'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng
Tổng cục Thống kê cho hay, bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23%.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê - nhận định, giá vàng trong nước tăng theo đà đi lên của giá vàng thế giới.
Hơn nữa, lãi suất tiết kiệm ngân hàng thấp, thị trường bất động sản rủi ro, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hoài nghi. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người chọn đầu tư vàng, khiến giá vàng trong nước tăng cao.
Theo giới phân tích, giá vàng tăng liên tục sẽ gây hệ lụy đến nền kinh tế. Bởi khi một nguồn tiền lớn được đổ ra thị trường vàng khiến nền kinh tế khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất.
Đã có nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm bình ổn thị trường vàng trong nước, giảm chênh lệch với giá thế giới.
Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ mới đây, các chuyên gia đề xuất bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC; thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Nói về đề xuất trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho biết ưu điểm rõ ràng là tạo ra tính cạnh tranh công bằng hơn giữa thương hiệu SJC và các thương hiệu khác. Thương hiệu SJC không khác nhiều các thương hiệu vàng khác nhưng lại có chênh lệch giá đến hơn chục triệu đồng trong thời gian qua; tạo ra giá trị ảo cho bản thân vàng SJC.
Hơn nữa, việc này góp phần tăng nguồn cung thông qua việc NHNN đề xuất xem xét cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí điều kiện để có thể cùng nhập khẩu vàng miếng về. Nó sẽ giảm bớt sự khan hiếm nguồn cung, dẫn đến quan hệ cung cầu được cân đối hơn, góp phần giảm đáng kể mức chênh lệch giữa giá vàng thương hiệu SJC và giá vàng quốc tế.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng câu chuyện sửa đổi Nghị định 24 và bỏ cơ chế độc quyền vàng, bỏ độc quyền vàng miếng SJC là nhằm để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC với các vàng miếng thương hiệu khác của Việt Nam cũng như giữa giá vàng SJC so với giá quốc tế.
Còn ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, việc bỏ độc quyền vàng miếng cũng góp phần rạch ròi câu chuyện quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh.
Chuyên gia vàng Nguyễn Thế Hùng phân tích, thị trường vàng thế giới vẫn đang chu kỳ tăng giá. Nếu không xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thì khó ổn định thị trường. Theo ông Hùng, chưa cần cho nhập khẩu, chỉ cần xóa bỏ độc quyền, giá vàng sẽ lập tức giảm ngay vài triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhìn nhận, nếu bỏ độc quyền vàng miếng SJC ngay lập tức sẽ có những tác động nhất định tới thị trường vàng Việt Nam. Giá vàng có thể giảm ngay vài triệu đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, nếu chỉ bỏ độc quyền vàng miếng mà không bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, chênh lệch giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao.
Ông Khánh thông tin, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị, trước mắt cho phép 3 doanh nghiệp (PNJ, SJC, DOJI) được nhập 1,5 tấn vàng/năm (mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm). Doanh nghiệp cũng chỉ xin nhập trong phạm vi có kiểm soát.
NHNN cho biết, cùng với đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, NHNN cho rằng, hoạt động liên quan đến vàng trang sức mỹ nghệ nên coi là hoạt động kinh doanh thông thường và giao cho một bộ ngành khác để thống nhất quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất (bao gồm cả nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ) đến khâu lưu thông trên thị trường.
Giải pháp cho thị trường vàng
Giải pháp được nhiều chuyên gia nêu ra nhất là cho phép nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung; bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần cho phép tăng lượng cung của vàng, phù hợp với nhu cầu của người dân, bằng cách cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chí đáp ứng điều kiện nhập khẩu vàng.
Theo ông Lực, khi tăng cung sẽ cân bằng hơn quan hệ giữa cung - cầu; giúp giá vàng giảm xuống, giá sẽ được điều tiết, sát hơn so với giá thế giới. Từ đó, hiện tượng nhập lậu vàng giảm bớt, góp phần thu hút lượng ngoại tệ trong dân, doanh nghiệp. Thậm chí, có thể tăng dự trữ ngoại hối thông qua cách làm đó.
Bên cạnh đề xuất cho phép nhập khẩu vàng là giải pháp giảm sức cầu vàng vật chất, trong đó có phương thức giao dịch vàng qua tài khoản.
Mới đây, NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị NHNN xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc rủi ro thanh toán mua vàng miếng bằng tiền mặt, nhằm phòng ngừa các rủi ro, nguy cơ phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, bảo đảm tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền.
Một giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra đó là thành lập sàn giao dịch vàng như công cụ điều hòa cung - cầu vàng. Giải pháp này đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.
Theo chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi có sàn giao dịch vàng thì mọi thứ sẽ công bằng và rõ ràng hơn. Việc đầu cơ vàng cũng sẽ hạn chế vì các hành vi đầu cơ, làm giá sẽ dễ dàng bị phát hiện và truy tố trước pháp luật.
Các chuyên gia đề xuất sàn giao dịch vàng có thể phát triển theo từng giai đoạn. Ban đầu là vàng vật chất, sau đó đến vàng tài khoản. Những giao dịch lớn về vàng phải thực hiện ở trên sàn.
TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24 chỉ là giải pháp ngắn hạn cho thị trường vàng, cần có giải pháp dài hơi hơn. Theo đó, cần hướng đến việc tạo ra thị trường giao dịch vàng như một sàn giao dịch hàng hóa.
Ông Minh phân tích, khi có sàn giao dịch, mọi người có thể dễ dàng mua bán trao đổi. Ở đó, người dân sẽ tham gia giao dịch mua bán tín chỉ vàng do Nhà nước phát hành, việc này không ảnh hưởng đến số lượng vàng vật chất nên không tác động đến ngoại hối, tỷ giá. Thị trường giao dịch vàng bình thường như giao dịch mua bán xăng dầu…
Ông Huỳnh Trung Khánh nhìn nhận, khi có chứng chỉ chứng nhận vàng, thị trường sẽ bớt lệ thuộc vào vàng vật chất, người dân hay nhà đầu tư có nơi để gửi vàng vào sử dụng mua bán, giao dịch. Trong khi đó, có thể đưa được số vàng tích trữ của người dân vào nền kinh tế, để lưu thông.
Theo ông Khánh, nếu sàn giao dịch vàng được hình thành, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm soát được việc mua bán vàng; thậm chí còn cân đối được cung - cầu trong nước, khi cầu quá lớn, cung không đủ mới cần nhập khẩu về. Sàn giao dịch vàng, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ đưa vàng vào nền kinh tế. Còn hiện nay, vàng vẫn 'nằm chết' một chỗ với số lượng lên đến vài trăm tấn.
Còn theo GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM), trong khi chờ đợi một chiến lược căn cơ dài hạn cho thị trường vàng, trước mắt, chúng ta cần đánh giá chính xác giá trị gia tăng của ngành chế tạo vàng trang sức, ưu tiên nhập vàng nguyên liệu để phục vụ công nghiệp chế tác vàng, như theo nguyên tắc 20-80.
Theo đó, cứ 100 tấn vàng nhập khẩu thì 20 tấn sẽ sử dụng để chế tạo vàng trang sức xuất khẩu. Nếu giá trị gia tăng của vàng xuất khẩu là 4 lần sẽ bù đắp lượng ngoại tệ nhập 80 tấn cho thị trường nội địa, hay ít ra cũng tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách.
Phương án này sẽ giúp giảm bớt phần nào chênh lệch giá vàng nhưng không tác động đáng kể đến tỉ giá và dự trữ ngoại hối quốc gia.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.