Ba động lực khiến giá vàng tăng tiếp lên kỷ lục mới trong 2024
Khánh Tú -
01/01/2024 08:58 (GMT+7)
(VNF) - Giá vàng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ và căng thẳng địa chính trị.
Trong những ngày cuối năm 2023, giá vàng thế giới liên tục neo ở mức cao trong bối cảnh thị trường kỳ vọng vào sự đổi chiều chính sách của Fed.
Kể từ tháng 10/2023, khi Fed phát đi những tín hiệu cho thấy sẽ cắt giảm lãi suất vào năm 2024, giá vàng miếng đã tăng gần 13%.
Giá vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 12/2023 khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất với tốc độ nhanh hơn vào năm nay. Giá của kim loại quý này đã tăng vọt lên trên 2.000 USD/ounce vào giữa tháng 12.
Không chỉ vậy, đà tăng của giá vàng trong năm 2023 còn được hỗ trợ bởi các ngân hàng trung ương. Báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới quý III/2023 mới đây cho thấy, các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục duy trì tốc độ mua vàng ở mức kỷ lục, đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III (không bao gồm thị trường OTC) chạm mức 1.147 tấn, vượt 8% so với trung bình trong 5 năm.
Vàng cũng đã phát huy được vai trò “kênh trú ẩn an toàn” trong bối cảnh địa chính trị leo thang trong năm vừa qua.
Vậy liệu giá vàng có thể đạt mức giá cao kỷ lục trong năm 2024 tới? Trả lời cho câu hỏi này, Bloomberg đã chỉ ra 3 yếu tố chính tác động trực tiếp đến giá vàng trong năm 2024, bao gồm lãi suất; trái phiếu doanh nghiệp và các khoản nợ và tình hình địa chính trị.
Đầu tiên, giá vàng thường có mối quan hệ nghịch với lãi suất. Nhìn vào năm 2023, có thể thấy rằng biến động giá vàng chủ yếu được quyết định bằng những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed. Chính vì thế, nếu Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2024, vàng sẽ có sức hấp dẫn lớn hơn.
Trong khi đó, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các khoản nợ yếu đi, các nhà đầu tư sẽ tìm tới vàng bởi nó không phụ thuộc vào tín nhiệm của bất kỳ ai.
Tình hình địa chính trị bất ổn cũng có tầm ảnh hưởng lớn tới giá vàng. Giới đầu tư luôn coi vàng là tài sản an toàn trong những giai đoạn biến động địa chính trị.
Ông Jamie Dimon, CEO của ngân hàng JPMorgan, đánh giá thời gian này có thể là giai đoạn nguy hiểm chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ khi “môi trường địa chính trị có vẻ đã thay đổi, không chỉ vì cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine, Israel và Dải Gaza, mà còn cả căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Ngoài vấn đề lạm phát, địa chính trị, tình hình bầu cử năm sau cũng có tầm ảnh hưởng tới giá vàng bởi nhiều nhà đầu tư sẽ đổ xô sang vàng nếu họ cảm thấy kết quả bầu cử gây ra rủi ro đối với tài chính của họ.
Dự đoán về giá vàng năm 2024, nhiều chuyên gia tin rằng mức giá hiện nay chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng của vàng.
Ông John Hathaway, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Sprott Asset Management USA, Inc., bày tỏ quan điểm “giá vàng có thể sẵn sàng tăng cao hơn trong những tháng tới" và có thể đạt đỉnh điểm ở mức 2.400 USD/ounce trong năm 2024, đánh dấu mức tăng 18% so với hiện tại.
Các Ngân hàng Trung ương cũng đồng ý với quan điểm trên. Theo Ngân hàng ING Bank của Hà Lan, bước sang năm 2024, đa số các yếu tố đều hỗ trợ cho vàng, từ xu hướng sụt giảm của đồng USD do Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ cho tới những bất ổn địa chính trị và sự kém hấp dẫn của nhiều kênh đầu tư.
Trong khi đó, Ngân hàng Bank of America kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 2.400 USD/ounce vào năm 2024 còn Ngân hàng Saxo của Nhật dự báo vàng sẽ chạm mốc 2.300 USD/ounce.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.