Ngân hàng

BIDV 'đại tu' trước thềm bán vốn

(VNF) - Áp lực của BIDV không chỉ là phải bán được vốn, mà còn phải bán “được giá”.

BIDV 'đại tu' trước thềm bán vốn

BIDV 'đại tu' trước thềm bán vốn

Cuối năm 2019, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank. Đây là thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam với giá trị gần 20.300 tỷ đồng.

Suốt tiến trình bán vốn, giá cổ phiếu BID đã tăng rất nhịp nhàng, góp phần vào thành công chung của thương vụ. Thống kê cho thấy nửa cuối năm 2019, giá cổ phiếu BID đã tăng tới 50%, đưa định giá P/B của cổ phiếu này lên nhóm cao nhất ngành ngân hàng.

Sau thương vụ bán vốn rất thành công và thu về nguồn lực tài chính lớn, BIDV bước vào một năm cao điểm để “dọn dẹp” báo cáo tài chính. Năm 2020, BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng kỷ lục hơn 23.300 tỷ đồng, trong đó, hơn 2.000 tỷ đồng là trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt tại VAMC, qua đó tất toán toàn bộ nợ xấu tại đây. Gần 21.300 tỷ đồng còn lại, một mặt để nâng dự phòng rủi ro tín dụng toàn ngân hàng, mặt khác, ngân hàng dành tới 16.800 tỷ đồng dự phòng để xóa nợ xấu.

Kết quả là tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC) của BIDV giảm từ khoảng 2,01% cuối năm 2019 xuống 1,76% cuối năm 2020 (trong đó, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn trong tổng dư nợ cho vay giảm rất mạnh từ 1,36% xuống 0,52%). Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC) tăng từ 65% lên 89%, cho thấy “bộ đệm” phòng ngừa rủi ro tín dụng đã được nâng cao hơn đáng kể.

Trích lập dự phòng cao là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế năm 2020 của BIDV suy giảm 16% so với năm 2019, đạt hơn 9.000 tỷ đồng, càng làm bật lên quyết tâm “làm sạch” báo cáo tài chính của ngân hàng này.

Diễn biến giá cổ phiếu BID từ năm 2017 tới nay. Nguồn đồ thị: TradingView

Bước sang năm 2021, BIDV chính thức khởi động một đợt bán vốn mới. Theo đó, tháng 3/2021, đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng này đã chính thức thông qua phương án chào bán thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tương đương khoảng 8,5% vốn điều lệ của BIDV. Theo thông tin sơ bộ từ đại hội, KEB Hana Bank chưa có ý định tham gia đợt tăng vốn mới này dù tỷ lệ sở hữu tại BIDV sẽ giảm nhẹ nếu ngân hàng phát hành cổ phiếu thành công cho nhà đầu tư khác.

Đầu tiên phải kể đến việc tỷ lệ nợ xấu của BIDV tính đến cuối năm 2021 đã về mức thấp nhất 10 năm, ở mức 0,98%. Trước đó, suốt giai đoạn 2012 – 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng này dao động trong khoảng 1,61% - 2,92%; nếu tính cả nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC, khoảng dao động là 1,76% - 5%.

Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vọt lên mức 219%, đưa BIDV vào top 3 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất cao nhất hệ thống. Trước đó, trong giai đoạn 2012 – 2020, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng của ngân hàng này chỉ ở mức khoảng 65% - 89% và khoảng 26% - 89% nếu tính cả nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC.

Để nâng được tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục, BIDV cũng chấp nhận nâng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2021 lên hơn 29.400 tỷ đồng, phá kỷ lục của năm 2020. Dù vậy, ngân hàng này vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận lên tới 51%, đạt hơn 13.600 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Kết quả này có được là nhờ nguồn thu dồi dào từ hoạt động kinh doanh. Năm vừa qua, hoạt động tín dụng đem về cho BIDV tới hơn 46.800 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, cao nhất trong các ngân hàng niêm yết và tăng 31% so với năm 2020. Một trong những yếu tố quan trọng giúp BIDV đạt được thu nhập ấn tượng trên là do chi phí huy động giảm, nhờ giảm lãi suất huy động cũng như gia tăng tiền gửi không kỳ hạn (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng của ngân hàng này tăng từ 18% cuối năm 2020 lên 19,4% cuối năm 2021).

