Tài chính

Apax Holdings đặt mục tiêu lợi nhuận 'giật lùi', quý I chỉ hoàn thành hơn 3% chỉ tiêu cả năm

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (HoSE: IBC) vừa công bố nghị quyết cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2021 với một số nội dung đáng chú ý.

Apax Holdings đặt mục tiêu lợi nhuận 'giật lùi', quý I chỉ hoàn thành hơn 3% chỉ tiêu cả năm

Apax Holdings đặt mục tiêu lợi nhuận 'giật lùi', quý I chỉ hoàn thành hơn 3% chỉ tiêu cả năm

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, cổ đông IBC đã thông qua doanh thu hợp nhất mục tiêu là 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2020, doanh nghiệp đưa ra kế hoạch tăng trưởng gần 49% về doanh thu, nhưng lợi nhuận "đi lùi" ở mức 7%.

Năm 2021, HĐQT IBC dự kiến tiếp tục chiến lược phát triển mà doanh nghiệp đã đặt ra cho giai đoạn 2018-2020, bao gồm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh giáo dục và đào tạo để mang lại sự tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ chính của IBC là tiếp tục huy động vốn để đầu tư cho những công ty con, công ty thành viên, đặc biệt là mua đất xây trường/trung tâm và đầu tư tài chính dài hạn, dịch vụ tư vấn tài chính và tư vấn xúc tiến thương mại.

Hiện IBC chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, IBC ghi nhận doanh thu tăng đến 93% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 466,7 tỷ đồng.

Khấu trừ giá vốn 322,8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của IBC đạt gần 144 tỷ đồng, tích cực hơn số lỗ 1,2 tỷ đồng cùng kỳ do kinh doanh dưới giá vốn. Biên lãi gộp đứng ở mức 30,8%.

Trong kỳ, mặc dù doanh thu tài chính tăng đột biến lên gần 11 tỷ đồng, nhưng khoản chi phí lãi vay của IBC cũng phình to thêm 80%, lên 25,7 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ghi nhận chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt là 87,7 tỷ đồng và 33,5 tỷ đồng, giảm 17% và 29% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, ba tháng đầu năm IBC báo lãi sau thuế 2,4 tỷ đồng. Mặc dù rất mỏng với biên lợi nhuận thuần là 0,5%, tương đương thu về 1.000 đồng mới lãi 5 đồng, tuy nhiên vẫn lạc quan so với khoản lỗ hơn 170 tỷ đồng cùng giai đoạn năm 2020.

Như vậy, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 3,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của IBC tăng nhẹ so với hồi đầu năm lên 3.465 tỷ đồng. Trong đó, tiền nhàn rỗi tăng gấp đôi lên 416 tỷ đồng (chiếm 12% tổng tài sản); các khoản phải thu ngắn hạn tăng 11% lên 1.119 tỷ đồng (32% tổng tài sản), chủ yếu do tăng khoản thu ngắn ngắn hạn khách hàng, thu ngắn hạn khác và giảm khoản trả trước cho người bán.

Trong đó, đáng chú ý là khoản phải thu ngắn hạn 473 tỷ đồng từ Công ty TNHH MTV Nam Phong. Được biết đây là tiền đặt cọc cho hợp đồng ký ngày 2/10/2020 về việc cùng hợp tác xây dựng, khai thác và phát triển dự án khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng tại Khu kinh tế Vũng Áng, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian đặt cọc là 450 ngày tương đương 15 tháng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của IBC đứng ở mức 2.411 tỷ đồng, tăng 9,5% sau ba tháng hoạt động; vốn chủ sở hữu gần như không biến động với 1.053 tỷ đồng. Doanh nghiệp có dư nợ vay là 1.427 tỷ đồng, tăng gần 32% so với hồi đầu năm, chủ yếu là tăng nợ vay trái phiếu.

Dòng tiền thuần kinh doanh của IBC tiếp tục âm, đứng ở mức 45 tỷ đồng; dòng tiền đầu tư là hơn 1 tỷ đồng tới từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, trong khi cùng kỳ âm 88 tỷ đồng do mua sắm, xây dựng tài sản cố định.

Không chỉ ngưng mở rộng quy mô doanh nghiệp, để bù đắp dòng tiền thâm hụt từ hoạt động kinh doanh, IBC tiếp tục gia tăng lượng tiền đi vay. Cụ thể, dòng tiền tài chính cuối quý I đạt 256 tỷ đồng, cao hơn gần 150 tỷ đồng cùng kỳ do chênh lệch từ tiền vay (524 tỷ đồng) - trả nợ (268 tỷ đồng).

Điều này cho thấy IBC vẫn đang ngày càng phụ thuộc vào việc đi vay, cũng như phụ thuộc hơn vào các chủ nợ. Và với hệ số nợ cao, lãi vay đè nặng, nguồn vốn lưu động phụ thuộc lớn vào tiền đi vay, rủi ro tài chính cho IBC rõ ràng không phải nhỏ.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu IBC tăng 300 đồng lên 22.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch đạt 121.000 đơn vị.

Tin mới lên