Bản đồ số, thực tế ảo... 'chìa khoá' để du lịch bước vào kỷ nguyên số
Khánh Hồng -
02/06/2024 07:00 (GMT+7)
(VNF) - Chuyển đổi số đã mang lại vô vàn cơ hội và được xem là “chìa khóa” cho ngành du lịch Quảng Nam phát triển bứt phá.
Trong cuộc trò chuyện với Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết chuyển đổi số là chủ trương lớn của tỉnh, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, trong đó có du lịch số.
- Thời gian qua, ngành du lịch Quảng Nam đã ứng dụng chuyển đổi số như thế nào để quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Thời gian qua, ngành du lịch Quảng Nam đã có sự chuẩn bị, chủ động tiếp cận xu hướng chuyển đổi số, qua đó đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, địa phương đã triển khai xây dựng và khai trương vận hành Hệ thống phần mềm Du lịch thông minh, hình thành nền tảng số hỗ trợ kết nối mang đến sự thuận tiện và thân thiện với tất cả các nhóm đối tượng người dùng từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp đến du khách.
Có thể kể đến trang thông tin visitquangnam.com với nhiều ngôn ngữ để quảng bá du lịch Quảng Nam đến với thế giới; kênh Youtube, kênh Zalo, Facebook, TikTok, X, Instagram...; hệ thống các ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch dễ dàng và thuận tiện triển khai các hoạt động du lịch, qua đó kích cầu du lịch, giúp du lịch phục hồi và tăng trưởng trở lại sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Như vậy, ngành du lịch Quảng Nam đã hình thành cấu trúc tổng thể của hệ sinh thái hướng tới phát triển du lịch thông minh và tạo dựng những công cụ hỗ trợ các nhóm chủ thể dễ dàng tham gia, khai thác hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chung của ngành.
- Ông có thể cho biết du lịch địa phương đang ứng dụng, triển khai những phần mềm nào trong chuyển đổi số?
Đó là Một cửa điện tử và thủ tục hành chính ngành du lịch được tích hợp chung vào hệ thống thông tin của tỉnh Quảng Nam. Hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam bao gồm: Cổng thông tin du lịch với tên miền https://quangnamtourism.com.vn/ và ứng dụng trên thiết bị di động có từ khóa “QuangNam Tourism” chạy trên hai hệ điều hành di động iOS và Android; hệ thống chatbot; hệ thống phân tích, đánh giá, phản hồi mạng xã hội về du lịch Quảng Nam; hình ảnh, video clip và các tính năng tương tác trực quan, tham quan thực tế ảo như 3D, AR, VR360.... Ngoài ra, bản đồ số du lịch Quảng Nam được tích hợp, giúp các du khách tìm kiếm thông tin dẫn đường chuyến đi.
Website visitquangnam.com và các công cụ quảng bá mạng xã hội như: Facebook, Instagram, X, YouTube hiện nay đang được xã hội hóa, do Tập đoàn Thiên Minh triển khai vận hành hoạt động.
Khu đền tháp Mỹ Sơn đã triển khai ứng dụng Hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, ứng dụng tham quan ảo VR360. Đối với thành phố Tam Kỳ có ứng dụng bản đồ số du lịch “Tam Kỳ một chạm”; huyện Tiên Phước, đã có Cổng thông tin Du lịch huyện (http://dulich.tienphuoc.quangnam.gov.vn/) và trang thông tin giới thiệu Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (http://locyentourism.tienphuoc.quangnam.gov.vn/). Đặc biệt, thành phố Hội An đã ứng dụng Du lịch thực tế ảo tăng cường, Du lịch ảo Hội An-metaverse để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hội An đến với du khách.
- Ông nhận định thế nào về những kết quả mà chuyển đổi số đã mang lại thành công cho ngành du lịch Quảng Nam?
Chuyển đổi số là chủ trương lớn của tỉnh, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, trong đó có du lịch số. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số trong du lịch một cách hiệu quả, có giá trị thiết thực, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành du lịch.
Đến nay, ngành du lịch Quảng Nam đã tiến hành số hóa hơn 10 nghìn file dữ liệu hình ảnh điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; 9 nghìn file thô và gần 100 phim, trailer về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch, di sản văn hóa phi vật thể… Về phía doanh nghiệp, do đặc thù của ngành nên từ lâu hầu hết doanh nghiệp du lịch ở địa phương đã tham gia số hóa ở nhiều quy trình vận hành, nhất là ở các khâu như marketing, đặt dịch vụ…
QuangNam Tourism hỗ trợ cho ngành du lịch Quảng Nam có thêm một công cụ nữa để thúc đẩy công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Nam đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước; thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động ngành du lịch trong thời gian tới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin…
Lợi ích ban đầu mà chúng tôi có được đó là giúp cho các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh du lịch của địa phương có một công cụ để giúp họ quảng cáo các sản phẩm du lịch, có công cụ để truyền thông, tương tác với du khách. Đối với cơ quan quản lý, chúng tôi chỉ đạo các bộ phận xúc tiến du lịch đăng tải các thông tin đặc trưng về du lịch Quảng Nam, những điểm đến hấp dẫn, tin tức về du lịch để du khách trong và ngoài nước có thể biết đến. Bên cạnh đó, chúng tôi có kênh để đánh giá, phân tích nhu cầu, hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng để điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch cho tỉnh trong thời gian đến.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch đưa đến vô vàn cơ hội cho các doanh nghiệp cùng ngành. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và blockchain giúp tính minh bạch và an toàn trong quá trình thanh toán và giao dịch. Ngoài ra, việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến giúp tăng cường trải nghiệm của khách hàng, tạo ra sự tiện lợi, dễ dàng, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số cũng cho phép các doanh nghiệp du lịch sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu khắt khe, đa dạng của thị trường. Ví dụ như các dịch vụ du lịch ảo, du lịch mô phỏng, du lịch thực tế ảo… sẽ đưa tới khách hàng những trải nghiệm mới lạ, thú vị. Trước các thách thức mới, việc chuyển đổi số cũng giúp các doanh nghiệp trở nên chủ động hơn trong trong việc ứng phó, đảm bảo vận hành dù điều kiện khách quan thay đổi, trở nên bất lợi (như đại dịch toàn cầu).
