Bộ Công Thương đã lo sợ an ninh lương thực như thế nào?

Bội Thu - 28/04/2020 13:38 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Công Thương cho rằng nếu hồi tháng 3/2020, Việt Nam vẫn giữ nguyên tốc độ xuất khẩu gạo thì giai đoạn từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2020, lượng gạo xuất khẩu sẽ "ăn" vào lượng gạo dành cho nhu cầu trong nước. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ dừng kí hợp đồng xuất khẩu gạo mới.

VNF
Bộ Công Thương đã lo sợ an ninh lương thực như thế nào?

Như VietnamFinance đã thông tin, hôm 27/4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo, đồng nghĩa là cho khôi phục việc xuất khẩu gạo như trước đây.

Lý giải cho động thái này, Bộ Công Thương cho hay sau khi có được đầy đủ số liệu về lượng lúa thu hoạch được, Bộ ước tính lượng gạo có thể xuất khẩu trong thời gian từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6/2020 (thời điểm vụ Hè Thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn (chưa tính lượng gạo hàng hóa được bổ sung từ thu hoạch sớm tại một số vùng trong nửa cuối tháng 5, dự kiến khoảng 100 nghìn ha).

Với năng lực xuất khẩu hiện tại thì kể cả trong trường hợp tháng 5 xuất khẩu được 700 nghìn tấn, Việt Nam vẫn còn tồn ít nhất là 600 nghìn tấn trong nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ vụ Hè Thu thu hoạch rộ.

Việc cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại chính là để "cứu nguy" cho khối lượng gạo chờ xuất khẩu này.

Từ động thái mới trong điều hành xuất khẩu gạo, dư luận có thể nhìn lại nỗi lo sợ mang tên "an ninh lương thực" của Bộ Công Thương - nguyên nhân để bộ này đề xuất giãn xuất khẩu gạo (tiền đề để Chính phủ dừng xuất khẩu gạo mới) - ở thời điểm nửa cuối tháng 3/2020.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho hay hồi giữa tháng 3/2020, nhu cầu lương thực của thế giới tăng rất mạnh. Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng thực tế mà các nước xuất khẩu gạo vẫn có thể đáp ứng, thị trường đã xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia.

Điều này khiến giao dịch gạo trong thời gian đầu tháng 3 rất sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam. Giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam (2 quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo lớn) được mùa.

Bộ Công Thương khi ấy cho rằng nếu tiếp tục giữ tốc độ xuất khẩu bình quân 25 nghìn tấn/ngày như 15 ngày đầu tháng 3 thì xuất khẩu gạo quý I/2020 sẽ đạt gần 1,7 triệu tấn, đến hết tháng 5 năm 2020 sẽ đạt 3,2 triệu tấn, bằng đúng tổng lượng gạo vụ Đông Xuân có thể dành cho xuất khẩu.

"Như vậy, trong giai đoạn giáp hạt từ khoảng cuối tháng 5 cho đến khi vụ Hè Thu thu hoạch rộ (khoảng giữa tháng 6), xuất khẩu sẽ bắt đầu lạm vào lượng gạo lẽ ra phải dành cho nhu cầu trong nước.

"Trong điều kiện bình thường, ta có thể cân đối được nhưng vào thời điểm 23/3, khi Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tâm lý người dân rất không ổn định thì nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực, thậm chí có thể tới sớm hơn thời điểm cuối tháng 5/2020", Bộ Công Thương giải thích nỗi lo an ninh lương thực của mình.

Một yếu tố khác khiến Bộ Công Thương lo lắng cho an ninh lương thực là kết quả vụ Đông Xuân của 31 tỉnh, thành phố phía Bắc. Theo bộ này, với diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu và nhuận hai tháng Tư âm lịch, nguy cơ bùng phát các nhóm sinh vật, sâu bệnh gây hại cho lúa vụ Đông Xuân là có.

Vụ Đông Xuân lại là vụ lúa rất quan trọng, quyết định 60% sản lượng lương thực của khu vực này. Do vậy, nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dù được mùa, cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu với tốc độ lên tới 25 nghìn tấn/ngày.

Đứng trước các lo ngại này, ngày 23/3/2020, Thường trực Chính phủ quyết định tạm thời giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, đặt an toàn của người dân lên hàng đầu, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ thời điểm, địa điểm nào trong cả nước.

Bộ Công Thương giải thích thêm rằng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên thế giới, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng buộc phải đưa ra các động thái tương tự để bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân (như Thái Lan phải tạm ngừng xuất khẩu trứng, Campuchia tạm ngừng xuất khẩu thóc và gạo trắng, Ủy ban Kinh tế Á - Âu tạm ngừng xuất khẩu gạo, kiều mạch, hành, tỏi, ngũ cốc, bột mì, lúa mạch đen, đậu nành và một số loại thực phẩm chế biến sẵn...).

Được biết, phản ứng trước việc Việt Nam hạn chế xuất khẩu gạo, các nước Philippines, Australia, Nhật Bản, Singapore, Mông Cổ, Lào… đã có văn bản gửi đến Bộ Công Thương để bày tỏ ý kiến về hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Các nước này đề nghị Việt Nam sớm khôi phục hoàn toàn xuất khẩu gạo vì lương thực, ngoài ý nghĩa kinh tế, còn có ý nghĩa nhân đạo, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Trong một diễn biến liên quan, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự báo sẽ cân nhắc việc nới lỏng lệnh phong tỏa trong những ngày đầu tháng 5 khi diễn biến dịch bệnh tại nước này nói riêng cũng như trên thế giới nói chung đang có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, dự kiến Ấn Độ sẽ cung ứng ra thị trường thế giới một lượng gạo tương đối lớn, khả năng giá gạo thế giới sẽ giảm so với hiện nay.

Trong bối cảnh đó, thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu gạo trong quý I năm 2020 của Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn.

Hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 là 400 nghìn tấn và được bổ sung 100 nghìn tấn tạm ứng trước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.

Tuy nhiên, tới ngày 24/4/2020 xuất khẩu gạo mới đạt 185.634,59 tấn. Căn cứ năng lực thông quan của hệ thống cửa khẩu quốc tế hiện nay, dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 4 sẽ dao động trong khoảng 300 - 350 nghìn tấn. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt tối đa 1,9 triệu tấn.

Cùng chuyên mục
Tin khác