưa lãi suất niêm yết cao nhất về dưới 6%/năm. Mức lãi suất 5,5-5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6 - 24 tháng. Còn với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động của các ngân hàng đều lùi về dưới 4%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng đưa lãi suất huy động xuống thấp hơn cả nhóm big 4. Mức lãi suất thấp chưa từng có dưới 3% đã xuất hiện trên thị trường.

Dù lãi suất huy động đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương ứng. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại nhiều ngân hàng đã giảm xuống dưới 6%/năm nhưng lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng vẫn neo ở mức 10 - 12%, gấp đôi lãi suất huy động. Không ít khách hàng cá nhân vay mua ô tô, nhà ở… vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay phổ biến từ 12 - 14%/năm với dư nợ cũ.

Nhiều người vay thấy sốt ruột khi hết thời hạn ưu đãi, lãi suất các khoản vay mua nhà đột ngột tăng mạnh. Anh Hoàng Long (Hà Nội) có khoản vay 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại đã 2 năm nay. Có thời điểm, anh trả lãi suất vay lên đến 13%/năm. Dù lãi suất trên thị trường từ nhiều tháng nay giảm mạnh nhưng chưa bao giờ anh Long nhận được mức lãi vay dưới 10%/năm.

Anh Lê Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hơn 2 năm trước, anh vay 1,5 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư. Sau thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm, kể từ đầu năm nay, khoản vay mua nhà của anh bị tính lãi suất thả nổi từ 10,9%/năm. Mỗi tháng, anh Thanh đang phải trả ngân hàng gần 20 triệu đồng tiền gốc và lãi, ngân hàng thì không hề có ý định giảm lãi vay.

Còn chị Kim Ngân (Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ rằng chị cứ nghĩ ngân hàng đang “thừa tiền” và lãi suất huy động đã xuống dưới 6%/năm với kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất cho vay sẽ giảm theo. Thế nhưng, lãi suất khoản vay của chị được báo năm đầu khoảng 8,5%/năm nhưng năm sau lãi suất thả nổi cộng thêm biên độ 3 - 3,5%/năm.

Trên thị trường hiện nay, nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay với mức lãi suất chỉ 5 - 6%/năm. Nhưng thực tế, việc tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ này không hề đơn giản. Hơn nữa, các gói vốn giá rẻ chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, từ 6 tháng đến 1 năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất các khoản vay này sẽ được tính theo lãi suất thả nổi trên thị trường.

Khảo sát cho thấy, nhóm ngân hàng quốc doanh đang có mức lãi suất cho vay bất động sản năm đầu từ 7 - 8,5%/năm. Lãi suất thả nổi 10,5 - 12,5%/năm với các năm tiếp theo. Một số ngân hàng như ACB, Eximbank, TPBank, Techcombank, MB... áp dụng lãi suất phổ biến trong thời gian đầu từ 7,5 - 10%/năm. Lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3 - 3,5%/năm.

Gần đây xuất hiện thông tin nhiều ngân hàng cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất thấp chỉ từ 4,9%/năm. Tuy nhiên, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác không thực sự dễ dàng do khoản lãi phạt đắt đỏ và thủ tục không hề đơn giản và tốn kém phí.

Chị Lan Anh (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, vẫn chưa vội chuyển vay ngân hàng khác vì dù vay ngân hàng mới với lãi suất thấp ưu đãi năm đầu nhưng cộng thêm chi phí tất toán, phí trả trước hạn, chi phí thực hiện khoản vay mới… lãi suất thực cũng đã nhảy vọt lên 10-11%/năm.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, cho biết đối với ngân hàng lớn thì mức lãi suất vay 6-7%/năm vẫn có lợi nhuận. Bởi những ngân hàng này có nguồn vốn huy động không kỳ hạn lãi suất thấp nên tính ra chi phí bình quân vốn ở mức thấp, khoảng 3 - 4%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay thấp thường rất “kén khách”. Khách hàng vay cũng cần lưu ý đây là mức lãi suất ưu đãi nên có thời hạn vài tháng đến 1 năm, sau đó là lãi suất thả nổi nên khách hàng cần nắm được cách tính lãi suất thả nổi, phí phạt trả nợ trước hạn…

Ám ảnh lãi suất thả nổi

Thực tế, một số ngân hàng thường đưa ra lãi suất cực mềm trong thời gian ưu đãi, chỉ từ 6 - 8%/năm. Nhưng sau 3 - 6 tháng, lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm. Đáng nói, các ngân hàng đang áp biểu lãi suất cơ sở khá cao dù lãi suất huy động đã giảm mạnh. Lãi suất cơ sở tại nhiều ngân hàng đang neo ở mức 8,2 - 9%/năm. Do lãi suất cơ sở cao nên lãi vay hiện rất cao.

Đơn cử, một ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 5,9%/năm và 7,7%/năm đối với cho vay mua nhà. Song mức này chỉ được cố định trong thời gian ưu đãi. Sau đó, lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm. Như vậy, lãi vay mà khách phải trả sẽ rơi vào khoảng 12,5%/năm.

Các ngân hàng cho rằng, lãi suất cho vay phải tính theo lãi suất cơ sở vì lãi suất huy động chưa thể hiện đầy đủ chi phí vốn của ngân hàng. Lãi suất cơ sở được cộng thêm một số chi phí vốn thực.

Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, dù huy động 10 đồng nhưng ngân hàng chỉ có thể cho vay được 8 đồng, còn 2 đồng dự trữ. Chẳng hạn, ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất 6%/năm, nhưng chi phí huy động vốn thực lên đến 6,2 - 6,5%/năm, chưa kể nhiều chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên, không loại trừ có ngân hàng lạm dụng điều này để giữ lãi suất cho vay ở mức cao.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 10, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt mức tăng trưởng 7,1% (trong khi mục tiêu cả năm là 14%).

Giới chuyên gia nhận định, ngoài việc nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện hoặc không dám vay thì lãi suất cho vay neo ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng.

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”, các ngân hàng chịu áp lực phải điều chỉnh lãi suất cho vay về mức hợp lý. Nhưng lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh do vẫn còn những khoản huy động với lãi suất 10%/năm từ cuối năm ngoái chưa tất toán xong.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tế nhận định, chính các ngân hàng cũng là các doanh nghiệp. Hiện lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay sẽ giảm từ từ chứ không thể xuống nhanh như lãi suất huy động.

Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm, Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay không khác gì việc phải cắt đi một phần lợi nhuận của mình.

Thực tế, trong 9 tháng đầu năm nay, dù kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng nhưng không ít ngân hàng vẫn báo lãi lớn. Có tới 11 ngân hàng đạt mức lợi nhuận tăng trưởng dương trong 3 quý đầu năm. Trong đó, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận chục nghìn tỷ đồng.

>> Sáng nay, Thủ tướng họp với lãnh đạo các NHTM thúc tăng trưởng tín dụng

Tin mới lên