Ấn Độ đang gia tăng nhập khẩu vàng, thị trường thuận lợi cho đà tăng giá
Bích Thủy -
05/10/2021 14:43 (GMT+7)
(VNF) - Thị trường vàng thế giới đang chuẩn bị vào mùa mua sắm cuối năm. Việc giá dầu tăng, USD tăng cùng khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande... đang tạo cơ hội cho vàng tăng giá.
Giá vàng hôm nay (5/10), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sau 12 giờ, niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,7 – 57,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới hôm nay đang ở mức 1.757,9 USD/ounce.
So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay đứng yên ở chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới tăng dao động lên xuống, nhưng gần như không thay đổi, và vẫn đang nhích dần ở ngưỡng trên 1.750 USD/ounce.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được doanh nghiệp giao dịch mua vào- bán ra quanh mức 50,45- 51,35 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Chênh lệch giá mua và bán vàng miếng hôm nay được công ty SJC giữ ở mức 700.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch này tăng 100.000 đồng so với tuần trước, và quay lại bằng với mức chênh lệch của tháng trước.
Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước hôm nay cũng biến động theo giá vàng. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng 8,7 triệu đồng/lượng.
Những ngày đầu tháng 10 đánh dấu bước khôi phục hoạt động của thị trường vàng TP. HCM, khi hoạt động theo chỉ thị 18 từ ngày 1/10. Nhiều tiệm vàng các quận hôm nay cũng bắt đầu chính thức mua bán.
Giá vàng thế giới đêm 4/10 thấp hơn khoảng 7,5% (142 USD/ounce) so với đầu năm 2021.
Đêm qua, giá vàng thế giới có lúc tăng hàng chục USD/ounce khi giới đầu tư chứng khoán bán tháo cổ phiếu, đồng USD và lãi suất trái phiếu Mỹ đồng loạt suy yếu.
Khi giá vàng thế giới rơi xuống vùng 1.750 USD/ounce nhiều người đã dồn vốn vào kim loại quý. Ngay sau đó, giá vàng đảo chiều tăng mạnh 20 USD/ounce, cán mức 1.770 USD/ounce lúc 22h ngày 4/10.
Bước sang ngày 5/6, giá vàng biến đọng không đáng kể. Lúc 9h, giá vàng lùi về 1.764 USD/ounce, giảm khoảng 6 USD so với đầu giờ sáng. Sau đó, giá vàng lại giảm tiếp.
Dưới góc dộ kỹ thuật, giới kinh doanh dự báo giá vàng thế giới đang hướng đến 1.800 USD/ounce và nếu không vượt qua mức cản này, giá vàng sẽ lùi về vùng 1.750 USD/ounce.
Giá vàng trên thị trường quốc tế rập rình tăng mạnh trong bối cảnh nhiều nước đẩy mạnh mua vàng và rủi ro lạm phát lên cao. Trong tuần trước, vàng bất ngờ tụt giảm xuống ngưỡng 1.720 USD/ounce. Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy đã đẩy mặt hàng kim loại quý này đi lên. Việc đồng USD chững lại cũng là yếu tố tích cực đối với vàng.
Vàng tăng giá còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu tăng mạnh thời gian gần đây.
Trong thời gian tới, thị trường năng lượng được dự báo còn tiếp tục tăng cao. Đây sẽ là yếu tố có lợi đối với vàng.
Theo chuyên gia công ty phân tích và tư vấn về thị trường kim loại quý Metals Focus (Anh), vàng đã nhận được yếu tố hỗ trợ như áp lực lạm phát, đặc biệt là chi phí năng lượng tăng cao. Phe đầu cơ giá vàng đang chú ý đến sự tăng vọt của chi phí năng lượng vì yếu tố này dường như đang khiến lạm phát tăng cao hơn.
Bên cạnh đó, thị trường cũng dõi theo tác động kinh tế rộng lớn hơn của cuộc khủng hoảng nợ Evergrande. Các nhà đầu tư lo ngại rằng, sự sụp đổ tại Evergrande có thể làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc vốn đã yếu ớt và cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đáng chú ý, nhập khẩu vàng vào Ấn Độ trong tháng 9/2021 đã tăng 658% so với tháng 9/2020 do giá vàng nội địa điều chỉnh xuống mức thấp nhất trong gần 6 tháng, khiến các cửa hàng tăng cường mua sắm cho mùa lễ hội sắp tới. Quốc gia này đã nhập khẩu 91 tấn vàng trong tháng 9/2021, so với 12 tấn một năm trước đó.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.