Bộ Công Thương xin Thủ tướng sớm xử lí 127 tỷ PVC, PVC-IC gửi tại OceanBank

Tào Minh - 03/01/2019 16:20 (GMT+7)

(VNF) – Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), trong đó ưu tiên xử lí sớm các khoản tiền gửi của PVC và PVC-IC.

VNF
Bộ Công Thương xin Thủ tướng sớm xử lí 127 tỷ PVC, PVC-IC gửi tại OceanBank

Bộ Công Thương mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng về dự án Nhiệt điện Thái Bình II. Đây là báo cáo được soạn thảo dựa trên các ý kiến của Đoàn công tác liên ngành nhằm xem xét, xử lí các kiến nghị của PVN tại dự án.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình II: 1 năm qua vẫn giậm chân tại chỗ

Theo báo cáo của PVN, tính đến giữa tháng 10 năm 2018, tiến độ tổng thể của dự án Nhiệt điện Thái Bình II chỉ đạt 82,78%, trong đó thiết kế đạt 99,54%, mua sắm đạt 99,64%, gia công - chế tạo - vận chuyển đạt 93,66%, thi công đạt 78,73%.

Như vậy sau 1 năm, kể từ khi PVN báo cáo Thủ tướng hồi tháng 11/2017, dự án gần như không có tiến triển. Tiến độ tổng thể của dự án chỉ nhích thêm gần 2% (từ mức 80,9%).

Giả sử dự án Nhiệt điện Thái Bình II vận hành vào năm 2020 thì so với hợp đồng EPC đã kí năm 2011, tiến độ dự án bị chậm 55 – 57 tháng và bị chậm 27 tháng so với quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài chậm tiến độ, báo cáo của PVN cũng chỉ ra những điểm “tai hại” của dự án Nhiệt điện Thái Bình II. Cụ thể, Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) – tổng thầu dự án - chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than. Năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng cho các hợp đồng đã kí với nhà thầu phụ.

Việc PVC sử dụng tiền tạm ứng của dự án (1.115 tỷ đồng) vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện dự án. Dự kiến đến khi hoàn thành dự án, tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt khoảng 55,18 triệu USD và 1.095 tỷ đồng so với giá trị hợp đồng EPC.

Trong khi đó, PVN hiện đang gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn còn thiếu, gồm 326,8 triệu USD vốn vay nước ngoài đã hết hạn giải ngân vào 28/9/2018 (hiện vẫn chưa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn) và 342,1 triệu USD chưa kí được hợp đồng vay (dự kiến vay trong nước). Trước đó, tập đoàn cho hay tính đến tháng 10/2018, tổng số vốn đã giải ngân là 31.263 tỷ đồng, gồm 610 triệu USD và 18.424 tỷ đồng.

Bóng trong chân Ủy ban quản lí vốn nhà nước

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đã đính kèm chi tiết các câu trả lời của Đoàn công tác liên ngành đối với các kiến nghị của PVN tại dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Cụ thể, với kiến nghị PVN được sử dụng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 là lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh của tập đoàn để tập trung nguồn lực hoàn thành dự án (chi phí này sẽ được kiểm toán, quyết toán riêng), Đoàn công tác liên ngành cho rằng nội dung liên quan đến quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại PVN cần được Ủy ban quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét.

Đoàn công tác cũng đề nghị PVN báo cáo Ủy ban quản lí vốn nhà nước đối với một loạt kiến nghị khác như: cho phép sử dụng vượt vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay) đã được quy định trong dự án đầu tư; cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6/2020 (tổ máy 1) và tháng 10/2020 (tổ máy 2); cho phép miễn phạt hợp đồng với điều kiện PVC nỗ lực hoàn thành dự án theo tiến độ cam kết; cho phép không áp dụng giảm giá do chỉ định thầu so với dự toán đã được chủ đầu tư phê duyệt; chấp thuận chủ trương để PVC thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành lập dự toán chi phí quản lí tổng thầu theo tiến độ điều chỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt…

Đối với kiến nghị “chấp thuận chủ trương để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ocean Bank giải toả số dư tiền gửi của PVC (khoảng 82 tỷ đồng) và đơn vị thành viên đang thi công tại dự án là PVC – IC (45 tỷ đồng) đang bị phong tỏa để sử dụng cho dự án”, Đoàn công tác liên ngành cho hay việc này sẽ được xử lí tổng thể trong Phương án tái cơ cấu Ocean Bank và chi trả theo lộ trình sau khi Thủ tướng phê duyệt phương án này.

Đáng chú ý, Đoàn công tác liên ngành đồng ý và kiến nghị Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của PVN về xác định giá trị phần trọn gói của hợp đồng EPC theo nguyên tắc: giá trị phần thiết bị, dịch vụ nhập khẩu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 đã được Thủ tướng chấp thuận và PVN phê duyệt;

Giá trị phân công việc trước ngày 23/5/2014 và các gói mua sắm trong nước đã đấu thầu được xác định trên cơ sở lấy giá trị thấp hơn giữa hợp đồng thầu phụ và giá trị tương ứng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2, tổng dự toán điều chỉnh đã được chủ đầu tư phê duyệt;

Đối với phần giá trị điều chỉnh của hợp đồng EPC, chấp nhận đơn giá gốc phần giá điều chỉnh của hợp đồng EPC xác định tại thời điểm tháng 6/2014, đơn giá thanh toán được xác định tại thời điểm thi công phù hợp với tiến độ điều chỉnh được chủ đầu tư phê duyệt.

Về số dư tài khoản ủy thác của PVN (khoảng 955 tỷ đồng), PVN kiến nghị cho phép Ocean Bank/PVN tiếp tục gia hạn đến năm 2021 đối với hợp đồng cho vay ủy thác đã kí kết vào năm 2011 để PVC tập trung nguồn lực triển khai dự án. Tuy nhiên, với kiến nghị này, Đoàn công tác liên ngành cho rằng PVN cần thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính là khẩn trương thu hồi các khoản ủy thác cho vay (bao gồm cả khoản ủy thác cho vay đối với PVC).

Kiến nghị giao Bộ Công an giám sát thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình II

Căn cứ các nội dung báo cáo của PVN và Đoàn công tác liên ngành, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ chủ động cân đối tiến độ vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo PVN báo cáo, vận hành tháng 6 và tháng 10/2020.

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương xem xét, hướng dẫn PVN việc xác định, quản lí, sử dụng, thanh toán “chi phí khác” của tổng thầu cho phần thiết bị và dịch vụ nhập khẩu áp dụng chung cho dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình II; việc PVC thuê tư vấn chuyên ngành lập dự toán chi phí quản lí tổng thầu.

Bộ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm báo cáo Thủ tướng quyết định việc gia hạn khoản vay nước ngoài của dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại thông báo số 338 ngày 7/9/2018 của Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của PVN, PVC.

Với Bộ Công an, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao bộ này phối hợp các bộ ngành liên quan giám sát việc thực hiện dự án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu PVN đảm bảo hoàn thành dự án không chậm hơn tháng 10/2020; yêu cầu PVN chỉ đạo tổng thầu và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực đẩy nhanh công tác nghiệm thu, hoàn thành hồ sơ thanh toán theo quy định để tạo dòng tiền phục vụ dự án; kiểm soát chặt chẽ công tác quản lí, sử dụng tài chính, công tác đấu thầu tại dự án cho đúng quy định…

Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình II có quy mô công suất 2x600 MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình, được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. PVN đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định 5844/QĐ-DKVN ngày 2/7/2010.

PVC được lựa chọn làm tổng thầu EPC của dự án. Hợp đồng EPC số 9256/HĐ-DKVN ngày 11/10/2011 kí kết giữa PVN và PVC cho biết: giá trị hợp đồng EPC là 918,5 triệu USD và 5.874 tỷ đồng; thời gian hoàn thành tổ máy số 1 và số 2 tương ứng là 39 tháng và 45 tháng kể từ 22/6/2012 (ngày bắt đầu công việc theo hợp đồng EPC).

Ngày 14/10/2016, PVN đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh (lần 2, Quyết định 6175/QĐ-DKVN) với giá trị sau thuế khoảng 41.799 tỷ đồng (gồm khoảng 17.392 tỷ đồng và 1,16 tỷ USD).

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, dự án được đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 năm 2017 và tổ máy số 2 năm 2018.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.