Chuyển đổi số trong ngành du lịch chính là việc tiến hành chuyển dịch từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn nhằm tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách du lịch theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu. Nhờ vậy, du khách sẽ được trải nghiệm những dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí thuận tiện, đẳng cấp và đáng nhớ.
Trong thời gian tới, ngành du lịch phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý đồng bộ cho thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong du lịch; thiết lập các chuẩn mực pháp lý, quy tắc ứng xử trên môi trường số hình thành xã hội số... Bên cạnh đó, ngành phát triển hạ tầng số và các ứng dụng số như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn; phát triển nguồn nhân lực số, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các xu thế mới.
Mặc dù việc chuyển đổi số trong ngành du lịch còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nếu được thực hiện đúng cách, nó sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp. Đây là “chìa khóa” cho ngành du lịch phát triển bứt phá.
- Vậy những khó khăn mà ngành du lịch địa phương đã và đang gặp phải khi triển khai chuyển đổi số là gì, thưa ông?
Quá trình chuyển đổi số du lịch được tỉnh đặc biệt quan tâm nhưng cơ chế đặc thù để “số hóa” điểm đến, quá trình triển khai thực hiện “số hóa”, “thông minh hóa” điểm đến còn nhiều bất cập. Các hoạt động “số hóa” còn rời rạc, chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ, kết nối đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành để đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp khó khăn.
Công tác tuyên truyền vận động cộng đồng, doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng, dịch vụ công nghệ chưa mang lại hiệu quả cao. Tại một số địa phương, đơn vị doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò ứng dụng công nghệ trong quản lý và cung cấp dịch vụ du lịch, do đó công tác triển khai thực hiện còn dàn trải.
Nguồn vốn đầu tư cho công nghệ thông tin chủ yếu là ngân sách địa phương, chưa thu hút được các nguồn vốn khác; hình thức thuê dịch vụ công nghệ còn hạn chế; kinh phí đầu tư trang bị hạ tầng công nghệ còn thiếu, nhất là cơ quan quản lý nhà nước.
Một khó khăn chung của doanh nghiệp nữa là chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ số quá cao, ảnh hưởng lớn đến lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Thêm vào đó, các doanh nghiệp du lịch khó khăn trong quá trình lựa chọn phần mềm phù hợp với quy mô vận hành, thậm chí khi đã có công nghệ, họ vẫn chưa tạo được nền tảng kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ nhân lực nên việc quản lý và sử dụng chưa mang lại hiệu quả cao nhất.
Chuyển đổi số du lịch ở Quảng Nam hiện đang được triển khai chủ yếu trong hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến, đặt dịch vụ; hỗ trợ khách khám phá trải nghiệm…, còn những lĩnh vực khác như bán sản phẩm, quản lý du lịch… chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Hiện tại, các điểm đến đã bán sản phẩm trực tiếp đến khách hàng qua các ứng dụng thông minh nhưng hoạt động này còn nhỏ lẻ, do đó sự lan tỏa còn nhiều hạn chế. Chưa có sàn giao dịch thương mại điện tử về du lịch là một ví dụ điển hình.
- Có ý kiến cho rằng, cần xây dựng các chính sách tài chính, huy động vốn đầu tư ưu đãi, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực chuyển đổi số trong du lịch. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
Chuyển đổi số trong du lịch cần có sự khác biệt. Các doanh nghiệp du lịch sớm nhận thức được vai trò và áp dụng công nghệ số hơn các doanh nghiệp ngành nghề khác. Để chuyển đổi số du lịch hiệu quả, cần nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp như chính sách chi ngân sách nhà nước, chính sách thuế, chính sách tín dụng và chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính sách tài chính, huy động vốn đầu tư ưu đãi, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch cũng đặc biệt quan tâm.
Đặc biệt, sắp đến tỉnh Quảng Nam sẽ đưa vào ứng dụng Hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là sản phẩm đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số du lịch của tỉnh, xã hội hóa để doanh nghiệp đồng hành với chính quyền, qua đó tăng thêm sự hiệu quả, để chuyển đổi số nhanh đi vào cuộc sống.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.