Bất động sản

Bất động sản Việt Nam sẽ đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% GDP vào năm 2030

(VNF) - Theo báo cáo “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách” của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa công bố, trong vòng 10 năm tới (2020 - 2030), quy mô tài sản bất động sản sẽ tăng từ 205,26 tỷ USD lên 1.232,29 tỷ USD, tương đương 22% GDP.

Bất động sản Việt Nam sẽ đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% GDP vào năm 2030

Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách

Theo nhóm nghiên cứu đề tài khoa học, đóng góp của thị trường bất động sản (nhóm nghiên cứu tính toán theo nghĩa mở rộng và ISIC) trong GDP năm 2019 là 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%. Chưa kể đến bất động sản gián tiếp trong ngành xây dựng thì phần trăm đóng góp của bất động sản cũng khoảng 10,49% GDP (năm 2019).

Nếu tính thêm nhân tố vốn là đất, đóng góp của bất động sản chiếm tới 13,6% GDP. Có thể ước tính tỷ trọng bất động sản đóng góp vào tổng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14,88%.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng khi nhu cầu sử dụng cuối cùng (final demand) của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng; ngành kinh doanh bất động sản tăng 1 tỷ đồng cho nhu cầu cuối cùng sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất 0,402 tỷ đồng và 0,12 tỷ đồng đến giá trị tăng thêm.

Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%, GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là Công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…

Báo cáo cũng phân tích vai trò của thị trường bất động sản đối với việc phát triển nhà ở và quá trình đô thị hóa.

Bên cạnh đó, báo cáo đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, năm 2020, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỷ USD/986,82 tỷ USD); năm 2025 là 21,2% (462,7 tỷ USD/2.183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1.232,29 tỷ USD/5.601,31 tỷ USD).

Về dự báo giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản giai đoạn 2020, 2025 và 2030, nhóm nghiên cứu cho biết năm 2020, giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản ước đạt 484,9 nghìn tỷ đồng (20,89 tỷ USD), chiếm 7,70 % GDP; năm 2025 ước đạt 1.249,8 nghìn tỷ đồng (53,84 tỷ USD), chiếm 9,72% GDP; năm 2030 ước đạt 3.428,7 nghìn tỷ đồng (147,71 tỷ USD), chiếm 13,6% GDP.

Nhóm nghiên cũng đưa ra dự báo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam đến 2030 và đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, nhóm giải pháp cần thực hiện ngay bao gồm 5 nhóm giải pháp: về hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính; về tín dụng; về lĩnh vực thuế; về lĩnh vực bảo hiểm xã hội; về tiền ký quỹ dự án đầu tư.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng với vai trò là “chim báo bão”, khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế cũng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Trên thực tế, khủng hoảng của nền kinh tế thường xuất phát từ khủng hoảng của thị trường bất động sản. Và ngược lại, khi lĩnh vực này phục hồi, chính là dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế như kinh nghiệm từ Mỹ và Thái Lan.

Ở Việt Nam hiện nay, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang phải đối diện với vô số khó khăn, có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông Chiến cũng phân tích, việc nghiên cứu sự biến động của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản đến nền kinh tế rất mở của nước ta, từ đó đề ra định hướng, giải pháp tăng cường, phát huy vai trò của thị trường bất động sản là hết sức có ý nghĩa, cần thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và khách hàng đã, đang và sẽ tham gia thị trường bất động sản, nhất là trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cùng với các diễn biến trong môi trường chính trị - xã hội thời gian qua.

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, đây là một công trình nghiên cứu mà ông đánh giá rất sâu về thị trường bất động sản, trong ngành ngân hàng cũng chưa có nghiên cứu nào phân tích về sự lan tỏa vào tầng giá trị gia tăng trên một lao động.

“Qua đề tài nghiên cứu này, có thể khẳng định vai trò quan trọng của thị trường bất động sản, đó là một thị trường nền tảng”, ông Nghĩa bình luận.

Vị tiến sĩ cho biết năm 2015, tại thị trường chung 16 nước châu Âu, cho vay bất động sản là 19%, cho vay tiêu dùng 41%. Cho vay sản xuất của cả châu Âu chỉ có 8%, nhưng tại thị trường Việt Nam thì cho vay sản xuất vẫn cao.

“Dần dần chúng ta cần thay đổi quan niệm, cần có một số thị trường là nền tảng và tôi cho rằng bất động sản là một trong những thị trường nền tảng. Thị trường nền tảng thứ hai là vận tải thương mại và vận tải cá nhân, chiếm tỷ trọng 14% của thị trường các nước châu Âu, sau tiêu dùng, bất động sản”, ông Nghĩa nói.

Tin mới lên