Song song, hoạt động phi tín dụng đem về hơn 15.500 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 9%.

Cùng với việc chi phí hoạt động được kiểm soát và tối ưu tốt khi chỉ tăng 9%, khấu trừ thu nhập – chi phí, lợi nhuận thuần trước dự phòng của BIDV đạt hơn 43.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 33% so với năm 2020, tạo nguồn lực để ngân hàng tiếp tục mạnh tay trích lập dự phòng.

BIDV hiện chưa công bố tỷ lệ an toàn vốn cuối năm 2021 nhưng theo số liệu tính tới cuối tháng 6/2021, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và hợp nhất của ngân hàng này lần lượt ở mức 8,45% và 8,81%, chỉ cao hơn một chút so với ngưỡng tối thiểu 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nhìn sang các ngân hàng tư nhân hàng đầu như VPBank và Techcombank, tỷ lệ an toàn vốn hiện đang ở mức 14% - 15%, hay như “ông lớn” MB cũng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn 11%, có thể thấy tầm quan trọng của thương vụ bán vốn sắp tới của BIDV. Ngân hàng này không chỉ phải bán được vốn, mà còn phải bán “được giá”, bởi dư địa bán vốn của các ngân hàng quốc doanh bị hạn chế do các quy định về tỷ lệ sở hữu Nhà nước.

Thêm vào đó, BIDV không phải là ngân hàng có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao khi năm 2021 chỉ ở mức khoảng 13%, trong khi các ngân hàng ngoài quốc doanh lớn như ACB, MB, Techcombank đều ở mức trên 20%. ROE càng thấp thì mức độ bổ sung vốn chủ sở hữu hàng năm từ nguồn lợi nhuận giữ lại càng ít, kéo theo tỷ lệ an toàn vốn càng dễ bị bào mòn, nhất là khi tăng trưởng tín dụng cao, do đó ngân hàng quốc doanh như BIDV càng chịu áp lực phải tăng cường huy động vốn từ bên ngoài để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (do khả năng Quốc hội đồng ý để ngân sách rót thêm “tiền tươi” vào ngân hàng là rất thấp).

Có thể nhìn sang câu chuyện điển hình của VietinBank và Techcombank. Một vài năm trở lại đây, VietinBank phải “thắt lưng buộc bụng” trong tăng trưởng tín dụng bởi tỷ lệ an toàn vốn ở mức thấp. Ngân hàng này bế tắc trong huy động nguồn vốn chủ sở hữu từ bên ngoài do không còn dư địa (tỷ lệ sở hữu nhà nước đã ở mức tối thiểu 65%), trong khi ROE không phải mức cao nên mức độ gia tăng vốn chủ sở hữu khá chậm, không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, đối với Techcombank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết với ROE cao như hiện tại thì năm 2022, Techcombank thậm chí có thể giữ tăng trưởng tín dụng cao như năm 2021 (trên 20%) mà không làm thay đổi tỷ lệ an toàn vốn, tức là nguồn lợi nhuận giữ lại hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở mức cao.

Một điểm nữa cũng cần lưu ý là các tổ chức quốc tế rất coi tỷ lệ an toàn vốn khi đánh giá tiềm lực cũng như rủi ro của ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn cao có thể là nguyên nhân quan trọng khiến tổ chức quốc tế quyết định cho ngân hàng vay vốn với lãi suất thấp.

Thời gian qua, giá cổ phiếu BID đã có tín hiệu bật tăng mạnh mẽ sau thời gian dài biến động trong xu hướng đi ngang. Cụ thể, giá cổ phiếu BID đã tạo đỉnh mới 49.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 25/1/2022, cao hơn tới 58% so với thời điểm 3 tháng trước đó. Diễn biến này có phần tương tự như thời kỳ diễn ra tiến trình bán vốn cho KEB Hana Bank. Giới đầu tư đang kỳ vọng rằng, thương vụ bán vốn sắp tới của BIDV sẽ tiếp tục là một thương vụ thành công.

Tin mới lên