(VNF) - Việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được hưởng cơ chế bao tiêu sản phẩm nhưng không có cam kết về mức cung ứng tối thiểu ra thị trường khiến thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước.
Trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra các vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, cử tri và nhân dân trong thời gian qua. Trong đó, nhấn mạnh các bất cập trong cung ứng xăng dầu dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.
Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra việc chưa thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đơn vị liên quan việc thị trường xăng dầu trong nước thiếu hụt nguồn cung năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn tháng 1-2/2022, nguồn cung xăng dầu thiếu hụt do năng lực sản xuất trong nước. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tỷ lệ đáng kể (35-40%) trong tổng cung nội địa nhưng giảm công suất còn 55-80%.
Nguyên nhân của tình trạng này là do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn được áp dụng cơ chế bao tiêu sản phẩm nhưng không có cơ chế cam kết về mức sản xuất tối thiểu để bảo đảm an ninh năng lượng, thiếu căn cứ xử lý khi xảy ra vướng mắc. Việc này khiến thị trường trong nước vào thế bị động khi phải tìm kiếm nguồn cung thay thế ngoài kế hoạch, nhất là khi nguồn cung thế giới cũng khan hiếm, giá nhập khẩu ở mức cao.
Cũng theo báo cáo của đoàn giám sát, trong năm 2023, sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt tháp tái sinh của phân xưởng RFCC của nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1 giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch. Diễn biến này làm tăng nguy cơ không đủ nguồn cung cho thị trường.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, để chủ động về nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra thiếu hụt xăng dầu, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương lên kế hoạch nhập khẩu bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Vì vậy, cần xem xét hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan tới điều hành thị trường xăng dầu, sớm đề xuất triển khai các kho dự trữ quốc gia theo quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ phê duyệt cùng các cơ chế vận hành phù hợp.
Do chưa có hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia nên hiện nay toàn bộ xăng dầu dự trữ quốc gia đang bảo quản tại kho thuê của 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc bảo quản chung với doanh nghiệp đang không đúng theo khoản 1 Điều 51 Luật Dự trữ quốc gia năm 2012 quy định hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ riêng đúng địa điểm quy định.
Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng phương án nâng tổng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu lên 15 ngày vào năm 2025 và 30 ngày vào năm 2030.
Đối với việc tuân thủ quy định mức dự trữ xăng dầu tối thiểu, Đoàn giám sát đề nghị cần tăng cường thanh kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm các thương nhân vi phạm quy định mức dự trữ xăng dầu tối thiểu. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất cũng cần tuân thủ đúng cam kết với các khách hàng và cơ quan chức năng.
Mặt khác, báo cáo của đoàn giám sát khẳng định cần xem xét các thỏa thuận hợp tác đối với nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. "Đã được hưởng cơ chế bao tiêu sản phẩm, cơ chế bù giá nhưng không có cam kết về mức cung ứng tối thiểu ra thị trường là không hợp lý, cần sớm được xử lý trong thời gian tới", báo cáo nêu.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương hồi tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Trong những đợt khan hiếm xăng dầu thời gian qua, việc giảm sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn được cho là nguyên nhân không nhỏ".
Hiện nay, khoảng 70% nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (đơn vị thành viên PVN) và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trong đó, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn (Thanh Hóa) có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm (gần gấp đôi công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi).
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Trong đó, phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp vốn 25,1%.
Nhà máy này vận hành thương mại từ cuối năm 2018, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, chiếm 35-40% thị phần.
Đây là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu tầm cỡ thế giới và phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu ở Việt Nam. Ngoài các sản phẩm chủ lực là khí hóa lỏng LPG, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn còn sản xuất sản phẩm hóa dầu như: benzen, polypropylene và lưu huỳnh...
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.