Bộ Công Thương hiện đang dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Theo đó, Bộ chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Đáng chú ý, tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, có tên dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ: Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận giai đoạn 1 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa xác định thời điểm triển khai. Nhưng tổng thể, dự án này dự kiến được đầu tư thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2022. Giai đoạn 3 là năm 2025. Giai đoạn 4 năm 2028 và giai đoạn 5 là 2031.
Phối cảnh dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen
Trước đó, ngày 25/8, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 3516/QĐ-BCT bổ sung Dự án "Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận" vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.
Việc bổ sung này bị đánh giá là "vội vã" bởi trong quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do chính Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt ngày 22/8, Ninh Thuận không có tên trong danh sách các địa phương sản xuất thép. Điều này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ của dư luận dù dự án chưa được cấp phép đầu tư.
Do vậy, việc Bộ Công Thương vẫn quyết định bổ sung dự án thép Cà Ná vào trong quy hoạch hệ thống sản xuất thép lần này đã tạo ra một sự "bất ngờ" về số phận của dự án vốn gây nhiều tranh cãi.
Trước đó, trả lời chất vẫn trên diễn đàn Quốc hội liên quan dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Tôi dám khẳng định công khai ở diễn đàn này là chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường. Và tôi khẳng định ở đây không phải lợi ích nhóm. Tại sao lại là lợi ích nhóm ở đây khi chúng ta đang hướng tới một cách hài hòa và bền vững các ngành công nghiệp quan trọng của chúng ta, khai thác hợp lý và bền vững các lợi thế tài nguyên quốc gia?".
Viêc bổ sung dư án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen vào quy hoạch lần này đã gây ra bất ngờ cho dư luận
Trong một báo cáo về tình hình sản xuất thép và dự báo thị trường thép trong thời gian tới được phát đi ngày 15/11, Bộ Công Thương cho biết đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Đến năm 2025, lượng thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Bộ cho rằng, trước đây, do các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực nên Việt Nam phải kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các Khu luyện thép liên hợp. Nhưng đến nay một số doanh nghiệp Việt Nam đã đủ năng lực, có thể đầu tư các tổ hợp thép có quy mô lớn mà không cần đến nhà đầu tư nước ngoài.
Do vậy, "giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp thép. Nếu chúng ta không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao thì sẽ gây ra tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước", báo cáo của Bộ Công Thương khẳng định.
Báo cáo thị trường thép của Bộ Công Thương cho biết Việt Nam sẽ thiếu hụt 15 triệu tấn thép thô vào năm 2020
Trước những lo ngại về môi trường, Bộ Công Thương nhấn mạnh có hàng trăm tổ hợp thép lớn trên thế giới hoạt động ở cả vùng ven biển hoặc sâu trong lục địa (trong số đó có nhiều nhà máy hoạt động cả trong các thành phố lớn, đông dân cư). Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều chưa xảy ra sự cố lớn về môi trường… Các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...) vẫn phát triển các khu liên hợp luyện cán thép quy mô lớn.
"Vấn đề mấu chốt là các dự án thép phải thực hiện nghiêm túc việc đầu tư, từng khâu công nghệ, cũng như toàn nhà máy phải có đầy đủ các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, người vận hành phải tuân thủ đúng quy trình vận hành mà công nghệ đã đặt ra. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường máy móc thiết bị để giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải, xử lý chất thải, tránh tình trạng chất thải chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường".