Tài chính

Báo cáo tài chính tự lập của Thủy sản Hùng Vương tiếp tục 'vênh' sau kiểm toán

(VNF) - Chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán tăng thêm 545 tỷ đồng khiến Thủy sản Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) ghi nhận lỗ 705 tỷ đồng sau thuế, khiến tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2017 gần 424 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính tự lập của Thủy sản Hùng Vương tiếp tục 'vênh' sau kiểm toán

Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho năm tài chính 2016-2017 (kết thúc vào ngày 30/9/2017) với khoản lỗ hơn 705 tỷ đồng. Đặc biệt, tính đến 30/9/2017, tổng nợ phải trả của HVG là 11.378 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 10.678 tỷ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn (9.868 tỷ đồng).

Về kết quả kinh doanh trong niên độ tài chính 2016-2017, HVG đạt doanh thu năm 2017 là 15.514 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2016. Giá vốn bỏ ra hơn 14.435 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh còn gần 1.080 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh thu xuất khẩu đối với hoạt động chế biến, nuôi trồng thủy sản đạt gần 7.311 tỷ đồng, chiếm 47% tổng doanh thu.

Tổng doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm gần 100 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng so với năm trước đó - đây chủ yếu nhờ ghi nhận khoản cổ tức, lợi nhuận được chia. Tuy nhiên, trong năm công ty chi đến 625 tỷ đồng vào chi phí tài chính, tăng gần 50 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó có 506 tỷ đồng chi trả lãi vay.

Về chi phí bán hàng, trong năm 2017, HVG chi hơn 478 tỷ đồng, giảm 35 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Đáng chú trong năm công ty chi hơn 756 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng đột biến gấp 2,8 lần số tiền chi ra trong năm 2016. Nguyên nhân chi phí này tăng đột biến được Thủy sản Hùng Vương lý giải trong báo cáo là do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 566 tỷ đồng trong năm, trong khi năm 2016 khoản trích lập dự phòng chỉ hơn 70 tỷ đồng.

Năm 2017 các công ty liên doanh liên kết ghi lỗ về hơn 7 tỷ đồng, trong khi năm trước đó ghi lỗ hơn 32 tỷ đồng.

Kết quả kết thúc năm tài chính 2016-2017, Thủy sản Hùng Vương ghi nhận số lỗ lũy kế đến 30/9/2017 hơn 423 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 2.450 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu hơn 2.270 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đó trên báo cáo tài chính quý 4 năm tài chính 2016-2017 do HVG tự lập, lũy kế cả năm doanh nghiệp này đạt doanh thu 15.864 tỷ đồng, cao hơn 350 tỷ đồng so với báo cáo sau kiểm toán. Đồng thời, trong báo cáo tài chính tự lập, Thủy sản Hùng Vương ghi lỗ gần 63 tỷ đồng trong khi kết quả kiểm toán lại lên tới 705 tỷ đồng, tăng thêm 642 tỷ đồng sau kiểm toán.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch này chủ yếu là do giá trị khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp do công ty tự lập hơn 211 tỷ đồng trong khi đó kiểm toán điều chỉnh tăng thêm 545 tỷ đồng, lên thành 756 tỷ đồng; chi phí tài chính điều chỉnh tăng hơn 21 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên báo cáo tài chính kiểm toán năm tài chính 2016-2017, kiểm toán viên cũng nêu: "Như trình bày trong báo cáo tài chính hợp nhất, Tập đoàn đã phát sinh khoản lỗ sau thuế gần 713 tỷ đồng. Ngoài ra cũng tại ngày này, lỗ lũy kế của công ty gần 424 tỷ đồng; tổng nợ ngắn hạn vượt qua tài sản ngắn ngắn hạn gần 820 tỷ đồng. Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi nghờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn".  

Tin mới lên