Bán đấu giá cổ phần VEAM: Nhà nước thu về hơn 2.100 tỷ đồng

Hồ Mai - 29/08/2016 13:54 (GMT+7)

(VNF) - Đợt IPO lớn nhất năm 2016 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) ngày 29/8 đã mang về cho Nhà nước hơn 2.100 tỷ đồng.

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa thông báo về kết quả bán đấu giá cổ phần trong đợt IPO lớn nhất năm của Công ty mẹ - Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Theo phương án IPO đã được phê duyệt, ngày 29/8 VEAM đã tiến hành chào bán ra công chúng 167 triệu cổ phần, chiếm 12,57% vốn điều lệ, với mức giá khởi điểm ban đầu là 14.290 đồng/cổ phần.

Có 240 nhà đầu tư (15 nhà đầu tư tổ chức và 225 nhà đầu tư cá nhân) đăng ký mua gần 149,5 triệu cổ phần VEAM, chiếm tỷ lệ 89,47% lượng chào bán.

Trong đó, khối lượng đặt cao nhất là 79,7 triệu cổ phần, giá đặt mua cao nhất là16.520 đồng/cổ phần. Tổng số nhà đầu tư trúng giá: 240 nhà đầu tư.

Số lượng cổ phần trúng giá của nhà đầu tư nước ngoài là 30 triệu cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được là 2.136.367.345.000 đồng.

VEAM có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, tương đương 1.328.800.000 cổ phần, trong đó, cổ phần vốn Nhà nước là 677.688.000 cổ phần, chiếm 51%; cổ phần ưu đãi bán cho người lao động 5.669.100 cổ phần, chiếm 0,43%; các nhà đầu tư qua đấu giá 167.074.900 cổ phần, chiếm 12,57%; nhà đầu tư chiến lược 478.368.000 cổ phần, chiếm 36% vốn điều lệ.

Được thành lập năm 1990, trực thuộc Bộ Công thương, sau 25 năm phát triển, VEAM giữ vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam về máy động lực và máy nông nghiệp sản xuất.

Hiện nay, VEAM là nhà cung cấp phụ tùng chính thức cho các liên doanh lớn tại Việt Nam như: Honda, Piaggio, Yamaha… Với năng lực hiện thời, VEAM có thể sản xuất được các chi tiết phần khung và chi tiết phần động cơ, đặc biệt có những chi tiết động cơ dạng khó như: trục khuỷu (Crankshaft), tay biên (Connecting Rod)… Hợp tác với các công ty lớn đã giúp VEAM nâng cao thương thiệu và đã có nhiều Công ty nước ngoài tìm đến đặt hàng như Sumitomo, Enkei, Konishi, Tshukuba,…

VEAM có hệ thống bao gồm 21 công ty con và công ty liên doanh liên kết hoạt động tập trung trong các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, cơ khí hỗ trợ nhau hiệu quả. VEAM đã xây dựng đươc hệ thống Đại lý rộng và đồng đều trên cả nước; do đó VEAM là đơn vị đứng thứ 2 tại lĩnh vực tiêu thụ máy động lực và máy nông nghiệp.

Theo bản công bố thông tin của đợt chào bán, liên doanh Honda và Toyota Việt Nam của VEAM đang hoạt động rất hiệu quả. Với lợi nhuận sau thuế tương ứng 8.923 và 3.375 tỷ đồng (cho kì kế toán 01/04/2014 – 31/03/2015). VEAM chiếm 30% tại liên doanh Honda Việt Nam và 20% tại liên doanh Toyota Việt Nam, đây là khoản đầu tư sinh lời hiệu quả rất cao mà không có nhiều doanh nghiệp có được.

Trên thị trường xe máy liên doanh Honda Việt Nam của VEAM chiếm 70% thị phần. Với thị trường ô tô 3 liên doanh Toyota, Honda, Ford chiếm 35% thị phần xe hơi tại Việt Nam. Công ty Thaco chiếm 43% tuy nhiên Thaco sản xuất cả xe tải. Như vậy VEAM đang giữ gián tiếp 20% thị phần xe máy tại Việt Nam và 8% thị phần ô tô tại Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính của Công ty mẹ VEAM năm 2015, ghi nhận hàng loạt chỉ số kết quả kinh doanh tăng trong kỳ. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm 2015, VEAM đạt 1.892 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2014.

Cùng với đó trong năm 2015, Công ty mẹ VEAM ghi nhận khoản lợi nhuận lớn đến từ hoạt động kinh doanh đạt 3.367 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với con số 851 tỷ đồng năm 2014. Sự gia tăng vượt trội lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VEAM này chính là ở khoản doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 3.433 tỷ đồng.

Cụ thể trong năm 2015, Công ty mẹ VEAM đã được chia cổ tức, lợi nhuận lên tới 3.391 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết của mình. Và cũng không phải đâu xa xôi mà phần lớn khoản lợi nhuận được chia này lại đến từ chính 2 công ty liên doanh mà VEAM mới đánh giá lại tài sản đầu tư đó là Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam lần lượt là 2.677 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ so với năm 2014, và 678 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.